0236.3650403 (128)

Tình hình hoạt động kinh doanh Ngân hàng Agribank trong năm qua


Thứ nhất, với huy động tiền gửi và tín dụng: Trong nhiều năm qua, Agribank duy trì tốc độ tăng trưởng tài sản, nguồn vốn bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Agribank đạt 1,9 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 91,3 nghìn tỷ đồng, trong đó:

Quy mô huy động tiền gửi lớn nhất hệ thống: Với mạng lưới rộng lớn, Agribank luôn đứng đầu bảng về các ngân hàng có nguồn huy động vốn lớn nhất hệ thống với số dư tiền gửi tới 30/6/2023 đạt 1,7 triệu tỷ đồng. Cơ cấu tiền gửi có tính bền bền vững với tiền gửi chủ yếu từ dân cư. Hiện nay, Agribank có tới 18 triệu khách gửi tiền, trong đó lượng món tiền gửi dưới 50 triệu đồng chiếm khoảng 60%.

Quy mô tín dụng đứng thứ hai toàn ngành: Xét về dư nợ tăng trưởng tín dụng và quy mô tổng tài sản, Agribank đứng thứ hai toàn hệ thống. Cuối năm 2022, Agribank có dư nợ cho vay nền kinh tế trên 1,44 triệu tỷ đồng. Agribank cũng được các tổ chức quốc tế và các bộ, ban ngành lựa chọn là ngân hàng phục vụ cho hơn 170 dự án với tổng số tiền trên 8,5 tỷ USD. Mặc dù có thị phần huy động vốn lớn nhất nhưng thị phần dư nợ tín dụng chỉ đứng thứ 2 do nhiều năm qua Agribank không thể tăng vốn, dẫn đến phải tăng trưởng tín dụng hạn chế. Hiện nay, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, do vậy việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách trong khi các ngân hàng thương mại khác thuận lợi tăng vốn từ cổ phần hóa

Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt. Trong điều kiện kinh tế khó khan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn ngành ngân hàng năm 2022 ở mức 1,92% và có xu hướng tăng. Tuy vậy, chất lượng tín dụng tại Agribank được kiểm soát chặt chẽ, nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,64%/tổng dư nợ. Hiện toàn bộ nợ xấu của Agribank đã được ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Trong đó trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã trích lập dự phòng rủi ro 8.873 tỷ đồng, nâng tổng nguồn dự phòng hiện có lên 37.457 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 122,7%, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.

Thứ hai, về kết quả hoạt động kinh doanh: Thu nhập từ lãi thuần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập của Agribank. Chỉ trong 5 năm gần đây, lợi nhuận của Agribank đã tăng gấp 3 lần và liên tục nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp nộp thuế hàng đầu Việt Nam

Thu nhập hoạt động trưởng liên tục, chi phí được kiểm soát tốt. Tổng thu nhập hoạt động của Agribank giai đoạn 2019-2022 duy trì tăng trưởng ổn định với tốc độ bình quân khoảng gần 10%/năm. Kết quả năm 2022 đạt 77,9 nghìn tỷ đồng, cao nhất toàn hệ thống. Bên cạnh điểm sáng từ doanh thu hoạt động, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và xu hướng giảm dần hàng năm. Tỷ lệ chi phí / thu nhập hoạt động (CIR) giảm còn 36% năm 2022 so với mức 41% của năm 2019. Điều này giúp cho lợi nhuận hoạt động giai đoạn 2019-2022 tăng trưởng bình quân tới gần 13%/năm. Trong nửa đầu năm 2023, tổng chi phí hoạt động của Agribank giảm 8,5% (giảm 1.222 tỷ đồng), là ngân hàng duy nhất giảm chi phí hoạt động trong nhóm 4 NHTM Nhà nước, giúp tỷ lệ CIR tiếp tục giảm thấp hơn 1,56% so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế cán mốc 1 tỷ USD, liên tục hoàn thành vượt kế hoạch. Giai đoạn 2019 – 2022, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch và suy thoái kinh tế trên thế giới cũng như tăng trưởng kinh tế không khả quan, Agribank đạt mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân 17%/năm, hoàn thành 110% tổng kế hoạch lợi nhuận của cả giai đoạn. Nhờ các nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ khách hàng và nâng cao năng lực tài chính, kết quả kinh doanh, Agribank đạt mốc lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD năm 2022, cao nhất trong lịch sử, tạo tiền đề tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại sau thuế. Kết quả thực hiện tới 30/6/2023, LNTT theo BCTC riêng lẻ của Agribank đạt khoảng 13.200 tỷ đồng, bám sát kế hoạch đã đề ra với mức độ hoàn thành 50%.

ThS. Mai Xuân Bình – Khoa QTKD