0236.3650403 (128)

Đặc điểm của kinh tế thị trường


1. Quyền sở hữu cá nhân

Trong hệ thống thị trường, các cá nhân và các công ty tư nhân, sở hữu hầu hết các nguồn tài sản (đất đai và vốn) mà không phụ thuộc vào chính phủ. Sự sở hữu này là một trong những đặc trưng đại diện cho chủ nghĩa tư bản.Với quyền sở hữu của mình, các cá nhân hay chủ doanh nghiệp có quyền tự do trao đổi, thương lượng và rồi đi đến ký kết các hợp đồng khi họ nghĩ lợi ích đôi bên đã được tối đa. Họ có quyền định đoạt tài sản của mình, đưa ra các quyết định cho tài sản đó khi họ thấy phù hợp.Chẳng hạn quyền sở hữu bất động sản, cho thấy các chủ sở hữu được pháp luật ghi nhận quyền sở hữu của mình cho đến khi họ chết, họ có quyền chuyển nhượng sở hữu hay duy trì nó.

Quyền sở hữu này khuyến khích đầu tư, đổi mới, bảo trì tài sản và thúc đẩy tăng trưởng.Không một ai xây dựng nhà xưởng, mở rộng nông trại hay đầu tư chứng khoán, nếu tất cả những việc làm đó không mang lại lợi ích cho riêng mình, mở rộng thêm quyền sở hữu tài sản riêng cho mình.

Quyền sở hữu cũng mở rộng đến vấn đề sở hữu trí tuệ thông qua bằng sáng chế, bản quyền, hay nhãn hiệu. Bảo vệ lâu dài như vậy khuyến khích mọi người viết sách, làm âm nhạc,và các chương trình máy tính và phát minh ra sản phẩm mới, tạo ra quy trình sản xuất hiệu quả hơn mà không sợ rằng những người khác sẽ ăn cắp chúng và nhận được các phần thưởng mà họ có thể nhận được từ những việc làm đó.

Hơn nữa, quyền sở hữu thúc đẩy trao đổi trong xã hội.Những người sở hữu các tài sản khác nhau có quyền mang tài sản ra và tiến hành trao đổi một cách hợp pháp.Chủ trang trại chăn nuôi gia cầm có quyền trao đổi tài sản với chủ xưởng sản xuất ôtô nếu hai bên thống nhất được quyền lợi.Ngoài ra, quyền sở khuyến khích các chủ sở hữu để duy trì hoặc cải thiện tài sản của họ để duy trì hoặc tăng giá trị của nó.Cuối cùng, quyền sở hữu cho phép những người chủ sở hữu tiến hành sản xuất ra nhiều hơn những hàng hóa và dịch vụ dựa trên tài sản họ đang sử dụng, chứ không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ và duy trì tài sản hiện tại.

2. Tự do thành lập doanh nghiệp và lựa chọn

Trong hệ thống kinh tế thị trường, những người sở hữu tài sản có quyền tự do kinh doanh và đưa ra sự lựa chọn phù hợp.

-       Tự do kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp nghĩa là họ có quyền lựa chọn những ngành nghề kinh doanh, sản xuất và tạo ra giá trị hàng hóa và dịch vụ riêng mà họ cảm thấy phù hợp và có khả năng tạo ra lợi ích ở các thị trường khác nhau.

-        Tự do lựa chọn cho phép chủ sở hữu có quyền sử dụng hoặc định đoạt tài sản và tiền bạc của họ khi họ nhìn thấy lợi ích.Nó cũng cho phép người lao động có quyền nhận bất kỳ việc làm nào mang lại thu nhập cho họ với khả năng hiện tại. Cuối cùng, nó đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tự do mua hàng hoá và dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ với nguồn ngân sách hiện tại.

Tất nhiên, dù là lựa chọn nào thì cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định.Nếu đó là sự lựa chọn bất hợp pháp thì sẽ bị pháp luật trừng trị đúng quy định pháp lý.Chẵng hạn như mua bán trao đổi hàng cấm, ma túy, mua bán trẻ em, mại dâm… đều bị pháp luật trừng trị nghiêm ngặt.

3. Lợi ích cá nhân

Lợi ích cá nhân đó là nhân tố thúc đẩy cho các chủ sở hữu đưa ra các quyết định lựa chọn kinh doanh của mình.Mỗi chủ sở hữu sẽ cố gắng hết sức sao cho đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.Họ cố gắng tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu chi phí và tổn thất. Chủ doanh nghiệp thì cố gắng bán được nhiều hàng hóa với giá cáo, công nhân thì cố gắng đạt được lợi ích biên của mình bằng cách tìm đúng việc, có mức thỏa thuận lợi tối đa, cùng với các khoản phúc lợi và thưởng khác. Người tiêu dùng thì cố gắng tìm kiếm duy trì để mua được hàng với mức giá thấp hơn, đảm bảo tối thiểu hóa chi tiêu của mình.Lợi ích cá nhân giúp định hướng và tạo tính nhất quán ở những vấn đề khác nhau trong một nền kinh tế hỗn độn.

4. Sự cạnh tranh

Một trong những đặc điểm quan trọng của kinh tế thị trường đó chính là sự cạnh tranh giữa các đơn vị trong thị trường đó. Nền tảng của sự cạnh tranh là sự tự do trong lựa chọn để làm sao đó thu hồi dòng vốn của mình. Sự cạnh tranh yêu cầu:

- Hai hay nhiều người mua và hai hoặc nhiều người bán hàng, hoạt động độc lập đối với một sản phẩm hay một tài nguyên thị trường cụ thể. (Thông thường có nhiều hơn hai người mua hay người bán.)

- Người bán hoặc người mua có quyền tự do lựa chọn việc vào hoặc ra khỏi thị trường cạnh tranh để bảo toàn lợi ích của mình.

Sự cạnh tranh của người bán và người mua khuếch tán quyền lực của mình trong thị trường.Khi có nhiều người mua và nhiều người bán, sẽ phát sinh những trao đổi trong thị trường và từ đó xác lập các mức giá cạnh tranh nhất có thể có.

Sự cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc chủ doah nghiệp có quyền tự do vào hoặc ra một ngành bất kỳ, không có rào cản nào ngăn chặn việc mở rộng một ngành công nghiệp. Việc chuyển đổi tự do trong các ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, đôi khi có thể thay đổi được thị hiếu, công nghệ và nguồn lực hiện tại trong thị trường.

Sự khuếch tán quyền lực kinh tế gắn liền với các giới hạn cạnh tranh để hạn chế quyền lực của nó. Một nhà sản xuất khi kinh doanh mà chi phí cao hơn doanh thu thì hiển nhiên sẽ bị thua lỗ so với nhà sản xuất khác. Khi thua lỗ, họ sẽ tìm cách cắt giảm chi phí, mà một trong những bước gần nhất đó là chi phí cho người lao động. Khi cắt giảm lương, người lao động nhận mức thấp hơn so với mức thị trường đáng có và rồi doanh nghiệp đó sẽ mất đi nhân công. Hay một doanh nghiệp không sử dụng công nghệ thành công thì cũng không đạt được hiệu quả trong sản xuất.Cạnh tranh là nền tảng cơ bản điều tiết kinh tế thị trường.

