0236.3650403 (128)

Sự thay đổi và các mức độ của sự thay đổi


Hiện nay có nhiều cách hiểu và diễn đạt khác nhau về sự thay đổi. Cụ thể theo từ điển Việt Nam, thì thay đổi là thay cái này bằng cái khác hay là sự đổi khác trở nên khác trước. Cách diễn đạt thứ 2 thay đổi là quá trình vận động từ sự vật này thành sự vật khác trước do ảnh hưởng, tác động qua lại của sự vật, hiện tượng, của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Thay đổi là thuộc tính chung của bất kì sự vật, hiện tượng nào trong đời sống tự nhiên, kinh tế, xã hội. Như vậy, có thể hiểu đơn giản thay đổi là làm cho khác đi hay trở nên khác đi”. Thay đổi bao gồm cả sự biến đổi về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Sự thay đổi là quá trình liên tục theo thời gian, rộng lớn về không gian, phức tạp về nội dung. Sự thay đổi tồn tại một cách khách quan, chưa được thử nghiệm và khó quản trị. Nhiều nhà quản trị cho rằng, không có gì tồn tại vĩnh viễn trừ sự thay đổi.

Thay đổi được thể hiện ở nhiều mức độ: mức độ 1, cải tiến (improvement) là tăng lên hay giảm đi những yếu tố nào đó của sự vật để cho phù hợp hơn; không phải là sự thay đổi về bản chất. Mức độ 2, đổi mới (Innovation) là thay cái cũ bằng cái mới; làm nảy sinh sự vật mới; còn được hiểu là cách tân; là sự thay đổi một phần về bản chất của sự vật. Mức độ 3, cách mạng (Revolution) là sự thay đổi trọng đại, biến đổi tận gốc; là sự thay đổi căn bản và mức độ 4, cải cách (Reform) là loại bỏ cái cũ, bất hợp lý của sự vật thành cái mới có thể phù hợp với tình hình khách quan; là sự thay đổi về bản chất toàn diện và triệt để hơn so với đổi mới. Trên cơ sở khái niệm trên có thể hiểu, thay đổi trong công ty là mọi quá trình cải tiến cái cũ, hoặc thay thế cái cũ bằng cái mới một cách chủ động để tạo sức cạnh tranh lớn hơn cho công ty từ việc áp dụng công nghệ mới, những bước dịch chuyển có tính chất chiến lược, tổ chức lại dây chuyền sản xuất, liên kết hoặc hợp nhất với công ty  khác, tái cơ cấu các bộ phận kinh doanh, đến nỗ lực tối ưu hóa phong cách văn hóa. Nếu theo cách hiểu này, thì sự thay đổi diễn ra mọi nơi, mọi cấp trong công ty. Sự thay đổi chưa từng được thử nghiệm trong những trường hợp cụ thể. Không một ai có thể mô tả được việc thay đổi sẽ diễn ra như thế nào. Mỗi một thay đổi diễn ra trong một điều kiện cụ thể khác nhau, vì vậy có những thay đổi diễn ra trong những trường hợp tương tự nhau, nhưng kết quả lại khác nhau. Sự thay đổi diễn ra rất phức tạp. Một khía cạnh của tính phức tạp này là hầu hết các thay đổi đều đều có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Một thay đổi, xét bên ngoài dường như hoàn toàn tốt, nhưng lại có thể chứa nhiều trở ngại và bất lợi về sau. Trong khi một sự việc có vẻ chứa nhiều rủi ro, thì lại tạo ra nhiều triển vọng và hiệu quả tốt đến mức không ngờ. Vì phức tạp và chưa được thử nghiệm, nên sự thay đổi rất khó quản lý.

Lê Hoàng Thiên Tân