0236.3650403 (128)

TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam được xác định là cơ cấu lại quản trị, điều hành và cấu trúc lại tình hình tài chính của các ngân hàng. Đây được coi là nhiệm vụ rất cấp bách không chỉ nhằm bảo vệ và lành mạnh hoá hệ thống tài chính mà còn để củng cố uy tín và niềm tin với người dân vào hệ thống ngân hàng nói riêng và sự điều hành của Nhà nước nói chung. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ diễn ra theo 2 hướng: cải tổ những ngân hàng còn yếu kém và sáp nhập, hợp nhất các NHTM, các TCTC nhỏ để có các NHTM và TCTC với quy mô lớn, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản và an toàn hệ thống.

Có thể khẳng định lĩnh vực gây xáo trộn cho nền kinh tế nhiều nhất là ngân hàng, bởi lẻ hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp đều phụ thuộc vào vốn và lãi suất từ ngân hàng. Hiện tượng lãi suất cho vay cao như hiện nay thực sự gây bất ổn lớn, do vậy tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, những lý do cơ bản để thực hiện việc tái cấu trúc NHTM đó là:

Một là, khác với cải cách đầu tư công hay DNNN có tính phức tạp rất cao, lại liên quan đến rất nhiều nhóm đặc quyền đặc lợi nên cần rất nhiều thời gian, và vì vậy cần được coi là vấn đề trong trung và dài hạn. Khu vực ngân hàng của Việt Nam hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro hệ thống, có thể là nhân tố kích hoạt cho sự đổ vỡ kinh tế. Đó là lý do đầu tiên để Chính phủ phải đặt ưu tiên cao độ cho việc cải cách khu vực ngân hàng.

Hai là, để ưu tiên tái cấu trúc hệ thống NHTM xuất phát từ những tác động lan tỏa của nó. Nếu sau tái cấu trúc mà các NHTM chỉ cần làm được một việc, đó là cho vay có tính thương mại (chứ không phải cho vay có tính quan hệ hay tính chính trị) thì chúng đã thực hiện một chức năng vô cùng quan trọng là phân bổ nguồn lực hữu hạn, cụ thể là nguồn tín dụng và tài chính của quốc gia, đến tay những người sử dụng một cách hiệu quả nhất.Có nghĩa là hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại phải đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng và NHTMgiữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ thương mại thì lập tức nó sẽ làm giảm sự ảnh hưởng quá lớn của khu vực DNNN - khu vực được cho là kém hiệu quả, và lúc đó sẽ phân bổ lại nguồn vốn cho khu vực dân doanh - nơi tạo ra đa số công việc làm và tạo ra ¾ tăng trưởng của nền kinh tế.

Ba là tính khả thi. Trong toàn hệ thống ngân hàng thương mại trong nước có trên dưới 10 ngân hàng là có vấn đề thật sự. Việc khu trú 10 ngân hàng này dễ dàng hơn rất nhiều so với chạy theo hàng nghìn dự án đầu tư công hoặc theo khoảng 1.300 DNNN. Hơn nữa, so với chính sách tác động tới đầu tư công và DNNN thì chính sách tiền tệ - ngân hàng minh bạch hơn, tốc độ dãn truyền chính sách nhanh hơn nên thích hợp để giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn hạn.

Xử lý được vấn đề ngân hàng sẽ là cơ sở để xử lý hai vấn đề còn lại. Khi quan hệ ngân hàng và DN là quan hệ thương mại đúng nghĩa thì DNNN không thể tự tung tự tác, không thể chi tiêu bữa bãi vì được hưởng trợ cấp lãi suất ưu đãi, được hưởng tín dụng chỉ định. Khi những điều này không còn nữa thì buộc phải căn cơ. Tức là cải cách ngân hàng tạo ra động lực để giám sát hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp, bất kể công hay tư.

Tương tự như vậy, một phần không nhỏ đầu tư công ở Việt Nam được tài trợ từ tín dụng ngân hàng. Nếu tín dụng ngân hàng tốt thì sẽ hỗ trợ cho đầu tư công có hiệu quả.

Tuy nhiên, tái cấu trúc là một vấn đề khó, nhưng muốn phát triển phải đổi mới, phải chấp nhận những khó khăn và hy sinh ban đầu để có được cuộc ‘cách mạng’ thành công. Và quan trọng là cải cách phải từng bước chứ không san bằng, với những bước đi thận trọng nhưng tích cực. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, thì ngoài việc vốn điều lệ còn thấp, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) tối thiểu chưa cao, thì nợ xấu cũng đang có xu hướng tăng. Vì thế, tái cơ cấu được xem là vấn đề nóng đối với lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới. Do đó, làn sóng sáp nhập, hợp nhất cũng sẽ sôi động hơn. Cụ thể hơn, tái cấu trúc hệ thống NHTM thành công sẽ giúp tăng cường hiệu quả cho cơ chế phân bổ nguồn lực trở nên tốt hơn, ví dụ như tín dụng, nhờ đó giúp giải quyết nhược điểm cố hữu của nền kinh tế là đầu tư quá lớn, tín dụng quá nhiều nhưng hiệu quả thấp và cũng là việc kiểm tra và xác định đúng "sức khỏe" của từng ngân hàng và hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta hiện nay.