0236.3650403 (128)

KINH TẾ XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GẮN VỚI QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA


Đỗ Văn Tính

Đô thị hoá là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỷ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian.Đô thị hoá gắn với việc tổ chức không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhằm tạo lập môi trường thích hợp cho người dân trên địa bàn, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, quá trình này diễn ra tại thành phố Đà Nẵng như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh mới - bối cảnh của sự hội nhập và phát triển?

Giới thiệu tổng quan về Tp.Đà Nẵng

Các yếu tố địa lý

Thành phố Đà Nẵng trải dài từ 15°15' đến 16°40' Bắc và từ 107°17' đến 108°20' Đông. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội 764km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh 964km về phía Nam, cách kinh đô thời cận đại của Việt Nam là thành phố Huế 108 km về hướng Tây Bắc.

Thành phố có diện tích 1.255,53 km² (trong đó phần đất liền là 950,53 km²; phần huyện đảo Hoàng Sa là 305 km²). Đà Nẵng hiện tại có tất cả là 6 quận, và 2 huyện là Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Địa hình thành phố Đà Nẵng vừa có đồng bằng duyên hải, vừa có đồi núi. Vùng núi cao và dốc tập trung ở phía Tây và Tây Bắc, từ đây có nhiều dãy núi chạy dài ra biển, một số đồi thấp xen kẽ vùng đồng bằng ven biển hẹp.Địa hình đồi núi chiếm diện tích lớn, độ cao khoảng từ 700 - 1.500 m, độ dốc lớn (>400), là nơi tập trung nhiều rừng đầu nguồn và có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố.Đồng bằng ven biển là vùng đất thấp chịu ảnh hưởng của biển bị nhiễm mặn, là vùng tập trung nhiều cơ sở nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, quân sự, đất ở và các khu chức năng của thành phố.

Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưamùa khô, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài.Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.504,57 mm [1]

Lịch sử phát triển và quá trình đô thị hóa tại Đà Nẵng [2]

Giữa thế kỷ 16, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền. Người Đàng Trong tại Đà Nẵng thời Tây Sơn - Tranh của họa sĩ người Anh William Alexander.

Đầu thế kỷ 18, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở Châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng.Năm 1835, khi vua Minh Mạng có dụ: "Tàu Tây chỉ được đậu tại Cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán" thì Đà Nẵng trở thành một thương cảng lớn bậc nhất miền Trung. Tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển với những ngành sửa chữa tàu thuyền, sơ chế nông lâm hải sản; dịch vụ thương mại cũng phát đạt.Năm 1858, cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu bằng cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Sau khi thành lập Liên bang Đông Dương thì Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam với tính cách là một nhượng địa (concession) và đổi tên thành Tourane. Đơn vị hành chính này chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương thay vì triều đình Huế tuy thị trấn này nằm trong xứ Trung Kỳ. Tên gọi Tourane có lẽ bắt nguồn từ việc phát âm trại từ "Cửa Hàn" bởi người Pháp. Hội đồng thị xã Tourane được lập năm 1908; đứng đầu là một viên đốc lý (résident-maire) người Pháp.

Đầu thế kỷ 20, Tourane được Pháp xây dựng trở thành một đô thị theo kiểu Tây phương. Cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật sản xuất được đầu tư. Các ngành nghề sản xuất và kinh doanh được hình thành và phát triển: sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến hàng xuất khẩu (chè, lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nước đá, rượu, nước mắm, cá khô, sửa chữa tàu thuyền, kinh doanh dịch vụ. Cùng với Hải PhòngSài Gòn, Tourane trở thành trung tâm thương mại quan trọng của cả nước.Năm 1973, khi quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phân chia lại địa giới hành chính Đà Nẵng, giữ nguyên 3 quận như cũ, chỉ sáp nhập 28 khu phố bên dưới cấp quận thành 19 phường. Thị xã Đà Nẵng được đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng thị xã, gồm 12 ủy viên, do một thị trưởng đứng đầu.Quận I gồm 7 phường: Triệu Bình, Xương Bình, Thạch Thang, Hải Châu, Nam Phước, Bình Hiên, Hòa Thuận.Quận II gồm 5 phường: Chính Gián, Thạc Gián, An Khê, Thanh Lộc Đán, Hà Tam Xuân.Quận III gồm 7 phường: Nam Thọ, Mân Quang, Mân Thái, An Hải Tây, Phước Mỹ, Nại Nghĩa, An Hải Bắc.Năm 1975, Đà Nẵng (là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn lắm khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt nhiều thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau 1986.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vanghuyện đảo Hoàng Sa. Trên thực tế huyện đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng, và ủy ban nhân dân huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc Sở Nội Vụ thành phố Đà Nẵng.

