0236.3650403 (128)

Giải pháp khắc phục hạn chế vay nợ chính phủ


Đối với vay nợ trong nước:

Thị trường trái phiếu của Việt Nam cần phát triển theo hướng thị trường hóa với sự đa dạng hóa các chủ thể tham gia và hàng hóa giao dịch để tạo nền tảng cho phát triển lâu dài của thị trường vốn nói chung và thị trường cổ phiếu nói riêng.

* Giải pháp ngắn hạn:

- Thứ nhất:  Cần cụ thể hoá các tiêu chuẩn phê duyệt trái phiếu.

Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cần phải cụ thể hoá các tiêu chuẩn phê duyệt phát hành trái phiếu công ty, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu của các tổ chức tín dụng.

- Thứ hai:Thành lập sàn giao dịch trái phiếu.

Trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh nên tham khảo ý kiến của các nhà làm luật và các tổ chức tham gia thị trường chứng khoán để thành lập một sàn giao dịch trái phiếu giữa các nhà môi giới. Sàn giao dịch trái phiếu này phải tạo được môi trường giao dịch có hiệu quả cho các nhà tạo lập thị trường, vì trái phiếu không thể áp dụng một phương thức giao dịch giống như giao dịch cổ phiếu. Đồng thời, phải hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp phát hành. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển nhượng cũng phải đơn giản, nhanh chóng.

Đối với trung tâm lưu ký chứng khoán, cần nâng cao năng lực của các trung tâm này hoặc góp phần phát triển một trung tâm lưu ký chung trong khu vực, tạo điều kiện giao dịch thuận tiện và dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư.

- Thứ ba: Chính sách đa dạng hóa các chủ thể phát hành trái phiếu.

Mở rộng quy mô và đa dạng hoá các loại trái phiếu, các phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường vốn; phát triển các loại trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp, trái phiếu công trình để đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm của quốc gia.

- Thứ tư: Đa dạng hóa phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Cần có kế hoạch phát hành trái phiếu đô thị đi kèm theo với nhiều tiện ích khác nhau nhằm giúp cho các nhà đầu tư luôn có được hàng hóa đa dạng phù hợp với chiến lược đầu tư của mình, qua đó tạo điều kiện cho chính quyền địa phương nâng cao khả năng huy động vốn. Có thể nghiên cứu phát hành trái phiếu đô thị, Trái phiếu thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau, hợp lý nhất.

- Thứ năm: Thu hút và phát triển các “nhà kiến tạo thị trường”:

Các nhà kiến tạo thị trường thường là các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán với các hoạt động cơ bản như: đầu tư, môi giới, đại lý, bảo lãnh phát hành trái phiếu. Họ là những nhà phân phối trái phiếu thường xuyên, có tính chuyên nghiệp cao nên có thể đưa trái phiếu vào giao dịch trên thị trường theo những phương thức khác nhau.

Để thu hút các nhà kiến tạo thị trường, cần dần nới lỏng sự can thiệp và điều hành của cơ quan quản lý tức Bộ Tài chính về lãi suất trái phiếu như lâu nay. Nên bãi bỏ lãi suất trần trái phiếu, hay nói cách khác lãi suất trái phiếu không nhất thiết phải ổn định theo thời gian mà thay đổi theo thị trường. Bộ Tài chính cần đa dạng các kỳ hạn với việc phát hành trái phiếu dài hạn hơn để tạo đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường vốn, kèm theo đó là xây dựng kế hoạch phát hành theo lịch biểu chặt chẽ để cung cấp điều đặn khối lượng trái phiếu cho thị trường; đồng thời, sử dụng kỹ thuật phái sinh để phòng chống rủi ro đối với các trái phiếu dài hạn và điều chỉnh đường cong lãi suất chuẩn bằng việc đưa vào áp dụng hợp đồng mua bán lại.

- Thứ sáu: Tạo tính thanh khoản cho trái phiếu.

