0236.3650403 (128)

Các nhân tố ảnh hưởng đến ngư nghiệp tại Việt Nam


CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯ NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

1 Tác động của khí hậu:

            Sự thay đổi khí hậu có tác động đến các hệ sinh thái biển, làm biến động chủng quần và nguồn lợi cá biển vì vậy làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng ngư dân khu vực ven biển. Các hiện tượng san hô chết hàng loạt trong 20 năm qua do một số nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do nhiệt độ ở các vùng biển đã tăng lên.

            Các ảnh hưởng tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với môi trường và các hệ thống kinh tế xã hội có thể được đánh giá qua sự nhạy cảm, mức độ thích nghi và mức độ dễ bị tổn thương của hệ thống. Tại Việt Nam hiện vẫn chưa có các nghiên cứu đầy đủ  về  tác động của biến đổi khí hậu đối với khai thác hải sản. Tuy nhiên, với những nguy cơ và thách thức đang tiềm ẩn đối với lĩnh vực khai thác thuỷ sản, các ảnh hưởng tiềm tàng của biến đổi khí hậu có thể sẽ rất lớn. Các ảnh hưởng này phần nào đã được thể hiện qua số liệu thống kê về thiệt hại do bão gây ra đối với cộng đồng ngư dân ven biển trong những năm gần đây.

            Số lượng các cơn bão ảnh hưởng đến Việt nam không chỉ có xu hướng tăng lên mà mức độ ảnh hưởng ngày càng nhiều. Những năm gần đây các cơn bão với cường độ mạnh, các đợt gió mùa Đông Bắc kéo dài và các hiện tượng thời tiết bất thường khác đã tác động đáng kể đến hoạt động thuỷ sản và gây ra thiệt hại cho người và tàu cá hoạt động trên biển      

1.1. Ảnh hưởng của nhiệt độ:

            Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài nuôi trồng thủy sản nói riêng. Mỗi loài có khoảng nhiệt độ thích ứng riêng. Khả năng chống chịu của chúng nằm trong khoảng giới hạn nhất định. Ví dụ nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm sú giới hạn trong khoảng 25 – 320 C, nếu nhiệt độ cao hơn 320 C hoặc thấp hơn 250 C thì sự phát triển của tôm sẽ bị ảnh hưởng như  tôm chậm lớn.

            Nhiệt độ nước trong các ao hồ phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết và từng địa phương. Khi nhiệt độ không khí tăng lên làm cho nước nóng lên, tuy nhiên biến động nhiệt độ nước trong các ao hồ chậm hơn so với không khí. Ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền trung, hiện tượng nắng nóng đã làm cho nhiệt độ nước tăng lên quá mức chịu đựng của nhiều loài sinh vật, trong đó có các loài nuôi. Nước nóng đã làm cho tôm cá chết hàng loạt, đặc biệt nghiêm trọng đối với các khu vực nuôi thủy sản có độ sâu nhỏ. Đối với các vực nước có độ sâu cao, vực nước lớn hoặc chảy thì sự thay đổi về nhiệt độ hiện xảy ra chậm hơn và nước ít bị nóng hơn. Vì vậy việc nuôi lồng bè trên các vực nước lớn như sông suối, biển thường ít bị ảnh hưởng của sự tăng nhiệt độ quá mức và lâu dài, còn các vực nước tù và nhỏ thường dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

            Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thủy sản trong các ao hồ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi nhiệt độ tăng lên làm cho hàm lượng oxi trong nước trong giảm mạnh vào ban đêm, do sự tiêu thụ quá mức của các loài thực vật thủy sinh, hoặc quá trình phân hợp chất hữu cơ. Sự suy giảm hàm lượng oxi làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi, tôm có thể bị chết hoặc chậm lớn. Điều này dễ nhận thấy qua hiện tượng hiện tượng thủy triều đỏ và tảo chết hàng hoạt ở các vùng ven biển.

            Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh xảy ra cho các loài nuôi. Nhiệt độ tăng cao làm cho sức khỏe của các loài nuôi, môi trường nước bị xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại. Trong những năm gần đây do môi trường nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt ở hầu hết các tỉnh, như bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra, bệnh do virus (MBV, HPV và BP). Các bệnh này thông thường xảy ra và lan truyền rất nhanh và rộng, khó chữa nên mức độ gây rủi ro rất lớn.

            Bên cạnh những ảnh hưởng bất lợi, tăng nhiệt độ cũng là điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Sự tăng lên của nhiệt trong khoảng cho phép tăng năng suất sơ cấp cho các ao nuôi, tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của các loài thủy sinh là nguồn thức ăn quan trọng cho các loài nuôi. Nhiệt độ nước tăng vào xuân thúc đẩy sự phát triển của sinh khối thủy vực, người dân có thể thả con giống sớm hơn, cho nên có thể tránh được rủi ro tôm cá chết do độ mặn của nước giảm đột ngột.

1.2. Ảnh hưởng của hạn hán và lũ lụt:

            Nguồn nước là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện tượng nắng nóng kéo dài đã làm cạn kiệt nguồn nước ngọt, làm tăng mức độ bốc hơi nước trong các ao nuôi. Miền Trung là nơi có số ngày nắng, mức độ bốc hơi nước lớn nhất cả nước, cho nên hạn hán xảy ra nghiêm trọng nhất. Nhiều ao nuôi tôm cá đã bị bỏ hoang vì không có nước để cung cấp trong quá trình nuôi. Một số ao nuôi chưa đến thời gian thu hoạch đã bị cạn kiệt nguồn nước trong ao, nên người dân phải thu hoạch sớm hoặc bỏ nuôi. Tôm cá chưa đến kích thước thương phẩm bán với giá quá rẻ hoặc làm thức ăn cho gia súc và gia cầm.

            Nắng lắm ắt phải mưa nhiều, gây ra hiện tượng lũ lụt ở nhiều nơi. Lượng mưa trung bình có xu hướng tăng dần qua các năm. Lũ lụt đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều nơi có thể được xem là nơi thuận lợi phát triển nếu hiện tượng khô hạn xảy ra, nhưng chính nơi đây là nơi dễ bị rủi ro nhất nếu lũ lụt xảy ra. Khô hạn có thể cung cấp nước, nhưng lũ lụt thì rất khó chống. Nhiều ao nuôi đã được chuẩn bị bao đê kiên cố, cao để chống nước dân cao vào mùa mưa, nhưng không thể chống được lũ lụt. Đối với nghề nuôi thủy sản mặn lợ, độ mặn lại là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của loài nuôi. Khi xảy ra mưa lớn, độ mặn trong các ao nuôi giảm xuống đột ngột vượt ra khỏi ngưỡng chịu đựng làm cho tôm cá bị sốc, chết hoặc chậm lớn. Lũ xãy ra còn làm cho độ mặn các vực nước gần bờ như các cửa sông giảm xuống, nghề nuôi nhuyễn thể, tôm cá, rong đề bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1.3. Hiện tượng giông bão:

            Do nằm trong vành đai nhiệt đới nên Việt Nam phải chịu ảnh hưởng của hiện tượng bão và áp thấp nhiệt đới. Bão và áp thấp nhiệt đới gây ra mưa to gió lớn. Bão đã gây ra những cơn sóng giữ dội có thể tàn phá hoàn toàn hệ thống đê bao của các ao nuôi, lồng bè trên biển, vì vậy tổn thất là điều khó tránh khỏi. Sự tàn phá của bão và áp thấp nhiệt đới còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng nuôi – cần thời gian dài mới có thể phục hồi. So với sự thay đổi nhiệt độ, bão và áp thấp nhiệt đới thường khó có thể dự đoán, ngược lại mức độ ảnh hưởng của nó ảnh hưởng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có thể nói rằng, hiện tượng khắc nghiệt của biến đổi khí hậu này ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề không chỉ riêng nuôi trồng thủy sản. Đối với vùng ven biển, nơi mà cộng đồng cư dân sống chủ yếu dựa vào hoạt động nuôi trồng thủy sản, nếu bão xảy ra thì thiệt hại về kinh tế là điều khó tránh khỏi, sinh kế của họ sẽ bị mất.

2 Ảnh hưởng của cơ sở vật chất:

            Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam là thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức, đặc biệt là hệ thống chế biến đông lạnh nên chưa tạo được những sản phẩm có giá trị cao. Mặt khác, tình trạng ngư dân khai thác “vô tội vạ” không theo mùa vụ, trong khi nguồn tài nguyên ven bờ đang cạn kiệt dần do khai thác quá mức mà chưa coi trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ tuy có mang lại một số kết quả quan trọng, nhưng nhiều tàu thuyền do trang bị thiếu đồng bộ nên hiệu quả đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như các nguồn lực đầu tư. Việc chuyển đổi nghề cho lực lượng tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ khó khăn. Tình trạng đánh bắt ven bờ, hủy diệt nguồn lợi thủy sản chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu một hệ thống cảng cá hoàn chỉnh. Khâu bảo quản sản phẩm sau khai thác chưa cao dẫn đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu bị giảm sút. Nghề cá phát triển mạnh nhưng chưa có cơ sở chế biến tại chỗ, công tác tiếp thị chưa được chú trọng nên không tạo ra được thị trường cho sản xuất. Mặc dù sản lượng khai thác có tăng, nhưng khâu tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do giá sản phẩm lên xuống bất thường, khiến nhiều ngư dân bị thua lỗ. Số ít ngư dân tự ý thả nuôi không đúng quy trình kỹ thuật, gây ra dịch bệnh; thả nuôi tràn lan làm cho môi trường bị ô nhiễm, gây thiệt hại nặng.

           Một trong những thử thách lớn mà người nuôi trồng thủy sản phải vượt qua là giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm để nâng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, việc vay vốn nuôi tôm cũng là bài toán nan giải đối với người nuôi. Hiện nay, các ngân hàng cho vay rất hạn chế do có sự biến động trên thị trường tài chính - tín dụng và người nuôi tôm gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu chế biến thức ăn tăng, các đại lý kinh doanh cũng rất hạn chế bán nợ cho người nuôi tôm. Bởi vậy, nhiều hộ nuôi tôm thiếu vốn đã hạn chế thức ăn hoặc bổ sung thức ăn tự chế khiến chất lượng tôm nuôi không cao.

Nguyễn Thị Tiến - Khoa QTKD