Ngày 1 tháng 1 năm 1997, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Ngày 15 tháng 7 năm 2003, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại 1. Đà Nẵng bắt đầu một thời kỳ phát triển với tốc độ nhanh trong công cuộc kiến thiết đô thị. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho hạ tầng cơ sở đã tăng từ 400 tỉ lên 3.200 tỉ đồng. Những khu phố cũ đã được rộng mở và chỉnh trang tươm tất. Nhiều khu đô thị mới đã mọc lên.

Theo thống kê của Viện Qui hoạch Tp. Đà Nẵng, đến nay toàn thành phố đã phê duyệt và triển khai gần 1.250 dự án, sử dụng trên 16.700ha đất, chỉ trong năm năm từ 2000-2005 hàng loạt công trình, dự án mang tính đột phá của TP biển Đà Nẵng đã mọc lên,...

Thành tựu kinh tế xã hội Tp.Đà Nẵng gắn với quá trình đô thị hoá

 Kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên nền kinh tế nước ta cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn. Đối với thành phố Đà Nẵng, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2019 tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 6,47% so với năm 2018; lạm phát được kiểm soát; thu hút khách quốc tế tăng cao; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục gia tăng; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Thành phố đã giải quyết việc làm cho 82.200 lao động trong năm 2019, tổ chức 45 phiên chợ việc làm, thu hút được 2.194 lượt đơn vị và 25.600 lượt người tham gia phiên chợ. Sở Lao động – TBXH đã thẩm định và cho 1.117 dự án vay, với kinh phí 22,28 tỷ đồng góp phần giải quyết việc làm cho 1.232 lao động. [3]

Những thành tựu đạt được trong những năm qua đã thực sự tạo ra bước chuyển biến có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, phải kể đến nét nổi bật nhất là công cuộc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với chỉnh trang và phát triển đô thị.

Nằm ở trung độ của cả nước, là đầu mối giao thông lớn nhất của khu vực miền Trung về đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không quốc tế; trung điểm của 5 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, Đà Nẵng có những phong cảnh đẹp, các công trình văn hóa nổi tiếng như: Bà Nà - Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chămpa và nhiều bãi biển đẹp, trong đó bãi biển Mỹ Khê - Non Nước được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn “là một trong sáu bãi biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh”. Đây là những lợi thế lớn trong chiến lược phát triển của Đà Nẵng.

Những mặt hạn chế trong quá trình đô thị hóa tại Tp.Đà Nẵng    

- Đô thị Đà Nẵng chưa có tính thẩm mỹ bởi việc qui hoạch chưa mang tính chất khách quan, công trình nhiều nhưng không có kiến trúc.

- Đô thị Đà Nẵng chưa cân đối với mục tiêu công nghiệp hóa, nặng ý chí chủ quan, “Đà Nẵng chưa định hướng được qui hoạch không gian và môi trường cho cuộc sống; chưa có công trình kiến trúc nào để tự hào...”, là nhận định của nhà báo Nguyễn Cửu Loan - thư ký tòa soạn tạp chí Kiến Trúc miền Trung - Tây nguyên.

- Trong quá trình thực thi quy hoạch đã không ít các dự án đã từ bỏ không gian xanh, thu hẹp khu vui chơi. Thậm chí, nhiều dự án đã được giao cho những tư vấn thiếu kinh nghiệm, hạn chế về năng lực...Điều đó khiến dư luận phản ứng, mà bán đảo Sơn Trà, núi Phước Tường, khu nhà hàng ven biển Phước Mỹ, khu du lịch Bà Nà - Núi Chúa... là những điển hình.

- Vấn đề về hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn nhiều rối ren từ khâu thiết kế, thi công đến khâu quản lý, vận hành. Hệ thống hạ tầng xã hội chưa được quan tâm đúng mức phân bố chưa đồng đều.

