0236.3650403 (128)

Thực trạng mô hình hợp tác công tư ở Việt Nam


Với mô tả ở trên, mô hình PPP trên thực tế đã có mặt ở Việt Nam từ đầu thập niên 1990. Ví dụ, dự án đô thị mới Phú Mỹ Hưng được thực hiện theo cách kết hợp giữa BOT và đổi đất lấy hạ tầng. Đây có thể xem là dự án theo mô hình hợp tác công - tư cũng như đổi đất lấy hạ tầng thành công nhất Việt Nam. Nếu so sánh với nhiều khu đất cũng như tài nguyên khác được giao cho các nhà đầu tư tư nhân mà Nhà nước gần như không thu được gì, thì ở dự án này, Nhà nước đã thu được: khoảng 60% lợi ích tài chính từ dự án, một con đường hiện đại và một mô hình đô thị kiểu mẫu.

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều dự án hợp tác công - tư khác đã và đang được triển khai từ thập niên 1990 đến nay như: BOT cầu Cỏ May, BOT cầu Phú Mỹ, điện Phú Mỹ, và rất nhiều nhà máy điện nhỏ và vừa khác đang được thực hiện theo phương thức BOO.

Về thực tế triển khai thí điểm dự án PPP theo Quyết định 71, hiện nay tình trạng ôm dự án rất phổ biến, chỉ định thầu là chủ yếu. Hầu hết các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty, công ty nhà nước đều hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Trong khi, các doanh nghiệp này chính là nòng cốt của nền kinh tế và nhiều công ty đang là nhà đầu tư của những dự án lớn.

Điều này cũng cho thấy, nhà đầu tư Việt Nam không có vốn, hoạt động nhờ vốn ngân hàng, mà chủ yếu là ngân hàng thương mại nhà nước, rồi sau đó xin trái phiếu Chính phủ là đủ vốn để tham gia các dự án đầu tư. “Như vậy, xét cho cùng hợp tác công - tư thực chất là công – công. Chính vì vậy, khi có lợi thì nhà đầu tư nhảy vào, nhưng khi thua lỗ lại mang trả Nhà nước.

Khảo sát của Trung tâm Thông tin và Dự báo KT - XH Quốc gia cho thấy, các nhà tư vấn nước ngoài đánh giá môi trường thể chế về PPP ở Việt Nam chưa cao, vẫn còn những hạn chế. Ví như, cụm từ “thí điểm” tạo cảm giác bất an và không chắc chắn đối với các nhà đầu tư.

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư cũng không nêu được định nghĩa rõ ràng về PPP. Những lĩnh vực của PPP rất hạn hẹp, mặc dù các điều khoản cho phép Chính phủ có thể bổ sung, nhưng cơ chế kém minh bạch và rắc rối này được đánh giá là cách thức không tích cực. Quy định về mức tham gia tối đa của vốn nhà nước là 30% sẽ loại bỏ tới 80% các dự án PPP, trong khi không có quy định rõ phần đóng góp của Nhà nước cụ thể bao gồm những nội dung nào.

Bên cạnh đó, theo các nhà tư vấn, việc Quyết định 71 không khuyến khích hình thức nhà đầu tư tự đề xuất dự án PPP là không phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như không hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta. Quy trình phê duyệt dự án PPP còn phức tạp và thẩm quyền cuối cùng của mọi dự án PPP đều thuộc Thủ tướng Chính phủ, kể cả các dự án nhỏ. Tư vấn quốc tế đánh giá đặc điểm này là không tích cực. Chúng ta cũng chưa có một khung pháp lý đồng nhất cho những dự án theo hình thức PPP. Nghị định 108/2009/NĐ-CP dành cho các dự án BOT và Quyết định 71 dành cho các dự án PPP có những nội dung không đồng nhất và cũng không kết nối với nhau.

Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Quốc gia cũng chỉ ra rằng, năng lực thực hiện của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp địa phương. Cho đến nay, quá khứ và hồ sơ thực hiện dự án theo hình thức PPP đúng nghĩa hầu như không có, là điều nhà đầu tư quan ngại và không phản ứng tích cực.

Để khắc phục hạn chế trên cần phải có một khung khổ pháp lý có hiệu lực cao hơn (nghị định/luật) về PPP, bằng cách hợp nhất Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg thành Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP. 

 Việc xây dựng khung pháp lý phải giải quyết được các vấn đề: hai bên tham gia đến đâu? Trách nhiệm đến đâu? Quyền lợi đến đâu?. Tức, để bảo đảm tính chất công, Nhà nước có thể can thiệp bất cứ lúc nào khi có thương hại đến lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, không nên quy định mức tỷ lệ cứng, nhưng phải quy định rõ những quyền và trách nhiệm của hai bên. Để không còn “công – công”, thì bản thân dự án phải làm rõ được sinh lời ở đâu và bao nhiêu thì mới hấp dẫn nhà đầu tư.

Tóm lại,PPP hay hợp tác công - tư không phải là mô hình mới ở Việt Nam. Mô hình này có thể góp phần vào việc xây dựng các CSHT hay cung cấp dịch vụ công cộng, nhưng không nên kỳ vọng nó sẽ là chiếc đũa thần để giải quyết nút thắt CSHT ở Việt Nam. Thực ra, một trong những nguyên nhân gây ra thiếu hụt và quá tải CSHT ở Việt Nam là do không ít công trình đã được xây dựng hoặc là không hiệu quả (rất ít người sử dụng), hoặc là quá đắt, hoặc là cả hai

Để giải quyết nút thắt CSHT, việc cần làm hơn cả là lựa chọn đúng dự án cần thiết và loại trừ những chi phí phi lý. Để làm được điều này, một quy trình thẩm định dự án khoa học dựa trên những tiêu chí rõ ràng cộng với các thủ tục đấu thầu công khai và minh bạch là việc cần làm ngay.

ThS. Hoàng Thị Xinh