0236.3650403 (128)

CÁC YẾU TỐ CỦA QUẢN TRỊ VỐN LUÂN CHUYỂN


NGƯỜI THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ TIẾN

BÀI 1

CÁC YẾU TỐ CỦA  QUẢN TRỊ VỐN LUÂN CHUYỂN

1.      Giới thiệu chung về vốn luân chuyển

Vốn luân chuyển là giá trị của toàn bộ tài sản lưu động, là những tài sản gắn liền với chu kỳ kinh doanh của công ty. Trong mỗi chu kỳ kinh doanh, chúng chuyển hóa qua tất cả các dạng từ tiền mặt đến tồn kho, khoản phải thu và trở về hình thái ban đầu là tiền mặt. Nhiệm vụ của quản trị tài chính là đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho vốn luân chuyển, thúc đẩy sự chuyển hóa nhanh chóng các hình thái tồn tại của tài sản lưu động. Các chính sách quản trị vốn luân chuyển cần giải quyết hai vấn đề lớn: thứ nhất đầu tư bao nhiêu vào tài sản lưu động và đầu tư vào tài sản nào; thứ hai sử dụng nguồn vốn nào để tài trợ cho vốn luân chuyển. Hai vấn đề này đều có tác động trực tiếp và tổng hợp lên tính sinh lợi cũng như rủi ro của doanh nghiệp.

2.      Các yếu tố của vốn luân chuyển

2.1.            Tiền mặt

Tiền mặt của công ty bao gồm tiền mặt tại quỹ và tiền gửi. Công ty luôn phải duy trì một mức tiền mặt nhất định để trả lương, mua nguyên vật liệu, nộp thuế, trả nợ, thanh toán cổ tức, mua tài sản…Tuy nhiên tiền mặt bản thân nó không có khả năng sinh lời. Vì thế mục tiêu của quản trị tiền mặt là giảm thiểu lượng tiền mặt nắm giữ trên cơ sở cực đại tính hữu dụng của nó. Tài khoản tiền mặt của các công ty thường bao gồm các tài khoản giao dịch, dự phòng và đầu cơ. Tuy nhiên, không thể xác định chi tiết cho từng mục tiêu mà chỉ tổng hợp lại và xây dựng một tài khoản tiền mặt hợp lý, vì cùng một khoản tiền công ty có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

2.2.            Khoản phải thu

Để tiêu thụ được nhiều hàng hóa và làm tăng doanh thu trong điều kiện cạnh tranh hiện nay các doanh nghiệp đều thực hiện việc bán hàng tín dụng từ đó sẽ làm phát sinh các khoản phải thu của doanh nghiệp. Khoản phải thu vừa có chi phí trực tiếp vừa có chi phí gián tiếp nhưng lại có một ưu điểm quan trọng là làm gia tăng lượng bán.Ngoài ra, việc bán hàng tín dụng làm tăng tốc độ chuyển hóa tồn kho, tăng cường mối quan hệ với khách hàng. Tuy nhiên, bán hàng tín dụng cũng có nhiều bất lợi. Thứ nhất, việc tăng bán hàng tín dụng làm tăng khối lượng công việc, tăng chi phí bán hàng, quản lý khoản phải thu, thu nợ. Thứ hai, bán hàng tín dụng tăng làm tăng nhu cầu vốn cho các khoản phải thu. Thứ ba, khi phát sinh các khoản phải thu sẽ phát sinh rủi ro đó là rủi ro không trả nợ đúng hạn và rủi ro mất mát. Vì vậy, việc bán hàng tín dụng cần tuân theo một chính sách hợp lý.

2.3.            Hàng tồn kho

Hàng tồn kho của doanh nghiệp bao gồm: nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, sản phẩm dỡ dang, thành phẩm. Quản trị hàng tồn kho đúng đắn đòi hỏi một sự liên hệ chặt chẽ giữa các bộ phận bán hàng, mua hàng, sản xuất và bộ phận tài chính. Bộ phận bán hàng phải đi đầu trong việc dự đoán nhu cầu. Những thay đổi này được chuyển cho bộ phận mua hàng và chương trình sản xuất, nhà quản trị tài chính sẽ sắp xếp các hoạt động tài trợ cần thiết hỗ trợ cho việc thiết lập tồn kho.