0236.3650403 (128)

KHẢ NĂNG TÌM KIẾM VÀ LỰA CHỌN TÀI LIỆU ĐỌC CỦA CÁ NHÂN


-         Khả năng tìm kiếm tài liệu

Để có thể khai thác được đầy đủ mọi nguồn thông tin, người tìm tin cần hiểu rõ được các nguyên tắc, các phương pháp tổ chức, quản lý của các nguồn thông tin. Đặc biệt trong bối cảnh các giải pháp công nghệ được sử dụng để quản trị chúng luôn biến đổi đa dạng.

+ Đối với nguồn tài liệu tại các Thư viện, người đọc cần được đào tạo để có hiểu biết về hệ thống kho tài liệu, hệ thống sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện; Sử dụng thành thạo bộ máy tra cứu bao gồm hệ thống mục lục và các trang tra cứu.

+ Đối với nguồn tài liệu từ các cơ sở dữ liệu điện tử, mỗi cơ sở dữ liệu có cách tra cứu khác nhau, nhưng thông thường đều cung cấp nhiều khả năng kết hợp các công thức tìm kiếm khác nhau, từ đơn giản đến nâng cao. Có nhiều kiểu cơ sở dữ liệu: tra cứu tóm tắt hoàn toàn miễn phí, không có toàn văn; tra cứu tóm tắt miễn phí, truy cập toàn văn thu phí; cả tra cứu và truy cập đều thu phí; tra cứu tóm tắt miễn  phí và truy cập một số tài liệu miễnphí…

+ Ngoài ra, đối với nguồn tài liệu từ internet, người đọc cũng cần được trang bị kỹ năng khai thác và truy cập thông tin trên mạng. Biết sử dụng các công cụ tìm kiếm như danh bạ mạng, cỗ máy tìm kiếm (Search Engine), các website trường, viện…, các tổ chức, hiệp hội khoa học lớn, các cổng thông tin chuyên đề… Cần phải xác định tốt chiến lược tìm kiếm, kết hợp linh hoạt các công thức tìm kiếm, sử dụng thuần thục ngôn ngữ tư liệu, khai thác tối đa các tính năng của công cụ tìm kiếm.

Tóm lại, hiểu rõ đặc điểm các nguồn tài liệu có thể giúp định vị nguồn tin, lựa chọn tốt công cụ tìm kiếm phù hợp với từng loại tàiliệu.

-         Khả năng lựa chọn tài liệu

Ngày nay, con người cần có những kỹ năng định hướng, lựa chọn thông tin cần thiết để làm chủ thế giới thông tin, nếu không sẽ bị ngập chìm trong biển thông tin phức tạp mà không thể tìm được thông tin phù hợp phục vụ cho hoạt động  sống của mình. Để chọn được tài liệu có giá trị, người đọc cần căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn tài liệu. Theo tác giả, các tiêu chí đó là:

+ Dựa vào tên và nội dung tài liệu

Một tài liệu cung cấp cho người đọc thông tin, dữ liệu, sự kiện… mà họ cần chính là một tài liệu đáp ứng được nhu cầu của họ. Do vậy, ngoài tên tài liệu cần xem thông tin mà tài liệu đề cập đến có thực sự phù hợp với nội dung cần tìm không? Có thể so sánh nội dung tài liệu này với nội dung tài liệu khác có cùng chủ đề để lựa chọn.

+ Dựa vào uy tín của tác giả hoặc nguồn cung cấp

Tác giả hoặc nguồn cung cấp (cơ quan, đơn vị, tổ chức…) tài liệu là ai, cơ quan nào? Nếu tác giả đó được nhiều người biết đến hoặc đánh giá cao trong lĩnh vực chuyên môn, là chuyên gia có uy tín và kinh nghiệm về lĩnh vực đó thì tài liệu bạn chọn đáng tin cậy. Trình độ của tác giả, nơi tác giả công tác cũng là thông tin đáng quan tâm. Tài liệu của tác giả, cơ quan có hay được trích dẫn lại hoặc được tham khảo trong các tài liệu của tác giả, cơ quan khác không? Nếu tác giả hoặc nguồn cung cấp hội tụ càng nhiều yếu tố này thì việc lựa chọn tài liệu của họ càng đáng tin cậy.

+ Dựa vào nguồn gốc của tài liệu

Mỗi tài liệu có tính chất và đặc thù chuyên ngành khác nhau, nơi công bố và phát hành (cơ quan báo, nhà xuất bản, phát hành, tổ chức khoa học…) có uy tín và thế mạnh gì, tài liệu được công bố theo mục đích gì (khoa học, thương mại, phổ biến kiến thức, thời sự…). Mỗi nhà xuất bản thường chuyên về một lĩnh vực nào  đó, vì thế lựa chọn tài liệu theo nhà xuất bản có thể giúp chúng ta tìm được tài liệu theo lĩnh vực mà ta muốn tìm.

+ Tính cập nhật của tài liệu

Các nội dung, thông tin trong tài liệu có phải là thông tin mới nhất không? Có cung cấp các con số, sự kiện, kết quả điều tra gần đây nhất? Nếu là tài liệu được xuất bản (hoặc tái bản), thì các lần xuất bản, tái bản sau có bổ sung thêm nội dung gì khác hoặc mới so với các lần trước đó không?

Ngoài ra, một số tiêu chí phụ để xem xét lựa chọn tài liệu như:

• Để đảm bảo tính khách quan của tài liệu thì chúng ta cần phải xem tài liệu đó có được các chuyên gia thẩm định không? Tài liệu đó có được kiểm duyệt trước khi xuất bản không? Nếu tài liệu đó được các chuyên gia trong ngành hoặc giáo viên khuyên đọc thì đó là những lựa chọn có cơ sở đáng tin cậy.

• Cần lựa chọn sách được dán tem đảm bảo, chất lượng in rõ nét, hình ảnh sáng, có tên, địa chỉ rõ ràng của nhà xuất bản hoặc nơi phát hành, trang giấy được cắt xén gọn gàng, chất lượng giấy dày. Nên chọn các cửa hàng sách, nhà xuất bản có uy tín và thương hiệu.

• Một cuốn sách hay sẽ được giới thiệu và lan truyền rộng rãi trong các mục Điểm sách, Giới thiệu sách mới, trên các website bán sách, trong cộng đồng mạng xã hội như Facebook, Twitter … Các tài liệu được bạn bè và đông đảo người đọc đánh giá cao cũng là một cơ sở để lựa chọn.

• Bên cạnh đó,kinh nghiệm cũng sẽ là yếu tố giúp người đọc nhiều trong việc chọn tài liệu, chẳng hạn những tác phẩm lý luận kinh điển, các tác phẩm văn học nổi tiếng, sách lý luận phê bình,… trải qua nhiều năm tồn tại đã được nhiều thế hệ đọc kiểm chứng luôn là tài liệu đáng tin cậy để lựa chọn. Nếu người đọc có kinh nghiệm cao sẽ không bao giờ đọc theo phong trào mà biết rõ sách nào đáng để đọc. Họ cũng sẽ biết tự nhủ mình mà không đọc những tài liệu vô bổ, không có tác dụng gì trong việc giúp nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn.

Tóm lại, lựa chọn tài liệu đọc là một công việc phức tạp, mang tính trí tuệ cao, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, phương pháp và kinh nghiệm lựa chọn tài liệu. Sự kết hợp đồng thời các tiêu chí lựa chọn sẽ giúp có được tài liệu chính xác, khách quan, đáng tin cậy và phù hợp với nhu cầu của người đọc.

                                                                     Nguyễn Thị Thảo