0236.3650403 (128)

HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM


Hoạch định chính sách tiền tệ là quá trình đề ra mục tiêu, định hướng lớn về tiền tệ, hệ thống ngân hàng và xây dựng các cơ chế, biện pháp và công cụ điều hành tiền tệ trong nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là thành viên Chính phủ và Nhà nước thống nhất quản lý mọi hoạt động của ngân hàng, động viên các nguồn lực trong nước và tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, tham gia vào hoạch định chính sách tiền tệ bao gồm các cơ quan sau:

+ Quốc hội quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, tỷ lệ lạm phát dự kiến hàng năm trong mối tương quan với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, cân đối ngân sách và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

+ Chủ tịch nước thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, tham gia, phê chuẩn điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế về lĩnh vực tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng, vay và nợ nước ngoài.

+ Chính phủ xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia, tỷ lệ lạm phát dự kiến, các cân đối tài chính, tiền tệ hàng năm trình Quốc hội quyết định; Tổ chức chỉ đạo và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Quyết định lượng tiền cung ứng (tiền phát hành) tăng thêm hàng năm với cơ cấu và số lượng sử dụng số tiền này, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, huy động vốn và tốc độ tăng dư nợ tín dụng, tỷ giá hối đoái, quyết định sử dụng mức độ sử dụng dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra Chính phủ còn quyết định một số chính sách và giải pháp tiền tệ cụ thể khác.

Để giúp việc và tham mưu cho Chính phủ trong việc hoạch định chính sách tiền tệ quốc gia, Chính phủ đã thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch. Thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm gồm:

+ Uỷ viên Thường trực hoặc Phó chủ tịch: Thống đốc NHNN

+ Uỷ viên là đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Quốc gia về giám sát tài chính, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành khác, đại diện của Uỷ Ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội hoặc một số chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng tham gia.

Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia có vai trò và nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền tệ qua các phiên họp của Hội đồng (có khi tháng họp một lần, có khi ba tháng hoặc nửa năm, tuy vào tình hình kinh tế - xã hội và tình hình biến động của tiền tệ trên thị trường). Trên cơ sở các đề án, báo cáo của các Bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...các thành viên Hội đồng sẽ có ý kiến trong các phiên họp của Hội đồng và Hội đồng sẽ tổng hợp, kết luận trình Chính phủ quyết định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là thành viên Chính phủ và là cơ quan điều hành chính về chính sách tiền tệ có trách nhiệm chủ trì cùng các bộ, ngành có liên quan (trước tiên là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia trình Chính phủ quyết định; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng Chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng; Chiến lược phát triển các tổ chức tín dụng; Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền; Thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như cấp và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng (NHTM, công ty tài chính, công ty cho thuê..) (trừ một số trường hợp do Chính phủ quyết định), cấp và thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; Quyết định giải thể, chấp thuận chia tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng.

Trong hoạch định chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động ngân hàng, kiểm soát tín dụng, nợ xấu, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Quản lý vay và trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp; Lập và theo dõi kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế....Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng các công cụ của pháp luật để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, báo cáo tình hình thực hiện chính sách tiền tệ cho Chính phủ và Quốc hội và theo những yêu cầu cụ thể báo cáo với các cơ quan của Đảng.

Đối với các Bộ, ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương...theo chức năng của mình cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các thông tin có liên quan để xây dựng chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời các Bộ này cùng chủ động nghiên cứu để đề xuất chính sách tiền tệ bổ sung cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ Tài chính trên cơ sở chịu trách nhiệm chính về thị trường chứng khoán và cân đối Ngân sách Nhà nước, giá cả nên phải nghiên cứu đưa ra những đường hướng, chính sách phát triển các lĩnh vực có liên quan và trên cơ sở đó đề xuất chính sách tiền tệ cho phù hợp bảo đảm chính sách tài khoá, chính sách phát triển thị trường chúng khoán và chính sách tiền tệ phối hợp hài hoà với nhau.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng của mình ngoài việc cung cấp các thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước và từng vùng, lãnh thổ, các thông tin về vốn đầu tư trong và ngoài nước, thì phải trên cơ sở nghiên cứu cân đối lớn như cân đối tích luỹ và tiêu dùng, cân đối đầu tư và tiết kiệm, cân đối NSNN, cân đối tiền tệ, cân đối cán cân thanh toán sẽ song hành đề xuất một số chính sách tiền tệ cơ bản để trình Chính phủ quyết định, lựa chọn chính sách tiền tệ quốc gia. Bộ Công thương cung cấp các thông tin về tình hình và chính sách thương mại, xuất nhập khẩu... để trên cơ sở đó có thể lượng định tình hình ngoại hối và các vấn đề có liên quan đến chính sách tiền tệ.

 

                                                                         Nguyễn Thị Hạnh