0236.3650403 (128)

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ TÀI SẢN CỐ ĐỊNH


Để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp phải có các yếu tố: sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động.

Khác với đối tượng lao động (nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm dở dang, bán thành phẩm...) các tư liệu lao động (máy móc thiết bị, nhà xưởng , phương tiện vận tải...) là những phương tiện vật chất mà con người sử dụng để tác động vào đối tượng lao động , biến đổi nó theo mục đích của mình.

Bộ phận quan trọng nhất trong các tư liệu lao động sử dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là tài sản cố định, đó là những tư liệu lao động được sử dụng một cách trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình sản xuất kinh doanh.

 Tài sản cố định trong các doanh nghiệp là những tư liệu lao động chủ yếu mà đặc điểm của chúng là tham gia và nhiều chu kỳ sản xuất, trong quá trình đó giá trị của tài sản cố định không bị tiêu hao hoàn toàn trong lần sử dụng đầu tiên mà nó được chuyển dịch từng phần vào giá thành sản phẩm.

* Tiêu chuẩn để nhận biết tài sản cố định: Theo chế độ tài chính hiện hành tư liệu lao động phải đồng thời thoả mãn các tiêu chuẩn sau mới được coi là tài sản cố định:

-                     Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

-                     Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;

-                     Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;

-                     Có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.

Tiêu chuẩn về giá trị được quy định riêng đối với từng nước và có thể điều chỉnh cho phù hợp với mức giá của từng thời kỳ. Ở nước ta hiện nay quy định giới hạn từ 10 triệu đồng trở lên.

* Chú ý:

- Một số tư liệu lao động có đủ hai điều kiện trên nhưng không được coi là TSCĐ như: các dụng cụ bằng thuỷ tinh, lán trại, hoặc các công trình tạm trong xây dựng.

- Một số tư liệu lao động riêng rẽ thì không đủ tiêu chuẩn là TSCĐ nhưng khi chúng được sử dụng như một tổ hợp thì tổ hợp đó được coi là TSCĐ như: bộ phụ tùng sửa chữa, dụng cụ sinh hoạt trong phòng làm việc, khách sạn...

- Đối với súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, thì từng con súc vật được coi là một tài sản cố định hữu hình.

- Đối với vườn cây lâu năm thì từng mảnh vườn cây được coi là tài sản cố định.

- Tiêu thức để phân biệt giữa đối tượng lao động và TSCĐ không chỉ đơn thuần dựa vào thuộc tính vật chất của chúng mà phải chủ yếu dựa vào tính chất tham gia và tác dụng của chúng trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bởi vì có thể cùng một tài sản ở trường hợp này coi là tài sản cố định song ở trường hợp khác chỉ được coi là đối tượng lao động, ví dụ máy móc thiết bị, nhà xưởng... dùng trong sản xuất là các tài sản cố định, song nếu đó là sản phẩm mới hoàn thành, đang được bảo quản trong kho thành phẩm chờ tiêu thụ hoặc là các công trình xây dựng cơ bản chưa bàn giao thì chỉ được coi là đối tượng lao động. Tương tự như vậy trong sản xuất nông nghiệp những gia súc được sử dụng làm sức kéo, sinh sản, cho sản phẩm thì được coi là các tài sản cố định, song nếu chỉ là các vật nuôi để lấy thịt thì chỉ là đối tượng lao động.

Trong nền kinh tế thị trường và trong điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật, tài sản cố định của doanh nghiệp còn bao gồm cả những tài sản không có hình thái vật chất cụ thể như: chi phí chuẩn bị kinh doanh, chi phí mua bằng phát minh sáng chế...

* Đặc điểm của TSCĐ:

- TSCĐ tham gia vào nhiều chu kỳ SXKD.

- TSCĐ không thay đổi hình thái vật chất trong quá trình sử dụng.

- Giá trị của TSCĐ được dịch chuyển từng phần vào giá trị sản phẩm sản xuất ra. Bộ phận giá trị chuyển dịch này cấu thành một yếu tố chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và được bù đắp mỗi khi sản phẩm được tiêu thụ.

* Phân loại TSCĐ: Là việc phân chia TSCĐ theo nhiều tiêu thức nhất định, có các tiêu thức sau để phân loại:

-. Theo hình thái biểu hiện:

Tài sản cố định hữu hình: là những TSCĐ có hình thái vật chất cụ thể như: nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải...

