0236.3650403 (128)

HỆ THỐNG SẢN XUẤT VÀ CÁC YÊU CẦU KHI XÂY DỰNG HỆ THỐNG SẢN XUẤT


Có thể hiểu hệ thống sản xuất của doanh nghiệp là tổng hợp các bộ phận sản xuất và phục vụ sản xuất, sự phân bố về không gian và mối liên hệ sản xuất giữa chúng với nhau.

Hệ thống sản xuất của doanh nghiệp bao gồm các bộ phận sản xuất và phục vụ sản xuất, tỷ trọng của mỗi bộ phận, mối lien hệ sản xuất giữa chúng và sự bố trí cụ thể các bộ phận đó trong một không gian nhất định. Hệ thống sản xuất là cơ sở vật chất kỹ thuật, là cơ sở để tổ chức quá trình sản xuất và tổ chức bộ máy quản trị doanh nghiệp.

Thiết kế hệ thống sản xuất chính là việc dựa trên các dự báo về thị trường và môi trường kinh doanh, mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cũng như chiến lược phát triển doanh nghiệp mà xây dựng (mở rộng) một hệ thống sản xuất phù hợp, thỏa mãn các yêu cầu cơ bản sau:

Thứ nhất, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao vì chuyên môn hóa là cơ sở để nâng cao loại hình sản xuất, hiện đại hóa sản xuất, tổ chức sản xuất dây chuyển, đây chính là điều kiện để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Thứ hai, đảm bảo tính linh hoạt cần thiết của sản xuất. Môi trường kinh doanh càng biến động, càng đòi hỏi phải xây dựng cơ cấu sản xuất đảm bảo tính linh hoạt cao, cho phép doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Đây là điều kiện không thể thiếu, phù hợp với nền kinh tế thị trường mở cửa, từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Cần chý ý rằng tính linh hoạt và chuyên môn hóa là hai phạm trù mâu thuẫn, hiệu quả của chuyên môn hóa có thể bị mất hoàn toàn do không linh hoạt trong môi trường thay đổi. Việc giải quyết mẫu thuẫn giữa chuyên môn hóa và tính linh hoạt như thế nào còn tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, quy mô của từng doanh nghiệp.

Thứ ba, đảm bảo tính cân đối, nhịp nhàng đều đặn cần thiết ngay từ khâu thiết kế. Đó là sự cân đối giữa nhiệm vụ sản xuất với các nguồn lực đầu vào, sự cân đối giữa hai bộ phận sản xuất và phục vụ sản xuất, giữa sản xuất chính, sản xuất phụ và sản xuất phụ trợ, giữa các bộ phận cấu thành của sản xuất chính với nhau, của sản xuất phụ với nhau và của sản xuất phụ trợ với nhau.

Thứ tư, phải tạo điều kiện gắn trực tiếp hoạt động quản trị với hoạt động sản xuất. Yêu cầu này đòi hỏi phải tính toán bố trí các bộ phận sản xuất phù hợp với công nghệ chế tạo và trong một giới hạn không gian cần thiết. Ở mỗi bộ phận phải thiết kế sao cho các hoạt động quản trị diễn ra thuận lợi nhất, đảm bảo sự quan sát, kiểm tra trực tiếp và thường xuyên hoạt động của dây chuyền sản xuất.

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung