0236.3650403 (128)

DỰ TIỆC CHIÊU ĐÃI


Tiệc chiêu đãi được chia thành 3 loại chính là tiệc đứng, tiệc rượu và tiệc ngồi.

1.      Tiệc đứng

Đây là những buổi tiệc chiêu đãi lớn, có thể (hoặc không) được thông báo sẽ được ăn gì. Bạn không nên đến sớm quá hoặc muộn quá. Bạn có thể về sớm cũng được,  không nên sớm quá và nhớ là trước khi về phải đến chào chủ nhà. Nếu có tặng hoa bạn nên tham khảo phong tục tập quá củađịa phương hoặc quốc gia nơi mình đến dự tiệc. Nếu có tặng phẩm nên chuẩn bị những thứ gọn nhẹ, hợp với sở thích chung của khách, tránh tặng dao, kéo và các đồ nhọn. Lưu ý khi tặng tiền, không được nhiều quá, nếu không đây có thể xem như hành vi hối lộ.

2.      Tiệc rượu

Lưu ý rằng tiệc rượu không phải là nơi nhậu nhẹt đơn thuần mà đó là nơi bàn bạc trao đổi công việc. Nhiều hợp đồng được ký ngay tại các bữa tiệc này. Do đó, nhất thiết trong bữa tiệc, bạn không được uống say. Nên có các biện pháp đề phòng, chẳng hạn như uống thuốc chống say hoặc kín đáo dùng “tiểu xảo” để nhả rượu ra. Nếu bạn bị say sẽ để lại ấn tượng không tốt với đối tác, chưa nói đến chuyện có những quyết định sai lầm khi không tỉnh táo. Hậu quả của nó sẽ thật khôn lường.

3.      Tiệc ngồi

Đây là tiệc mời chiêu đãi trọng thể, đối tượng mời có định sẵn, số người được mời hạn hẹp và có bố trí chỗ ngồi. Khách và chủ có thể ngồi xen kẽ theo thứ tự cấp bậc, các cấp ngang nhau thì ngồi đối diện, nam có thể ngồi xen với nữ. Nếu bữa tiệc được mời để bàn công việc nên để khách và chủ ngồi đối diện nhau cương vị và chức vụ trong đoàn. Các nhân vật có chức vụ cao thường ngồi ở giữa. Chỗ ngồi nên đề sẵn tên từng người được mời, chỗ của ai người ấy ngồi, tuyệt đổi không được chuyển chỗ.

Có thể điều này ai cũng biết, nhưng nên nhắc lại rằng, tay trái cầm dĩa, tay phải cầm dao, ăn đến đâu cắt đến đó. Đặc biệt chú ý không được cắn, liếm thìa, dĩa, dao trong khi ăn. Không nói chuyện trong khi đang nhai, khi đang ăn mà có ai hỏi chuyện thì nên im lặng, sau đó mới trả lời.

Điều tế nhị là bạn nên ăn uống từ từ, thường tiệc có thực đơn đi kèm, do đó theo dõi mà ăn, không nên ăn hết một món ngay. Tốt nhất, nhìn người ta ăn thế nào mà học tập, đặc biệt là với món mình chưa ăn bao giờ.

Khi ăn cơm Việt Nam nên chú ý chuẩn bị sẵn thìa, đũa, nên có cả đũa ăn và đũa dùng để tiếp thức ăn cho người khác, tránh dùng đũa đang ăn để tiếp thức ăn cho người khác. Cần chú ý các món ăn có hợp khẩu vị hay phong tục của khách mời không (ví dụ ếch, cá trê, thịt chó…). Nếu cần có thể thay thế bằng món khác.

Sái Thị Lệ Thủy