0236.3650403 (128)

Cần có giải pháp để doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ODA


ODA là tên gọi tắt của ba chữ tiếng Anh: Official Development Assistance, có nghĩa là Hỗ trợ phát triển chính thức hay còn gọi là Viện trợ phát triển chính thức.

Năm 1972, OECD, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển đã đưa ra khái niệm ODA là “một giao dịch chính thức được thiết lập với mục đích chính là thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển. Điều kiện tài chính của giao dịch này có tính chất ưu đãi và thành tố viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25%”.

Về thực chất, ODA là sự chuyển giao một phần thu nhập quốc gia từ các nước phát triển sang các nước đang và chậm phát triển. Liên hiệp quốc, trong một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng vào năm 1961 đã kêu gọi các nước phát triển dành 1% GNP của mình để hỗ trợ sự nghiệp phát triển bền vững về kinh tế và xã hội của các nước đang phát triển.

Theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính Phủ thì ODA được định nghĩa như sau: “Hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA) được hiểu là hoạt động hợp tác phát triển giữa Nhà nước hoặc Chính Phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Nhà tài trợ là Chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ”.

Một cách khái quát, chúng ta có thể hiểu ODA bao gồm các khoản viện trợ không hoàn lại, viện trợ có hoàn lại, hoặc tín dụng ưu đãi của các Chính phủ, các tổ chức liên Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc (United Nations -UN), các tổ chức tài chính quốc tế dành cho các nước đang và chậm phát triển.

Các điều kiện ưu đãi có thể là: lãi suất thấp (dưới 3%/năm ), thời gian ân hạn dài hoặc thời gian trả nợ dài (30-40 năm). Nghị định 87-CP của chính phủ Việt Nam quy định về nguồn vốn ODA là sự hợp tác phát triển giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hay nhiều Quốc gia, tổ chức Quốc tế. Hình thức của sự hợp tác có thể là hỗ trợ cán cân thanh toán, hỗ trợ theo chương trình, hỗ trợ theo kỹ thuật hoặc theo dự án.

Trong nhiều năm qua, việc giải ngân vốn ODA nhìn chung rơi vào tình trạng trì trệ, các dự án chậm triển khai, thủ tục hành chính rườm rà và còn quá nhiều lá chắn. Quyết định mới đây cho phép thành phần kinh tế tư nhân cũng sẽ được vay vốn ODA liệu có khởi sắc hay không?

Chính phủ đã bổ sung, ban hành mới các quy định về pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong Nghị quyết số 14 - NQ/TW (khóa X), trong đó có việc xây dựng cơ chế để khối doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) như các doanh nghiệp Nhà nước.

Nếu các doanh nghiệp tư nhân vận động để làm ăn sinh lãi thì tất cả cùng phát triển. Thế nên nếu vay vốn ODA, ắt hẳn các doanh nghiệp tư nhân phải tìm cách vận động để sử dụng đồng vốn hiệu quả, chứ không có trường hợp để lãng phí vốn.

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA nhìn chung giải ngân chậm với tỷ lệ thấp, thậm chí có năm chỉ đạt khoảng 50%. Nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, thế nhưng một nguồn vốn giá rẻ tương đối bị lãng phí vì những trì trệ nội tại, cả ở phía chính sách và đơn vị tiếp nhận vốn. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA ở các nước thường cao hơn Việt Nam rất nhiều vì họ áp dụng mô hình hợp tác đầu tư nhà nước - tư nhân, để các doanh nghiệp tư nhân sử dụng tốt nguồn lực viện trợ chính thức theo đường Nhà nước.

Tuy nhiên, từ chính sách đến khi doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn ODA vẫn còn là một chặng đường dài. Bởi vì nguồn vốn ODA có hạn, trong khi doanh nghiệp thì ngày càng mọc lên nhiều hơn. Để quá trình từ lý thuyết đến thực tiễn được rút ngắn, trước hết thông tin về các nguồn ODA cần được công khai, minh bạch với các chủ thể có khả năng tham gia thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên hình thành tổ chức chuyên trách thu hút vốn ODA cho các dự án của kinh tế ngoài quốc doanh từ khâu thẩm định, giới thiệu quảng bá, tìm nguồn vốn và tham gia cùng các chủ doanh nghiệp trong quá trình đàm phán.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các tổ chức tài chính cần xác lập khung pháp lý, các điều kiện tài chính và năng lực chuyên môn đi kèm để bảo lãnh cho các nguồn vốn vay ODA của các chủ doanh nghiệp.

Một khiếm khuyết quan trọng khiến nguồn vốn ODA khó mà chảy vào các doanh nghiệp tư nhân ngay là sự kém minh bạch, thiếu công khai về quản lý tài chính trong nhiều công ty tư nhân ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẻ rất nhiều công ty tư nhân chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Các báo cáo tài chính gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng rất sơ sài, hình thức, số liệu thường thiếu chính xác và không đầy đủ.

Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD