0236.3650403 (128)

Hệ số Beta


Trên thế giới, đặc biệt là các thị trường tài chính hiệu quả, có những tham số mà hầu hết các nhà kinh doanh chứng khoán luôn luôn phải xem xét trước khi quyết định đặt tài sản của mình vào một loại chứng khoán nào đó. Trong đó, câu hỏi mà chúng ta thường gặp là: Hệ số Bêta của cổ phiếu đó là bao nhiêu? Làm sao tính được hệ số bêta đó?

            Hệ số beta được hình thành trong quá trình giới tài chính tìm cách lượng hoá rủi ro nhằm giảm bớt thiệt hại do rủi ro gây ra. Có rất nhiều khái niệm về rủi ro nhưng trong đầu tư và kinh doanh thì rủi ro đuợc định nghĩa là sự khác biệt hay sai lệch giữa tỷ suất lợi nhuận thực tế đạt được so với tỷ suất lợi nhuận dự kiến.

 

Hệ số beta phản ánh xu hướng biến động lên xuống của chứng khoán cùng với thị trường. Beta là thành phần chính của mô hình CAPM. Một chứng khoán có rủi ro trung bình được định nghĩa là chứng khoán có xu hướng lên xuống cùng bậc với thị trường. Theo định nghĩa, chứng khoán này có hệ số beta bằng 1

   Ví dụβ = 1 tức khi thị trường lên 10%, chứng khoán đó sẽ lên 10%. Một danh mục chỉ gồm các chứng khoán có beta = 1 thì sẽ lên xuống cùng với dao động trung bình của thị trường và nó chỉ rủi ro ở mức trung bình ( điều này khá xa với thực tế )

Trường hợp beta = 0,5 thì chứng khoán đó chỉ dao động = ½ dao động của thị trường, và danh mục chỉ có chứng khoán này sẽ có rủi ro bằng ½ rủi ro so với danh mục chỉ gồm chứng khoán có beta = 1. Tương tự, chứng khoán có beta = 2 sẽ dao động gấp đôi so với chứng khoán trung bình. Sự biến động này càng lớn, dù theo chiều hướng nào cũng có tác động lớn, bạn có thể trở thành triệu phú hay mất hết vốn đầu tư chỉ trong một thời gian ngắn. 

Minh họa hệ số beta ( β ) của một số công ty ( số liệu ở tháng 3/2005 )

Cổ phiếu

Beta ( β )

Ebay

1,45

Best Buy

1,25

Microsoft

1,15

Coca Cola

0,6

P&G

0,6

 

Hệ số beta đo mức độ biến động của một chứng khoán so với một chứng khoán trung bình, được định nghĩa là có hệ số β = 1 và hệ số beta của chứng khoán có thể tính toán bằng cách vẽ một đường biểu diễn. Phần lớn các chứng khoán đều có beta nằm trong khoản từ 0,5 đến 1,5

Nếu một chứng khoán có β > 1 được đưa vào một danh mục có β = 1, thì hệ số beta của danh mục, cũng như rủi ro của danh mục sẽ tăng lên và ngược lại. Vì vậy, hệ số beta của một chứng khoán đo lường mức độ đóng góp vào rủi ro danh mục của chứng khoán đó, về mặt lý thuyết, beta cũng là một chỉ tiêu đo lường khá chính xác về rủi ro của chứng khoán.

Một danh mục đầu tư bao gồm các chứng khoán có hệ số beta thấp thì bản thân hệ số beta của danh mục cũng thấp, vì hệ số beta của danh mục bằng bình quân gia quyền hệ số beta của các chứng khoán trong doanh mục.


                                                                                    CH. Mai Xuân Bình – Khoa QTKD