0236.3650403 (128)

Bàn về chính sách tiền lương, tiền công trong thời gian qua


Thực trạng

Trong những năm gần đây, tiền lương chưa phản ánh đúng giá cả sức lao động, chưa thực sự gắn với mối quan hệ cung cầu lao động trên thị trường, tốc độ tăng tiền lương nhỏ hơn tốc độ tăng của năng suất lao động. Mức lương tối thiểu còn thấp chưa theo kịp với yêu cầu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động và sự phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể, chính sách tiền lương chưa được đảm bảo cho người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã hội; chưa khuyến khích và thu hút được người tài, người làm việc giỏi. Mức lương trung bình của công chức còn thấp so với mức thu nhập trung bình của lao động xã hội. Do vậy đã gây nên sự biến động, dịch chuyển lao động lớn và tỉ lệ lao động bỏ việc, nghỉ việc ngày một tăng.

Hệ thống tiền lương còn quá nhiều thang, bảng lương và khoảng cách giữa các bậc lương nhỏ, tiền lương danh nghĩa tăng nhưng tiền lương thực tế lại giảm sút. Đối với mức lương, bậc lương giữa các loại cán bộ, công chức một số chức danh trong hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) đã bộc lộ những bất hợp lý.

Chế độ tiền lương chủ yếu vẫn dựa trên hệ thống phân phối theo việc, gắn cứng tiền lương với hệ số lương tối thiểu như nhau dù có trình độ khác nhau, nên không tạo được động lực làm việc hiệu quả. Đồng thời chưa có sự phân biệt giữa tiền lương tối thiểu của cán bộ công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tiền lương tối thiểu của lao động trong khu vực hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những tác động cản trở, sự chênh lệch về thu nhập giữa các đơn vị có nguồn thu và không có nguồn thu. Các chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, an toàn… còn chưa được coi trọng.

Có sự chênh lệch khá lớn về mặt bằng tiền lương, thu nhập giữa các vùng, khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa lao động có kĩ thuật, có tay nghề với lao động phổ thông giữa các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm và các địa phương khác. Sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra, nhất là giữa nông thôn và thành thị. Tỷ lệ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn nhiều mức bình quân cả nước.

Trong các doanh nghiệp nhà nước, cơ chế phân phối tiền lương chưa thực sự theo nguyên tắc thị trường, còn mang nặng tính bình quân. Mức độ chênh lệch về tiền lương, thu nhập giữa các loại lao động không lớn, chưa khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao vào khu vực nhà nước. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tình trạng ép mức tiền công của người lao động, không thực hiện đúng công tác bảo hiểm xã hội…

Cần có giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công

Trước hết, hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công theo hướng thị trường. Tiền lương phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo quy luật thị trường, dựa trên cung- cầu về sức lao động, chất lượng, cường độ lao động và mức độ cạnh tranh việc làm. Thực hiện tốt, phấn đấu rút ngắn lộ trình điều chỉnh tiền lương và trợ cấp xã hội giai đoạn 2008- 2012 đi đôi với kiểm soát lạm phát để đảm bảo thu nhập thực tế ngày càng tăng cho người hưởng lương.

Cần có chế độ, chính sách về tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ sở cho phù hợp sự phát triển kinh tế thị trường. Các khoản lương, thưởng, phụ cấp của người lao động phải được đảm bảo trở thành những công cụ hữu hiệu để điều tiết quan hệ lao động, phản ánh đúng giá trị sức lao động. Đó là những nguồn thu nhập để nuôi sống người lao động và gia đình họ, từ đó mới tạo động lực khuyến khích họ làm việc có hiệu quả. Mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cần thiết để tái sản xuất sức lao động và sự vận động của thị trường sức lao động.

Tăng cường phối hợp cơ chế 3 bên trong ban hành chính sách tiền lương, hình thành cơ chế thỏa thuận tiền lương. Tăng cường sự tham gia của đại diện người lao động và người sử dụng lao động vào hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển thị trường sức lao động. Cải thiện các điều kiện liên quan đến sự phát triển của thị trường sức lao động như các thông lệ và luật pháp quốc tế, môi trường hợp tác giữa đại diện của người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong cơ chế 3 bên. Sự tham gia của các đối tác xã hội khác như các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức chính trị – xã hội…Quy định các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương để người lao động và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, gắn cải cách tiền lương với cải cách kinh tế, tạo sự gắn kết đồng bộ giữa các loại thị trường để thúc đẩy nhau phát triển lành mạnh. Đẩy mạnh hoạt động tư pháp, củng cố cơ quan bảo vệ luật pháp, thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, thanh tra và xét xử nghiêm minh, tạo môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tê – xã hội.

Tăng cường sự quản lý và giám sát của Nhà nước đối với thị trường sức lao động. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của thị trường này. Xử lý tốt các trường hợp tranh chấp, bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, tạo cung lao động đáp ứng thị trường về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo.

Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD