0236.3650403 (128)

Hạn chế vay nợ Chính Phủ


Đối với vay nợ trong nước:

- Thứ nhất: Quy mô nhỏ, thanh khoản thấp.

 Thị trường trái phiếu Việt Nam có quy mô quá nhỏ. Chủ yếu trái phiếu Chính phủ đang ''thống lĩnh'' thị trường, trong khi trái phiếu của các DN phát hành rất hạn chế. Tính thanh khoản của các loại trái phiếu còn thấp.

- Thứ hai: Hệ thống các nhà đầu tư chưa phát triển.

+ Hệ thống các nhà đầu tư chưa phát triển, nhất là các nhà đầu tư tổ chức. Các thể chế trên thị trường chưa hoàn chỉnh. Nhiều định chế tài chính trung gian như các quỹ đầu tư tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty định mức tín nhiệm... chưa được thành lập.

+ Thị trường trái phiếu vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và có rất nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ít quan tâm đến loại chứng khoán này. Lý do là giao dịch trái phiếu đòi hỏi một lượng vốn lớn, chỉ thích hợp với các nhà đầu tư có tổ chức, trong khi thị trường trái phiếu hiện nay có rất ít các nhà đầu tư có tổ chức.

- Thứ ba: Tính đồng bộ của thị trường này còn thấp.:

+ Khả năng tập trung và phân bổ nguồn lực tài chính qua thị trường chưa thực sự hiệu quả, còn có sự chưa ăn khớp giữa cơ cấu và kỳ hạn huy động vốn với sử dụng vốn. Sự phối hợp giữa các kênh huy động vốn còn chưa đồng bộ; vai trò của trái phiếu Chính phủ trong việc định hướng lãi suất thị trường còn hạn chế. Tỷ lệ huy động vốn dài hạn qua kênh tín dụng ngân hàng hiện nay thấp. Trong khi đó, việc sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn cho đầu tư dài hạn, làm giảm hiệu quả sử dụng và tăng nguy cơ rủi ro tài chính; việc phối hợp điều hành lãi suất giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn chưa thật ăn khớp, tiến trình cải cách hệ thống tổ chức tín dụng còn chậm; việc kiểm soát các dòng vốn trong nền kinh tế chưa thực sự có hiệu quả, vẫn còn tình trạng vốn dài hạn chuyển sang đầu tư ngắn hạn và ngược lại.

- Thứ tư: Hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh.

+ Khung pháp luật mới được hình thành bước đầu; một số lĩnh vực vẫn chưa có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh, nhất là lĩnh vực chứng khoán. Các nguyên tắc quản lý và chuẩn mực quốc tế về tính minh bạch, kế toán, kiểm  toán... tuy đã được áp dụng nhưng còn ở phạm vi hẹp.

+ Thể chế pháp luật còn thiếu các qui định cần thiết nên hạn chế sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro như hoán đổi lãi suất, mua bán kỳ hạn hay tái mua lại nhằm giúp nhà đầu tư có thể bảo vệ rủi ro cho mình.

- Thứ năm: Tính cạnh tranh thấp.

+ Trái phiếu Chính phủ chưa cạnh tranh được với sự thuận tiện của hình thức gửi tiết kiệm, đầu tư kỳ phiếu ở các ngân hàng thương mại cùng với tính thanh khoản kém hơn nên chưa thu hút được tiền nhàn rỗi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.

+ Cơ chế xác định lãi suất đấu thầu trên thị trường sơ cấp hiện không mang tính thị trường vì áp dụng lãi suất chỉ đạo nên chưa thu hút được nhu cầu đầu tư của các cá nhân, tổ chức. Quy định lãi suất đặt thầu phải cao hơn lãi suất chỉ đạo sẽ khiến cho lãi suất trúng thầu mang tính khiên cưỡng chủ quan hơn là mang tính khách quan thị trường. Điều này cũng có thể dẫn tới tình trạng khối lượng trúng thầu sẽ bị hạn chế đi rất nhiều so với khối lượng dự định phát hành và sẽ chỉ bó hẹp trong phạm vi một số nhỏ các nhà đầu tư. Khối lượng trúng thầu thấp cộng với một số nhỏ các nhà đầu tư nắm giữ sẽ làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

- Thứ sáu:  Từ phía các công ty, chưa quen với kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.

+ Thị trường trái phiếu công ty kém phát triển do các công ty chưa quen với việc huy động vốn vay trực tiếp qua phát hành trái phiếu mà vẫn dựa vào nguồn vốn vay của ngân hàng, đặc biệt là các Tổng công ty lớn, các DN Nhà nước do có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, vay ưu đãi. Các đơn vị này cũng thiếu tổ chức định mức tín nhiệm giúp cho việc xác định tín nhiệm và làm tăng tính minh bạch cho các trái phiếu phát hành; chưa xây dựng được đường cong lợi suất phi rủi ro cho trái phiếu Chính phủ phát hành làm tiêu chuẩn cho việc định lãi suất phát hành các công cụ nợ khác như trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị...

- Thứ bảy: Thông tin thị trường.

+ Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nguyên nhân quan trọng khiến thị trường trái phiếu của Việt Nam kém hấp dẫn chính là việc thiếu một hệ thống cung cấp thông tin đầy đủ. Thể hiện rõ nhất là cho đến nay vẫn chưa có những công ty định mức tín nhiệm.

+ Hiện nay, trên thị trường đang có 3 loại trái phiếu và được phát hành bởi Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, quy mô phát triển của thị trường này còn nhỏ bé (chỉ chiếm 7% GDP). Bên cạnh những vướng mắc xuất phát từ hệ thống văn bản chính sách khiến tính thanh khoản của trái phiếu không được cao, lượng doanh nghiệp có uy tín tham gia phát hành... thì việc thiếu thông tin cũng khiến cho các nhà đầu tư "dè dặt" hơn trong việc đầu tư vào loại hình này.

- Thứ tám: Phí giao dịch cao.

Theo quy định, việc giao dịch trái phiếu Chính phủ  phải thông qua các CTCK- là tổ chức trung gian thu phí cả người mua lẫn người bán. Để một giao dịch trái phiếu Chính phủ 100 tỉ đồng được hoàn tất  thì nhà đầu tư  phải mất đến cả 100 triệu đồng tiền phí, mà thông thường những giao dịch mua bán trái phiếu Chính phủ là những giao dịch lớn, ít nhất có giá trị từ 100-300 tỉ đồng. Chính điều này làm cho thị trường trái phiếu Chính phủ của VN không thu hút được nhiều nhà đầu tư giao dịch, nhất là các NH nước ngoài.

Đối với vay nợ nước ngoài:

-Các khoản nợ nước ngoài nói chung và nguồn vay nợ ODA nói riêng hiện tạiđảm bảo trong giới hạn an toàn cho phép; có lãi suất, thời hạn và đồng tiền vay hợp lí.

-Nguồn vay nợ nước ngoài trong đó có ODA là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho ngân sách nhà nước, đảm bảo cho đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo, tăng cường và củng cố thể chế pháp lý, pháttriển quan hệ đối tác chặt chẽ với nước ngoài.Nhưng thực tiễn quản lý ODA của Việt Nam còn nhiều điều bất ổn:

+Tình hình thực hiện các dự án thường bị chậm ở nhiều khâu: chậm thủ tục, chậm triển khai, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Do vậy, thời gian hoàn thành dự án kéo dài làm phát sinh các khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư thực tế thường tăng hơn so với dự kiến và cam kết; đồng thời cũng làm giảm tính hiệu quả của DA khi đi vào vận hành khai thác.

+ Một số giới lãnh đạo của Chính phủ, của chính quyền địa phương và chủ đầu tư có quan điểm nhìn nhận chưa đúng về nguồn vốn tài trợ ODA. Đúng là trong nguồn vốn ODA có một phần là viện trợ không hoàn lại, song phần này chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại là vốn vay. Do thời hạn vay dài, thời hạn ân hạn dài, lãi suất thấp, áp lực trả nợ chỉ phát sinh sau thời gian dài sau này nên dễ tạo nên sự chủ quan trong quyết định, lựa chọn nguồn tài trợ ODA. Ngoài ra, cơ quan đàm phán trực tiếp với nhà tài trợ thường là các bộ, ngành trong Chính phủ nên chủ đầu tư chưa thấy hết tác động của những điều kiện khó khăn trong vay nợ mà nhà tài trợ ràng buộc.

+ Chưa có chiến lược vận động và sử dụng ODA một cách rõ ràng và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm hoạch định chiến lược nợ dài hạn, soạn thảo danh mục các chương trình, DA được đầu tư từ nguồn vốn vay nước ngoài hàng năm của quốc gia. Song như thế là chưa đủ. Cách thức huy động và đầu tư bằng vốn ODA có những điểm đặc thù rất khác biệt. Do đó, Chính phủ cần phải hoạch định chiến lược vận động sử dụng ODA một cách phù hợp, dù đây là vấn đề khó khăn phụ thuộc phần nhiều vào ý định,  khả năng của các nhà tài trợ. Đối với các địa phương, vấn đề hoạch định chiến lược; quy hoạch thu hút và sử dụng ODA là hết sức nan giải do có rất ít sự chủ động của địa phương trong vấn đề này, và năng lực đội ngũ quản lý ODA ở địa phương là yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu.

+Khuôn khổ thể chế pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ.Nhìn chung, Chính phủ chưa xây dựng được cơ chế thống nhất giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài của quốc gia. Các quy định pháp lý quản lý nợ nói chung, nguồn ODA nói riêng chủ yếu điều chỉnh và kiểm soát các quan hệ trước và trong quá trình đầu tư. Còn giai đoạn sau đầu tư, các chế định pháp lý hầu như còn rất sơ lược, có thể nói là còn bỏ ngỏ.

+ Cơ chế vận động và sử dụng nguồn ODA quá phức tạp liên quan đến nhiều cấp bộ ngành, địa phương. Hơn nữa, điều này còn phụ thuộc vào cách thức của từng nhà tài trợ. Do vậy, một dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA không thành công (không tìm kiếm và vận động được nhà tài trợ, thủ tục chậm, vốn bị thất thoát, công trình vận hành và khai thác không hiệu quả) thường liên quan đến trách nhiệm nhiều cấp, nhiều bộ phận khác nhau. Do vậy, chúng ta gặp khó khăn khi muốn xác định nguyên nhân đích thực để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

+ Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý ODA là khá yếu kém chưa đáp ứng được nhu cầu. Năng lực của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực này ở các bộ ngành còn tương đối khả dĩ do được chuyên môn hóa, được đào tạo bồi dưỡng và có điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin cần thiết một cách thường xuyên.

Người viết: ThS. Hoàng Thị Xinh