Tài sản cố định vô hình: là những TSCĐ không có hình thái vật chất cụ thể mà thường là những khoản chi phí đầu tư cho SXKD như: chi phí chuẩn bị kinh doanh, chi phí bằng phát minh sáng chế, chi phí về sử dụng đất...

Tác dụng: Là căn cứ quan trọng để xây dựng các quyết định đầu tư hoặc điều chỉnh phương hướng đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

-. Theo công cụng kinh tế của tài sản cố định:

 Tài sản cố định dùng trong sản xuất kinh doanh: là những tài sản cố định tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình SXKD của doanh nghiệp như nhà cửa, vật kiến trúc, thiết bị động lực, máy móc thiết bị sản xuất... và những tài sản cố định không có hình thái vật chất khác...

 Tài sản cố định dùng ngoài sản xuất kinh doanh: là những tài sản cố định dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh phụ trợ của doanh nghiệp và những tài sản cố định dùng cho phúc lợi công cộng gồm nhà cửa, máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh phụ, nhà cửa và phương tiện dùng cho sinh hoạt văn hoá, nghiên cứu, thí nghiệm và các công trình phúc lợi tập thể...

Tác dụng: Giúp người quản lý thấy được kết cấu TSCĐ theo công dụng kinh tế và trình độ cơ giới hoá của doanh nghiệp từ đó kinh tế được mức độ đảm bảo đối với nhiệm vụ sản xuất và có phương hướng cải tiến tình hình trang bị kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định.

-Theo tình hình sử dụng của tài sản cố định:

Tài sản cố định đang dùng: là những TSCĐ đang sử dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp như hoạt động phúc lợi, sự nghiệp hay an ninh quốc phòng của doanh nghiệp.

Tài sản cố định chưa cần dùng: là những TSCĐ cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp, song hiện tại chưa cần dùng đang được dự trữ để sử dụng cho kỳ sau.

Tài sản cố định không cần dùng và chờ thanh lý: là những TSCĐ không dùng được vào trong quá trình SXKD của doanh nghiệp vì không còn phụ hợp hoặc đã hư hỏng không sử dụng được nữa.

Tác dụng: giúp nhà quản lý thấy được một cách tổng quát tình hình TSCĐ hiện có mà có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời còn là cơ sở để xác định phạm vi tính khấu hao TSCĐ một cách hợp lý.

-. Theo tình hình sở hữu tài sản cố định:

Tài sản cố định tự có: là những TSCĐ do doanh nghiệp tự xây dựng, mua sắm.

Tài sản cố định đi thuê: là những tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp khác bao gồm 2 loại: tài sản cố định thuê hoạt động và tài sản cố định thuê tài chính.

+ Tài sản cố định thuê hoạt động: doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý, sử dụng theo các quy định trong hợp đồng thuêm, doanh nghiệp không trích khấu hao đối với tài sản cố định này, chi phí thuê tài sản cố định được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

+ TSCĐ thuê tài chính: Doanh nghiệp phải theo dõi, quản lý, sử dụng và trích khấu hao như đối với tài sản cố định thuộc sở hữu của mình và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng thuê tài sản cố định.

Tài sản cố định thuê tài chính là những TSCĐ doanh nghiệp đi thuê của bên cho thuê tài chính theo hợp đồng thoả mãn một trong bốn điều kiện sau:

1. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được chuyển quyền sở hữu TSCĐ thuê hoặc được  tiếp tục thuê theo sự thoả thuận của hai bên.

2. Khi kết thúc thời hạn thuê theo hợp đồng, bên thuê sẽ được quyền lựa chọn mua TSCĐ thuê với giá thấp hơn giá trị thực tế của TSCĐ tại thời điểm mua lại.

3. Thời hạn cho thuê một loại tài sản cố định phải tối thiểu bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao TSCĐ thuê.

4. Tổng số tiền thuê một loại tài sản cố định tại hợp đồng thuê ít nhất phải tương ứng với giá của TSCĐ đó trên thị trường vào thời  điểm ký hợp đồng.

Mọi hợp đồng thuê tài sản cố định nếu không thoả mãn bất kỳ điều kiện nào trong 4 điều kiện trên được coi là tài sản cố định thuê hoạt động.

Tác dụng: để thấy được khả năng chủ động trong SXKD của doanh nghiệp, xác định được trách nhiệm quản lý TSCĐ và vốn cố định của doanh nghiệp, tạo điều kiện để tính toán và phân bổ khấu hao hợp lý. /.

Nguyễn Thị Minh Hà