Tách thị trường trái phiếu ra khỏi thị trường cổ phiếu để hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt. Cần đa dạng hoá phát hành trái phiếu: Trái phiếu có lãi suất thay đổi theo lãi suất thị trường, trái phiếu có kỳ hạn thay đổi, trái phiếu với các loại tiền tệ khác nhau như USD, EUR, …

Giải pháp này nhằm mục đích tạo tính thanh khoản cho trái phiếu. Cùng với giải pháp này, liên kết thị trường tiền tệ và vốn nhằm tăng tính thanh khoản cho trái phiếu cũng được xem giải pháp cải cách tài chính của Việt Nam.

- Thứ bảy: Khuyến khích hình thành tổ chức định mức tín nhiệm trong và ngoài nước.

Công ty định mức tín nhiệm (CRA) giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế. CRA sẽ đánh giá các ngành kinh tế, phân tích tiền tệ, phân tích đánh giá các phương trình đầu tư của Chính phủ, chẳng hạn như chương trình phát triển mía đường, chương trình xây dựng các nhà máy xi măng,…giúp minh bạch hoá thông tin của doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu. Từ đây, nhà đầu tư có thể biết được mức độ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu địa phương và trái phiếu chính phủ. Từ đó, họ có cơ sở để ra quyết định có đầu tư hay không, và đầu tư thì với lãi suất mong đợi của họ là bao nhiêu? Điều này cũng giúp cho những doanh nghiệp, địa phương và Chính phủ có mức độ tín nhiệm cao sẽ được huy động vốn với chi phí thấp, chứ không cào bằng lãi suất trái phiếu như trước đây.

Ngoài CRA trong nước, thì cần cho phép một số tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín của nước ngoài thực hiện hoạt động định mức tín nhiệm ở Việt Nam. Như vậy, với CRA trong nước và nước ngoài sẽ gọi vốn đầu tư vào Việt Nam: Một trong những lý do khiến các nhà đầu tư chưa dám đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam như chúng ta mong đợi, cũng là vì thiếu một công ty định mức tín nhiệm trên thị trường vốn Việt Nam. Dựa trên các kết quả CRA mang lại, các nhà đầu tư mới có công cụ để thẩm định, lựa chọn danh mục đầu tư, dự báo tình hình phát triển doanh nghiệp và đưa ra quyết định đầu tư. Thông qua bảng xếp hạng tín dụng, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về sức mạnh tài chính của các công ty, dễ dàng đánh giá các tổ chức tài chính có quan hệ kinh doanh hoặc quan tâm tới việc mua trái phiếu của các công ty này.

- Thứ tám: Các doanh nghiệp cần nâng cao, đổi mới tư duy quản lý doanh nghiệp và sử dụng vốn có hiệu quả.

Cần tạo được niềm tin cho nhà đầu tư; bảo đảm an toàn tài chính; yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tuân thủ theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và Quốc tế; đầu tư đổi mới công nghệ, các số liệu phải được hạch toán kịp thời, chính xác với thực trạng.

Xây dựng và thẩm định dự án thật kỹ trước khi quyết định đầu tư; phải nhân diện được rủi ro trong hoạt động kinh doanh và có biện pháp hạn chế rủi ro; đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận phải cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. 

- Thứ chín: Đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Để đảm bảo cho việc huy động vốn ở thị trường quốc tế với chi phí rẻ, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thông lệ Quốc tế và minh bạch hoá thông tin; khi đó mới được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao.

- Thứ mười:Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước.

Hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ đáp ứng được yêu cầu quản lý, giám sát và hội nhập với thị trường trái phiếu của khu vực và quốc tế.

Bổ sung các chế tài xử lý nghiêm minh về dân sự, hình sự để phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động trên thị trường trái phiếu.