- Công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Chính vì sự bất cập trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã dẫn tới việc quản lý, điều hành quy hoạch và thiết kế đô thị còn nhiều bất cập. Hiện tượng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các công trình xây dựng có tính chắp vá, không theo quy hoạch, các dự án chậm tiến độ, chất lượng thấp, Tài nguyên đất đai chưa sử dụng hết hoặc sử dụng không đúng mục đích... Đó là những gánh nặng của công tác quản lý đô thị ở Tp. Đà Nẵng hiện nay.

- Lực lượng làm công tác quy hoạch, thẩm tra của thành phố còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn. Hàng năm có phần lớn nguồn nhân sự thuộc công tác quy hoạch, thẩm tra được đào tạo, nhưng trên thực tế lực lượng này vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay.

- Quy hoạch nhiều nhưng chất lượng thấp, thiếu đồng bộ. Tính dự báo và tính định hướng phát triển kinh tế xã hội còn chưa được thể hiện rõ, thiếu tầm nhìn, thiếu tính khả thi.

- Dân cư đô thị của thành phố hiện nay phần lớn đều có gốc từ nông thôn, vì thế văn hóa và lối sống thường bị dung hòa bởi lối sống nông thôn. Chính vậy, vẫn còn tồn tại các hành vi ứng xử tiêu cực như thiếu hiểu biết pháp luật, ứng xử thiếu văn minh nơi công cộng, ý thức hệ cá nhân, thiếu sự gắn kết cộng đồng,...

Nhận diện cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của Đà Nẵng

Điểm mạnh

Có điều kiện tự nhiên và sinh thái thuận lợi: Địa hình phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu tốt cho con người và động thực vật; Người dân thuần phác và cần cù lao động. Ẩm thực phong phú, đặc sắc; Tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh. Có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng tốp đầu liên tiếp trong nhiều năm gần đây, có môi trường đầu tư hấp dẫn; Hạ tầng đô thị được xây dựng tương đối đồng bộ. Có cảng biển tốt (cảng Tiên Sa hiện tại và cảng Liên Chiểu trong tương lai). Có sân bay ngay trong thành phố tạo thành mô hình đô thị sân bay; Là một trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Có nhiều tài nguyên du lịch: Bờ biển đẹp và gần các điểm du lịch nổi tiếng như Bà Nà, Quảng Bình, Huế, Hội An, Mỹ Sơn.

Điểm yếu

Quy hoạch xây dựng thành phố dàn trải, chất lượng đô thị hoá chưa cao, Sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả, mật độ xây dựng thấp. Cách thức quy hoạch, phát triển đô thị dàn trải gây lãng phí tài nguyên đất đai và đòi hỏi nhiều vốn để mở rộng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong tương lai;  Chưa có Khu thương mại trung tâm (CBD – Central Business District – khu tập hợp các công trình văn phòng thương mại, tài chính, shoping mall hạng sang, khách sạn lớn có tầm cỡ quốc tế); Thiếu các khu đô thị quy mô lớn, tiện nghi, đủ chức năng, được quy hoạch và xây dựng bài bản; Hệ thống cấp nước sạch, xử lý nước thải còn nhiều khó khăn; Tỷ lệ đất dành cho mục đích công cộng, như công viên cây xanh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa – thể thao thấp, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp không nhiều. Tay nghề của lực lượng lao động chưa cao; Sản phẩm và hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt với các vùng miền khác trong nước;Thiếu điểm vui chơi giải trí tổng hợp. Ngoài bãi biển đẹp và khu du lịch Bà Nà, các điểm đến du lịch (địa điểm hấp dẫn du khách) ở trong TP Đà Nẵng còn ít. Việc tổ chức du lịch chưa gắn kết chặt chẽ với các địa phương có các điểm di sản thế giới ở Huế, Hội An và Mỹ Sơn và các hang động ở Quảng Bình để hình thành những tour du lịch phức hợp, hấp dẫn; Chưa có các cơ sở chữa bệnh hàng đầu của khu vực miền Trung: Đà Nẵng hiện có nhiều bệnh viện đa khoa và chuyên khoa và trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế xã phường và trên 1.000 phòng khám chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh chưa làm người dân thành phố thoả mãn;  Chưa thu hút được nhiều cư dân chất lượng cao (trẻ, năng động và sáng tạo) ở trong và ngoài nước đến làm ăn, sinh sống.