5. Thị trường và giá cả

Hệ thống kinh tế thị trường được hình thành dựa trên sự tự do hoạt động kinh doanh của các tổ chức, và cùng với lợi ích cá nhân của họ. Vậy tại sao nó lại không bị sụp đổ khi xảy ra những mâu thuẫn trong lợi ích cá nhân? Chẵng hạn, người tiêu dùng thích được mang quần áo làm từ vải gấm, tuy nhiên, nhà sản xuất lại sản xuất ra lụa, các nhà cung cấp lại tìm kiếm nguyên liệu để tập trung cung cấp các nguồn vải sợi thô khác. Rõ ràng có một sự bế tắc dễ dàng nhận thấy giữa các mối quan hệ trong nền kinh tế. Trong thực tế, hàng triệu các quyết định của các hộ gia đình và các doanh nghiệp được đánh giá cao khi phối hợp với nhau trên các thị trường và tại các mức giá cả, đó là những thành phần quan trọng của hệ thống thị trường.Họ cung cấp cho hệ thống khả năng của mình để phối hợp hàng triệu quyết định kinh tế hàng ngày.

Thị trường là một tổ chức hay là một cơ chế mà tại đó mang người mua và người bán tiếp xúc với nhau. Hệ thống thị trường truyền tải các quyết định của người mua và người bán về các sản phẩm và nguồn lực hiện có.Các quyết định được thực hiện dựa trên mỗi bên, từ đó xác lập một mức giá cho nhóm hàng hóa và dịch vụ cùng với giá cả nguồn tài nguyên hiện có trên thị trường. Đó là điều mà các chủ sở hữu, các hãng sản xuất và người tiêu dùng tạo nên và theo đuổi vì mục đích lợi ích của họ.

Nếu như cạnh tranh là được xem như cơ chế quản lý của kinh tế thị trường, thì hệ thống kinh tế thị trường tự nó hình thành nên cơ chế tổ chức và phối hợp. Nó là nơi tập hợp tất cả các quyết định của người mua và người bán, qua đó xác lập các mức giá cân bằng cần có để đảm bảo lợi ích đôi bên tương ứng với nguồn lực hiện có, đưa nó đến với vị trí cân bằng. Những người tham gia vào thị trường nếu như tuân theo quy luật của nó thì sẽ đạt được những lợi ích đáng có. Ngược lại, khi ai đó không làm đúng với những diễn biến hiện tại trên thị trường, đi ngược lại những gì đang xảy ra thì sẽ gặp phải những điều không đáng có. Hay nói cách khác, thông qua hệ thống kinh tế thị trường, ta sẽ xác định được nên kinh tế nên sản xuất cái gì, sản xuất nó như thế nào cho hiệu quả, và sản xuất nó cho ai, phân chia như thế nào.

6. Công nghệ và tư liệu sản xuất

Trong hệ thống kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, lợi ích cá nhân, tự do lựa chọn, và đưa ra quyết định là tiền đề cho sự tiến bộ về khoa học, công nghệ. Những nhà sáng tạo nên công nghệ mới được nhận những phần thưởng xứng đáng với những gì họ đã tạo ra. Bên cạnh đó, tư liệu sản xuất cũng ngày càng được nâng cao và phát triển hơn dựa trên sự tiến bộ công nghệ đó như các công cụ, dụng cụ mới, máy móc thiết bị, hệ thống nhà xưởng, giao thông vận tải, truyền thông…

Sự tiến bộ công nghệ và tư liệu sản xuất là điều rất quan trọng đối với kinh tế thị trường, bởi thông qua đó hiệu quả sản xuất được nâng cao.Cách duy nhất để nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất đó là dùng các tư liệu sản xuất một cách hợp lý.Việc sản xuất hiệu quả hơn nghĩa là sẽ có nhiều hàng hóa và dịch vụ được tạo ra hơn và ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

7. Chuyên môn hóa

Chuyên môn hóa là một việc phi thường được xuất hiện từ kinh tế thị trường. Chuyên môn hóa là việc sử dụng các nguồn lực của một cá nhân, công ty, khu vực, hay quốc gia để sản xuất một hoặc một vài hàng hóa hoặc dịch vụ chứ không phải là toàn bộ các hàng hoá và dịch vụ. Những hàng hóa, dịch vụ được trao đổi sau đó cho một loạt các sản phẩm mong muốn.Những người sản xuất ra hàng hóa này lại tiêu dùng những hàng hóa mà người khác sản xuất ra và ngược lại.Việt Nam sản xuất ra quần áo, những bộ âu phục, tuy nhiên lại xuất khẩu nó ra bên ngoài, và bán chúng cho các nước Châu Âu. Trong khi đó, người Việt Nam lại nhập cac mặt hàng may mặc từ Trung Quốc hay Thái Lan về tiêu dùng trong nước.

