0236.3650403 (128)

Cho vay có tài sản thế chấp của các Ngân Hàng thương mại trên địa bàn TP Đà Nẵng - Thực Trạng và giải pháp


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó ngân hàng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoản trả cả gốc và lãi.

Rủi ro cho vay là rui ro về sự tổn thất tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp xuất phát từ người cho vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết hoặc mất khả năng thanh toán. Rủi ro làm phát sinh tăng chi phí giảm lợi nhuận, suy giảm uy tín của các ngân hàng cho vay, đồng thời gây ra tổn thất gián tiếp cho các ngân hàng thương mại khác.[1]

Các nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro trong họat động cho vay có tài sản thế chấp tại các NHTM trên địa bàn Tp. Đà Nẵng

Hiện nay hoạt động cho vay của các NHTM trên địa bàn Tp. Đà Nẵng đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung. Song trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các NHTM Tp.Đà Nẵng không tránh khỏi những rủi ro làm giảm sút hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Những rủi ro đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau như thiên tai, dịch bệnh, cơ chế chính sách thay đổi, chu kì kinh tế biến động hay bên đi vay thua lỗ, vi phạm pháp luật… gây nên tình trạng nợ quá hạn và những tổn thất cho cả ngân hàng cho vay và khách  hàng vay. Cụ thể là:

- Quá trình xử lý nợ tồn đọng tuy vượt mức kế hoạch ngân hàng cho vay giao, nhưng vẫn còn một vài đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo chậm, kết quả chưa cao.

- Doanh số nợ quá hạn còn phát sinh ở một số đơn vị tài chính yếu kém, thua lỗ, các đơn vị giao thông xây dựng chậm được thanh toán vốn do thiếu sự quan tâm sâu sát đến các khoản nợ đến kỳ hạn trả lãi và trả gốc của một số cán bộ tín dụng làm ảnh hưởng chung đến chất lượng tín dụng [2].

- Việc thẩm định dự án, phương án kinh doanh chất lượng còn thấp, thiếu thông tin, thiếu thực tế, chưa có những phân tích đánh giá độc lập theo quan điểm của ngân hàng, có những dự án việc thẩm định còn mang tính sao chép lại. Chưa chủ động lựa chọn khách hàng, hoặc chọn dự án…cũng như công tác tiếp thị, chăm sóc và tiếp cận các khách hàng mới chưa được quan tâm đúng mức.

 - Công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được phát huy. Vấn đề chỉnh sửa sau kiểm tra, thanh tra chưa được kịp thời [3].

Giải pháp nhằm hạn chế rủi ro trong họat động cho vay có tài sản thế chấp tại các NHTM trên địa bàn Tp. Đà Nẵng

1. Hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro cho vay[4]

* Đối với khách hàng cho vay là cá nhân, hộ gia đình

-    Tìm hiểu, phân tích và nhận định thông tin về khách hàng.

-    Làm tốt công tác thẩm định trong khi xem xét cho vay.

-    Thực hiện tốt công tác giám sát, xếp hạng rủi ro và những biện pháp xử lý thu hồi nợ.

Mục tiêu của việc kiểm tra giám sát khoản vay là kiểm tra việc thực hiện các điều khoản mà khách hàng đã cam kết với các ngân hàng trong hợp đồng cho vay bao gồm:

+ Xem xét khách hàng sử dụng đúng mục đích hay không.

+ Kiểm soát được mức độ rủi ro cho vay phát sinh trong quá trình sử dụng vốn của khách hàng theo dõi thực hiện các điều khoản cụ thể đã thoả thuận trong hợp đồng cho vay, kịp thời phát hiện những vi phạm mà có biện pháp sử lý thích hợp.

Phương pháp giám sát khách hàng rất đa dạng thông thường sử dụng các biện pháp sau:

+ Đến thăm và kiểm soát quả trình thực hiện phương án sản xuất kinh doanh của khách  hàng vay vốn.

+ Giám sát hoạt động của khách hàng thông qua mối quan hệ của khách hàng khác.

Xếp hạng rủi ro.Đây cũng là biện pháp giúp cho ngân hàng đánh giá và kiểm soát được mức độ rủi ro cho vay. Mục đích của việc xếp hạng rủi ro cho từng khách hàng từng khoản vay để:

* Cho phép ngân hàng cho vay lập một ý kiến thống nhất về danh mục cho vay đối với từng khách hàng, từng khoản cho vay.

* Phát hiện nhanh những yếu tố bất lợi hay những khoản cho vay chính không đúng hướng mà chính sách cho vay đã đặt ra co từng đối tượng khách hàng, cho từng giai đoạn cụ thể.

* Giúp NHTM có được nhận định nhanh chóng và chính xác đánh giá tổng thể mức độ rủi ro của từng hạng mục cho vay. Việc xếp hạng rủi ro dựa trên cơ sở mức độ tín nhiệm và khả năng trả nợ của khách hàng.

- Biện pháp xử lý kịp thời nợ quá hạn, nợ có vấn đề và thu hồi nợ.

+ Xử lý kịp thời nợ quá hạn: NHTM cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi được những khoản nợ này. Nếu nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan mà xét thấy khách hàng có khả năng phục hồi thì ngân hàng công thương sẽ dung biện pháp hỗ trợ giúp cho khôi phục lại quá trình sản xuất kinh doanh và tiếp tục trả nợ cho ngân hàng, còn nếu do các nguyên nhân chủ quan thì ngân hàng phải dùng biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.

+ Thu hồi nợ đến hạn: Hiện nay ngân hàng thực hiện các biện pháp tự chủ trong kinh doanh nhằm mục đích nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của cán bộ cho vay. Gắn tiền lương, thu nhập với việc đảm bảo an toàn khoản vay để họ làm tốt hơn công việc kiểm tra giám sát khách hàng và thu hồi đúng hạn, tránh rủi ro đến với ngân hàng cho vay.

*    Đối với khách  hàng vay vốn có quy mô lớn   

- Tạo ra môi trường có mực độ rủi ro hợp lý: NHTM Đà Nẵng có trách nhiệm kiểm tra, xem xét cac chiến lược, chính sách quản lý rủi ro của mình. Những chiến lược này phải phản ánh mức dộ chịu rủi ro của ngân hàng cho vay khi xảy ra các tình huống rủi ro khác nhau.

- Xây dựng cấp tín dụng hợp lý: Trước hết ngân hàng cho vay phải chỉ đạo phòng kinh doanh thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng đúng theo tiêu chuẩn quy trình cấp tín dụng đã được xác lập, cũng như phải thiết lập những hạn mức tín dụng tổng thể ở cấp độ từng khách hàng và nhóm khách hàng liên kết cho các loại rủi ro khác nhau. Tiếp đó ngân hàng cho vay phải thiết kế được một quy trình rõ ràng cho việc phê duyệt các khoản cho vay mới này. Cuối cùng mọi quyết định mở rộng đầu tư cho những dự án đều phải nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng.

- Duy trì quá trình đo lường và quản lý rủi ro vấn đề này đòi hỏi NHTM Đà Nẵng có trong tay một hệ thống giám sát tình hình từng khoản cho vay bao gồm cả việc xác lập các khoản dự phòng và ký quỹ có đầy đủ hay không, ngân hàng phải hình thành và đưa vào sử dụng những hệ thống đánh giá rủi ro nội bộ để quản lý rủi ro cho vay thiết lập được hệ thống thông tin và kỹ thuật phân tích cho phép cấp quản lý có thể có thể đo lường rủi ro cho vay trong các giao dịch nội bảng và ngoại bảng.

- Đảm bảo kiểm soát rủi ro cho vay đầy đủ và nâng cao vai trò của công tác kiểm soát: Ngân hàng cho vay phải xây dựng hệ thống đánh giá kịp thời, đồng thời cũng phải đảm bảo rằng chức năng cấp tín dụng cho vay đang được quản lý đúng đắn và rủi ro đang nằm ở cấp độ phù hợp với các tiêu chuẩn.

- Xây dựng hệ thống thu nhập và xử lý thông tin hoàn chỉnh.

- Phân tích thẩm định khách hàng từ nguồn thông thin thu thập được.

