0236.3650403 (128)

Quản lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại


Hoạt động cho vay của NHTM luôn chứa đựng những rủi ro và khả năng phát sinh nợ xấu là một biểu hiện rõ nhất của rủi ro tín dụng. Nợ xấu phát sinh sẽ gây hậu quả không nhỏ không chỉ đến hoạt động ngân hàng mà còn tác động đến cả nền kinh tế. Vì thế, chấp nhận rủi ro để có những biện pháp ngăn ngừa rủi ro và xử lý tổn thất là việc làm cần thiết và mang lại hiệu quả trong hoạt động tín dụng ngân hàng nói chung và hoạt động cho vay nói riêng.

Xuất phát từ tầm quan trọng và hậu quả mà nợ xấu có thể mang lại, việc quản lý nợ xấu luôn được các ngân hàng quan tâm và đề ra những yêu cầu cụ thể.

Quản lý nợ xấu là quá trình xây dựng và thực thi các chính sách về nợ xấu nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Nội dung quản lý nợ xấu trong hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại:

Trong hoạt động của NHTM, xây dựng được một chính sách quản trị rủi ro từ hoạt động cho vay và thực thi tốt chính sách đó có ý nghĩa quyết định.

Quản lý nợ xấu đòi hỏi các NHTM cần phải làm tốt từ việc nhận biết nợ xấu đến việc áp dụng các giải pháp xử lý nợ xấu đã phát sinh một cách hiệu quả.

-Xây dựng chỉ tiêu về nợ xấu:

Việc xây dựng chỉ tiêu về nợ xấu có vai trò quan trọng trong quản lý nợ xấu. Chỉ tiêu về nợ xấu không chỉ giúp định hướng mà còn có tác động trực tiếp đến công tác xử lý nợ xấu phát sinh.

Chỉ tiêu về nợ xấu thường được xây dựng cho một thời kỳ hoặc một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm) trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô, quy mô tín dụng, cơ cấu ngành và đặc điểm về nguồn nhân lực của ngân hàng.

Tùy điều kiện và mục tiêu cụ thể, chỉ tiêu về nợ xấu có thể được xây dựng theo hướng thắt chặt hoặc nới lỏng.

Chỉ tiêu về nợ xấu cần đảm bảo các nội dung định lượng (tỷ lệ phần trăm so với tổng dư nợ, doanh số nợ xấu phát sinh) và định tính (định hướng theo ngành, theo thời gian, theo địa bàn…).

-Xác định nợ xấu:

Việc xác định nợ xấu cần được NHTM thực hiện định kỳ và đột xuất ngay khi khách hàng hoặc khoản vay có những biểu hiện nhất định:

* Dấu hiệu phi tài chính

-         Hành vi của khách hàng

+       Tìm cách tránh gặp ngân hàng, miễn cưỡng hoặc chậm cung cấp thông tin tài chính : Khi nhận thấy hoạt động kinh doanh đang gặp vấn đề, ban lãnh đạo sẽ thường có xu hướng liên lạc với ngân hàng ít hơn so với khi đang làm ăn tốt.

+       Khách hàng có những biểu hiện này, Ngân hàng cần tìm hiểu nguyên nhân đồng thời đánh giá toàn bộ các khoản vay hiện tại của khách hàng, cảnh báo về khả năng dẫn đến nợ xấu.

+       Khách hàng tỏ ra không đáng tin : Trong hoạt động cho vay của Ngân hàng, việc khách hàng không giữ uy tín sẽ là một dấu hiệu rõ nét tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

-         Khả năng quản lý

+       Bằng chứng phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ công ty, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ quản lý : Việc xảy ra mâu thuẫn giữa những người điều hành có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến nguồn thu để trả nợ, tiềm ẩn nợ xấu.