Cơ hội

Vị trí địa lý thuận lợi nằm giữa Hà Nội và TP HCM, nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là cửa ngõ giao thông quan trọng của cả miền Trung và Tây Nguyên. TP Đà Nẵng còn là điểm cuối trên Hành lang kinh tế Đông – Tây đi qua các nước Myanmas, Thái Lan, Lào, Việt Nam; Là TP trẻ, năng động, có khả năng áp dụng các kinh nghiệm phát triển đô thị của các TP trong và ngoài nước; TP có đặc điểm địa hình phong phú, đặc điểm địa chất thuận lợi để phát triển thành một đô thị kết hợp sông – núi – biển trong tương lai.

Thách thức

Dễ bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Nguồn tài nguyên đất đai để phát triển đô thị có hạn.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với quá trình đô thị hóa tại Tp.Đà Nẵng trong bối cảnh mới

Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, thành phố cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, mà đặc biệt là công tác quy hoạch đô thị. Mục tiêu công tác này là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước với vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung, có kết cấu hạ tầng hiện đại. Đặc biệt là xây dựng Đà Nẵng thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao, tập trung phát triển dịch vụ - du lịch và phấn đấu đến năm 2020 đạt danh hiệu “Thành phố môi trường”. Muốn vậy, các cơ quan quản lý cần khẩn trương giải quyết các vấn đề sau:

- Quy hoạch đô thị phải đi đôi với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khuyến khích ngành công nghiệp hạn chế đến mức tối đa việc xả thải, đặc biệt là gần khu dân cư và khu du lịch. Khuyến khích các chủ đầu tư khu công nghiệp mời gọi các dự án sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, dành nhiều quỹ đất hơn cho công tác bảo vệ môi trường và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường khu du lịch.

 - Tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa quy hoạch sản xuất nông nghiệp với qui hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ; tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhắm tạo thêm nhiều việc làm, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn và nâng cao thu nhập của nông dân. Theo nghĩa đó, hạn chế dòng dịch chuyển lao động về thành phố.

- Quy hoạch tổng thể, triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới; hình thành các khu dân cư đô thị hoá với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, theo hướng ưu tiên cho các lĩnh vực giao thông, điện, nước sạch, trường học, cơ sở y tế, bưu điện, nhà văn hoá-thể thao, siêu thị, chợ…

- Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển đô thị, hình thành mạng lưới đô thị phù hợp trên phạm vi toàn thành phố một cách có hệ thống. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành các hoạt động liên quan đến công tác quy hoạch đô thị, giải quyết kịp thời những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

- Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các vùng kinh tế còn nhiều khó khăn (vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi, biên giới, bãi ngang, hải đảo), làm cơ sở để từng bước điều chỉnh hợp lý cơ cấu kinh tế, dân cư, lao động, giảm thiểu khoảng cách về trình độ phát triển giữa các khu vực vùng miền trên địa bàn thành phố.

Tóm lại, Đô thị hoá là một quá trình tất yếu của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đô thị hoá tự phát tại các Tỉnh - Thành nói chung và Tp.Đà Nẵng nói riêng, thiếu quy hoạch khoa học sẽ làm nảy sinh nhiều tiêu cực, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, chiến lược đô thị hoá của Tp.Đà Nẵng phải hướng tới mục tiêu bền vững giữa tự nhiên, con người và xã hội. Vấn đề này đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quy hoạch đô thị. Đồng thời, có giải pháp nâng cao nhận thức của dân cư, tăng cường giáo dục nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới đối với cư dân đô thị. Hạn chế và quản lý tốt hơn đối với dân nhập cư, góp phần lập lại trật tự xã hội đảm bảo cho việc xây dựng đô thị ổn định, bền vững, thể hiện đúng diện mạo của thành phố trẻ - hiện đại.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Sở văn hóa thể thao và du lịch Tp. Đà Nẵng

[2] http://www.danang.gov.vn

[3] Chi cục thống kê Tp. Đà Nẵng

[4] Viện nghiên cứu KTXH Tp. Đà Nẵng