+ Phân tích năng lực tài chính của chủ đầu tư (khách hàng vay vốn)

Dựa vào các thông tin tài chính thu thập được từ khách hàng, ngân hàng cho vay sẽ tiến hành tính toán phân tích các tỷ lệ tài chính. Qua các chỉ tiêu này ngân hàng có thể so sánh với các năm trước hoặc các đối tượng khách  hàng khác nhau cùng lĩnh vực kinh doanh. Từ đó đưa ra đánh giá, nhận xét rõ ràng về mức độ an toàn vốn cho vay đối với từng đối tượng khách hàng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng mà ngân hàng phải làm khi cho vay các dự án có quy mô lớn, nhằm phòng ngừa hạn chế rủi ro cho chính bản thân ngân hàng.

Sau khi phân tích khả năng tài chính, ngân hàng phải xem xét đến khả năng quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, uy tín và năng lực sản xuất của khách hàng.

+ Phân tích thẩm định dự án đầu tư: Sau khi tiến hành thẩm định khả năng tài chính, ngân hàng cần phải thẩm định dự án đầu tư. Qua đây ngân hàng cho vay mới có thể đưa ra được quyết định có nên cho vay dự án hay không. Thẩm định dự án đầu tư bao gồm:

* Thẩm định phương diện thị trường: Đối với các dự án đầu tư cho sản xuất thì bước thẩm định này hết sức quan trọng và cần thiết. Thẩm định phương diện thị trường giúp cho ngân hàng thấy được hướng phát triển của sản phẩm, khả năng tiêu thụ sản phẩm cùng loại trong thời gian qua, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

* Thẩm định phương diện kỹ thuật: Phân tích quy mô dự án và công nghệ, trang thiết bị thấy được sự phù hợp của dự án với sự tiêu thụ sản phẩm cũng như sử dụng trang thiết bị là hợp lý. Thẩm định về nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất: địa điểm xây dựng dự án; phương diện tổ chức, quản lý thực hiện và vận hành dự án. Đây là tiền đề cho thẩm định phương diện tài chính của dự án.

* Thẩm định phương diện tài chính của dự án: Ngân hàng cho vay biết chi tiết cụ thể về tính tự chủ của khách hàng vay vốn; hiệu quả sử dụng vốn được tính toán qua các chỉ tiêu sau:

Trong trường hợp hệ số khả năng tự tài trợ bằng 1, dự án sẽ chỉ nên thực hiện khi dự án có các mục tiêu xã hội khác ngoài mục tiêu lợi nhuận như: tạo công ăn việc làm, hỗ trợ các địa phương kinh tế còn đang yếu kém ...

Các chỉ tiêu trên càng lớn thì đầu tư càng an toàn, độ rủi ro nhỏ ngoài các chỉ tiêu trên ngân hàng cho vay cần phân tích các hệ số; thời gian hoàn vốn, NPV, IRR [5] để biết đựơc mức lợi nhuận tối thiểu mà ngân hàng cho vay có thể đầu tư được; Phân tích độ nhạy cảm của dự án để dự đoán bất trắc rủi ro của dự án do sự biến động của các yếu tố, phân tích điểm hoà vốn và năng lực hoà vốn nhằm biết được dự án khả thi hay không...

Như vậy việc phân tích thẩm định khi cho vay các dự án lớn là điều hết sức cần thiết, đây là một trong những giải pháp cơ bản và trọng tâm nhất để ngân hàng cho vay phòng ngừa và hạn chế rủi ro khi mở rộng cho vay tới khách hàng có quy mô lớn.

- Xác định giá trị tài sản đảm bảo: Trong hoạt động cho vay, tài sản đảm bảo là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế rủi ro cho các khoản vay. Các tài sản này phải được định giá trên cơ sở thị trường như: tính lỏng, đầy đủ hồ sơ pháp lý, sự biến động của giá cả... từ đó đưa ra một giá trị đảm bảo phù hợp.