+       Nghỉ ốm dài hoặc bất ngờ của những nhân sự chủ chốt, mất các nhà quản lý cấp cao : Sự thay đổi bất ngờ và bất thường của đội ngũ cán bộ quản lý là dấu hiệu cảnh báo hoạt động kinh doanh có sự thay đổi theo chiều hướng bất lợi hoặc có sự vi phạm pháp luật.

+       Tin đồn bất lợi về doanh nghiệp : Việc phát sinh tin đồn bất lợi, dù đúng hay không đúng cũng sẽ có những ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu.

+       Đầu tư vào lĩnh vực ngoài kinh nghiệm, chuyên môn, thiếu nhận biết về vị trí của công ty trên thị trường hoặc về vấn đề cạnh tranh : Trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, việc kinh doanh mạo hiểm cũng như không nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình sẽ không thể giúp doanh nghiệp phát triển mở rộng hay ít nhất là giữ vững vị thế hiện có của mình.

-         Hoạt động kinh doanh

+       Có hoạt động pháp lý chống lại khách hàng, bao gồm cả những khó khăn với cơ quan thuế hoặc hải quan : Việc vi phạm những quy định của pháp luật, ngay cả những lỗi đối với việc kê khai thuế, hải quan sẽ ảnh hưởng tới quyền được hoạt động kinh doanh của khách hàng theo quy định của pháp luật, có thể phải ngừng hoạt động đối với những vi phạm nghiêm trọng.

+       Các nhà cung cấp, nhà phân phối lớn thay đổi chính sách bán, mua hàng : Việc thay đổi chính sách của các đối tác, đặc biệt là đối tác lớn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh nói chung, doanh thu, lợi nhuận của khách hàng nói riêng.

-         Tình hình môi trường vĩ mô : Ngân hàng cần nắm được những yếu tố vĩ mô, nằm ngoài tầm kiểm soát của người vay và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người vay như chi phí tăng nhưng lại không thể chuyển một phần sang cho khách hàng, lãi suất cao hơn, vấn đề về ngành kinh doanh...để chủ động đánh giá hoạt động kinh doanh của khách hàng có chịu tác động theo hướng bất lợi hay không.

*Dấu hiệu tài chính

-         Kết quả kinh doanh

+       Doanh thu tăng quá nhanh nhưng vốn lưu động không sẵn sàng đủ do tăng cường chính sách bán chịu hoặc phải chịu sức ép cạnh tranh, chênh lệch lợi nhuận biên thấp sẽ ảnh hưởng tới vốn duy trì hoạt động cũng như khả năng thanh toán của khách hàng.

+       Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn mức bình quân của ngành.

+       Các khoản thu nhập và chi phí bất thường tăng đột biến.

+       Xuất hiện lỗ ròng hoặc lưu chuyển tiền tệ âm : Một doanh nghiệp sẽ không thể duy trì được lâu sự tồn tại của mình trong những điều kiện như vậy.

-         Tài sản cố định

+       Giá trị còn lại tài sản cố định giảm mạnh : khách hàng thực hiện bán, thanh lý tài sản nằm ngoài kế hoạch thay mới, dấu hiệu khách hàng có thể gặp khó khăn, chuyển đổi tài sản cố định thành tài sản có tính lỏng cao hơn, thuận tiện cho việc thu hẹp hoặc ngừng hoạt động.

+       Tốc độ đầu tư tài sản cố định tăng quá nhanh : việc đầu tư tài sản cố định quá mức, nằm ngoài khả năng tài chính cũng như huy động vốn của khách hàng sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán cũng như vốn lưu động phục vụ kinh doanh của khách hàng.

+       Hoạt động của tài sản thấp bất thường : dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có nguy cơ bị thu hẹp hoặc khách hàng có khó khăn về vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất.

-         Cơ cấu tài chính và quản lý nợ vay

+       Cơ cấu nợ vay/vốn chủ sở hữu thay đổi đột biến theo chiều hướng tăng tỷ trọng vốn vay.

+       Tốc độ tăng nợ vay không tương xứng với tốc độ tăng doanh thu./.

Nguyễn Thị Minh Hà