Áp dụng các tiêu chuẩn giám sát thị trường theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên tham gia thị trường; kiểm tra, giám sát hàng hoá đưa ra thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch; tăng cường năng lực giám sát, cưỡng chế thực thi của cơ quan giám sát thị trường.

*  Giải pháp dài hạn:

- Thứ nhất: Phát triển thị trường trái phiếu theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh về cấu trúc, vận hành theo các thông lệ quốc tế tốt nhất, có khả năng liên kết với các thị trường khu vực và quốc tế.

- Thứ hai: Phát triển mạnh các kênh cung cấp vốn cả trong và ngoài nước cho thị trường; mở rộng hệ thống các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp, … đảm bảo có đầy đủ các yếu tố cấu thành một thị trường trái phiếu phát triển trong khu vực.

- Thứ ba:Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; hài hoà giữa mục tiêu huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững thị trường trái phiếu với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

- Thứ tư: Tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên thị trường.

 

Đối với vay nợ nước ngoài: chủ yếu là vốn ODA.

- Nguồn vốn ODA là không chắc chắn. Vì vậy, quốc gia tiếp nhận vốn ODA không nên quá kì vọng vào nguồn vốn này.

- Vốn ODA phải được nhìn nhận là một bộ phận của Ngân sách Nhà nước. Các cấp quyết định, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các DA ODA phải chịu trách nhiệm trước toàn dân - không chỉ với thế hệ hôm nay mà cả mai sau - về hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.

- Hiệu quả quản lý vốn ODA phải được đảm bảo từ 2 phía: nhà tài trợ và quốc gia tiếp nhận tài trợ.

- Mọi thông tin của quá trình quản lý vốn ODA phải rõ ràng và minh bạch, cần được cập nhật và công bố công khai một cách thường xuyên.

Từ thực trạng và trên cơ sở quan điểm đã nêu, để nâng cao hiệu quả quản lý vốn ODA cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các DA ODA phải thống nhất nhận thức: nguồn vốn ODA là một bộ phận NSNN, là một phần nguồn lực tài chính quốc gia và tạo gánh nặng nợ nần cho người dân, không chỉ thế hệ hôm nay mà cả mai sau. Quản lý lãng phí và không hiệu quả nguồn vốn này là có tội đối với dân tộc.

Thứ hai, Chính phủ cũng như từng chính quyền địa phương phải hoạch định chiến lược vận động và sử dụng vốn ODA phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Do phụ thuộc khá nhiều vào các yếu tố bất định nên khó có thể dự kiến chuẩn xác (trong dài hạn) vốn ODA vận động được. Vì vậy, các chương trình, dự án dự định sẽ đầu tư bằng vốn ODA phải được sắp xếp thứ tự ưu tiên theo một số phương án với các khả năng khác nhau. Các chương trình dự án có mức ưu tiên cao cần bố trí nguồn vốn thay thế nếu không vận động được vốn ODA. Mặt khác, kinh nghiệm của Malaysia trong vấn đề này cũng rất đáng tham khảo: họ lựa chọn rất kĩ các DA sử dụng vốn ODA và nguồn vốn vay ODA, chỉ tập trung vào các DA qui mô lớn và tận dụng tối đa sự hỗ trợ của nhà tài trợ.

Thứ ba, Chính phủ cần xây dựng hệ thống tiêu chí hợp lý, phân cấp quản lý vốn ODA. Để xây dựng được hệ thống tiêu chí này cần đánh giá lại một cách toàn diện và thống kê đầy đủ các DA ODA đã và đang được triển khai thực hiện nhằm xác định mối quan hệ giữa mức độ hiệu quả đạt được của DA với các tiêu chí: qui mô, trách nhiệm trả nợ, năng lực quản lý vốn ODA của địa phương, lĩnh vực đầu tư của DA, nhà tài trợ v.v…

Thứ tu, các bộ ngành trong Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác quản lý va hoach đinh vốn ODA theo hướng chuyên môn hóa.

Người viết: ThS. Hoàng Thị Xinh