·      Phân chia lao động: Chuyên môn hóa nhân lực là một cách nói khác của phân chia lao động – việc mà sẽ giúp đóng góp thêm vào sản lượng nền kinh tế bằng nhiều cách:

+ Chuyên môn hóa tận dụng được các năng lực khác nhau của người lao động. Phân chia nhiệm vụ đúng với năng lực của mỗi thành viên, làm tăng hiệu quả cho quá trình sản xuất.

+ Chuyên môn hóa khuyến khích “vừa học vừa làm”. Ngay cả khi khả năng của hai người giống hệt nhau, chuyên môn hóa vẫn có thể được thuận lợi.Bằng cách dành thời gian để một nhiệm vụ duy nhất, một người có nhiều khả năng để phát triển kỹ năng cần thiết và nâng cao kỹ thuật hơn bởi làm việc tại một số nhiệm vụ khác nhau.

+ Chuyên môn hóa giúp tiết kiệm thời gian. Bằng cách dành thời gian để một nhiệm vụ duy nhất, một người tránh mất thời gian phát sinh trong việc chuyển đổi từ một công việc khác.

Với những lý do trên, chuyên môn hóa góp phần làm gia tăng sản lượng đầu ra với nguồn lực bị giới hạn.

·      Phân chia lãnh thổ: Chuyên môn hóa cũng được hình thành từ việc phân chia lãnh thổ, khu vực hay phạm vi hoạt động. Chẵng hạn, cà phê thường được trồng ở vùng Tây Nguyên, ta cũng có thể trồng ở những đất đỏ khác, tuy nhiên, sẽ tốn thêm chi phí chăm sóc vì độ ẩm, không khí, lượng mưa không phù hợp.

Tóm lại, cả con người và lãnh thổ địa lý đều cần được chuyên môn hóa để đạt được hiệu quả tối ưu trong quá trình sản xuất.

8. Sử dụng tiền

Một điều dễ nhận thấy ở hệ thống kinh tế thị trường, đó là việc sử dụng rộng rãi tiền tệ.Tiền có nhiều chức năng, tuy nhiên, trước hết ta tiếp cận nó dưới góc độ là phương tiện thanh toán (trao đổi).Nó tạo sự dễ dàng trong trao đổi thương mại.

Chuyên môn hóa yêu cầu trao đổi.Trao đổi có thể, và đôi khi, xảy ra thông qua trao đổi hàng hóa và dịch vụ.Nhưng trao đổi hàng hóa đặt ra những vấn đề nghiêm trọng bởi vì nó đòi hỏi một sự trùng hợp của những mong muốn giữa người mua và người bán.

9. Hoạt động chủ động tuy nhiên dưới sự quản lý của Chính phủ

Mọi hoạt động trong hệ thống kinh tế thị trường là chủ động, nhưng cũng bị giới hạn, và chính phủ là đặc trưng cuối cùng của hệ thống thị trường trong nền kinh tế công nghiệp tiên tiến hiện đại này.Mặc dù một hệ thống thị trường thúc đẩy một mức độ cao về hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực của mình.Tuy nhiên, cũng có lúc thị trường thất bại, tụt dốc.Và khi đó, chính phủ sẽ là người hỗ trợ cuối cùng trong thị trường. Chúng ta sẽ khám phá vai trò của chính phủ ở những phần tiếp theo, để có thể thấy họ làm tăng hiệu quả tổng thể của hệ thống kinh tế bằng nhiều cách.

ThS. Võ Thị Thanh Thương