2. Thực hiện đúng quy trình quản lý nợ hiệu quả đối với các khoản vay có mục đích kinh doanh đặc thù như vay để phục vụ kinh doanh chứng khoán; Vay để kinh doanh các dự án bất động sản có giá trị định giá gấp nhiều lần so với giá trị định giá của ngân hàng

3. Chú trọng công tác quản trị nguồn tài nguyên nhân lực

Chính sách khen thưởng kỷ luật

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về vật chất mà NHTM Đà Nẵng cần áp dụng là: Khuyến khích tăng lương, thưởng cho những cán bộ cho vay có dư nợ cho vay và chất lượng vay tốt, hỗ trợ kinh phí học tập, tạo điều kiện cho mỗi cán bộ tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Khen thưởng kịp thời những cán bộ tín dụng có thành tích tốt như: tăng được doanh số cho vay, thu nợ đúng thời hạn và số lượng; tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời khi gia đình cán bộ có công việc lớn, có người đau ốm hay đỗ đạt, hiếu hỷ... Tất cả những việc làm trên là hợp pháp thiết thực để hạn chế rủi ro cho vay. Cán bộ nhiệt tình và có trách nhiệm với các khoản cho vay mỗi món nợ.

Bên cạnh những hình thức khen thưởng, động viên khuyến khích. NHTM Đà Nẵng cũng cần đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với những sai sót, sơ hở do thiếu trách nhiệmcủa cán bộ tín dụng dẫn đến rủi ro cho ngân hàng. Tuỳ theo mức độ thiệt hại mà ngân hàng có biện pháp sử lý khác nhau như: cảnh cáo, khiển trách; trừ công tác phí, trừ lương ...Biện pháp này áp dụng nhằm nâng cao ý thức tự giác, tự chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ cho vay.

Chính sách đào tạo:

NHTM Đà Nẵng cần có giải pháp cụ thể về việc đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng. Do đặc thù về ngành nghề đòi hỏi cán bộ tín dụng không những nắm vững nghiệp vụ ngân hàng, lý luận và phân tích tài chính tiền tệ mà còn phải hiểu biết sâu rộng về thị trường và các loại kinh doanh khác. Vì thế NHTM cần có chính sách đào tạo bằng cách khuyến khích các cán bộ tín dụng đi học để nâng cao kiến thức và nghiệp vụ, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về phòng chống rủi ro, các lớp công nghệ thông tin ứng dụng học khoa học kỹ thuật vào công tác cho vay đảm bảo tính cạnh tranh và tránh rủi ro xảy ra.

Chính sách tuyển dụng:

NHTM Đà Nẵng cần có chính sách tuyển dụng khoa học để có thể tuyển dụng được những nhân viên, cán bộ tài năng, xoá bỏ lề lối tuyển dụng cũ, đưa ra các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ những cán bộ trẻ có trình độ khi vào làm việc tại ngân hàng như: đơn giản hoá các thủ tục và thời gian xin việc, rút ngắn thời gian hợp đồng nếu như làm tốt công việc hoặc có những sáng kiến giúp ngân hàng hạn chế rủi ro...Công việc này cần được tiến hành nhanh để tạo sự hài hoà trong quá trình chuyển giao cán bộ tránh những xáo chộn lớn làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay.

Tóm lại, Rủi ro trong hoạt động tín dụng nói chung và trong hoạt động cho vay nói riêng được biết đến như một đặc thù, là yếu tố tất yếu khách quan trong kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng thương mại nói chung. Rủi ro thường gây ra những tổn thât thiệt hại cho ngân hàng, tuỳ theo cấp độ rủi ro mà hoạt động kinh doanh phải chịu tổn thất lớn hay nhỏ. Chính vậy, phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay là một nhiệm vụ quan trọng trong quản trị, điều hành của các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tp.Đà Nẵng đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hi vọng rằng, nội dung bài viết này với mục đích đóng góp phần nhỏ bé và cũng là lời kêu gọi các ngân hàng thương mại trên địa bàn Tp.Đà Nẵng ra quyết định đúng đắn nhằm ngăn ngừa và hạn chề đến mức tối thiểu các rủi ro có thể xảy ra với các ngân hàng trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Văn Tiến, Đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nhà xuất bản thống kê.

[2] Tạp chí ngân hàngnăm 2010.

 [3] Khảo sát một số NHTM trên địa bàn Tp.Đà Nẵng.

[4] Lưu Thị Hương, Giáo trình tài chính doanh nghiệp, Khoa ngân hàng tài chính , Đại học kinh tế quốc dân.

[5] Nguyễn Văn Tiến, Đánh giá và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, Nhà xuất bản thống kê.

[6] Frederic S.Mishkin, Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính, Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật.