0236.3650403 (128)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN NGHIÊN CỨU NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN THỐNG KÊ TẠI VIỆT NAM


1. Các nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng thông tin thống kê

1.1. Phương pháp thống kêcó vai trò quan trọng, không những quyết định phương pháp tính các chỉ tiêu cụ thể mà còn quyết định tới các hoạt động thống kê có liên quan. Với thực tế hiện nay về phương pháp thống kê của ngành, Tổng cục cần rà soát và hoàn thiện phương pháp thống kê thuộc tất cả các lĩnh vực. Đây là một nội dung lớn, cần đưa ra thành một chương trình công tác trọng tâm của ngành. Một vài nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng của một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp đó là: Phạm vi tính chưa đầy đủ; đơn vị thống kê dùng để thu thập thông tin chưa phù hợp; phương pháp tính còn nhiều bất cập, chưa tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản khi tính chỉ tiêu; qui trình tính chưa phù hợp và khoa học.

1.2. Tính đồng bộ của số liệu thống kêđược phản ánh trên hai góc độ: đồng bộ giữa số liệu đầu vào và chỉ tiêu đầu ra được đề cập theo các nội dung sau: Giữa số liệu trung ương và số liệu địa phương, giữa số liệu giữa Tổng cục thống kê và các Bộ, Ngành, Giữa chỉ tiêu tổng hợp và chỉ tiêu chuyên ngành, Giữa số liệu dự báo và số liệu chính thức. Đồng bộ về phương pháp và công cụ dùng trong biên soạn các chỉ tiêu được đề cập theo các nội dung sau: Đồng bộ giữa số liệu thống kê chuyên ngành và thống kê tổng hợp, đồng bộ giữa thống kê tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục thống kê với các Cục Thống kê, đồng bộ của thống kê chuyên ngành, giữa Tổng cục thống kê với các Cục Thống kê.

1.3. Cơ chế quản lý và một số yếu tố khác như:quan niệm của người sử dụng thông tin, phương thức phổ biến thông tin, sự hiểu biết của người sử dụng về qui trình sản xuất số liệu thống kê cũng là những nhân tố tác động tới chất lượng của thông tin thống kê. Chẳng hạn, Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu sự quản lý của Tổng cục thống kê về nghiệp vụ chuyên môn, nhưng hệ thống chính trị thuộc sự quản lý của địa phương. Do bệnh thành tích và một số lý do khách quan khác, lãnh đạo tỉnh và thành phố đôi khi can thiệp vào số liệu do các Cục Thống kê tính.

2. Một số vấn đề cần nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê

2.1. Hoàn thiện phương pháp thống kê

Phương pháp thống kê có tầm quan trọng đặc biệt vì nó sẽ quyết định tới các loại thông tin thống kê đầu vào, tới đối tượng thu thập thông tin, phương pháp và công cụ dùng trong tính toán các chỉ tiêu thống kê đầu ra.

- Đơn vị thống kê.Tổng cục thống kêcần nghiên cứu và hoàn thiện từng loại cụ thể đơn vị thống kê với mục đích biên soạn từng chỉ tiêu kinh tế cụ thể. Vụ Phương pháp chế độ thống kê phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nội dung này.

- Xây dựng và áp dụng các bảng phân loại.Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các bảng danh mục hiện có Tổng cục thống kê cần tiếp tục nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành một số bảng phân loại mới. Khi đã xây dựng và ban hành các bảng phân loại và danh mục, Tổng cục phải có biện pháp áp dụng vào từng lĩnh vực thống kê phù hợp. Việc áp dụng phải đáp ứng hai yêu cầu: áp dụng ở mức độ chi tiết, đảm bảo yêu cầu tính chi tiết của các lĩnh vực thống kê và đáp ứng khả năng so sánh, áp dụng thống nhất cho các lĩnh vực thống kê có liên quan.

- Xác định phương pháp và qui trình tính. Việc thực hiện phương pháp thống kê có liên quan tới tất cả các nghiệp vụ chuyên môn, liên quan giữa Tổng cục thống kê với các Cục Thống kê, giữa Tổng cục thống kê với các Bộ, ngành. Để đảm bảo chất lượng thông tin thống kê nói chung, đảm bảo khả năng so sánh và độ tin cậy về phương pháp áp dụng đòi hỏi các đơn vị trong Tổng cục phải tuân thủ và áp dụng thống nhất phương pháp thống kê. Tổng cục có thể áp dụng một số giải pháp nhằm tạo ra sự nhất quán và thống nhất giữa các đơn vị trong Tổng cục; giữa các đơn vị trong Tổng cục và các Cục Thống kê; giữa Tổng cục thống kê và các Bộ, ngành.

2.2. Nghiên cứu các giải pháp quản lý chất lượng số liệu thống kê

2.2.1. Quản lý tính phù hợp.Tổng cục thống kê cần xây dựng kế hoạch rà soát định kỳ nhu cầu của người sử dụng. Quá trình rà soát có thể thực hiện theo bốn nhóm hoạt động sau:

a, Xây dựng cơ chế phản hồi của người dùng tin,bao gồm: thành lập Hội đồng thống kê quốc gia; thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn cho các lĩnh vực thống kê chủ yếu của Tổng cục thống kê; trao đổi định kỳ với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu thông tin của giới doanh nghiệp và thông báo cho họ chính sách phục vụ và phổ biến thông tin của Tổng cục thống kê; trao đổi định kỳ với các cơ quan Thống kê nước ngoài và các tổ chức quốc tế để tìm hiểu nhu cầu mới về thông tin thống kê,…

b, Rà soát lại các chương trình công tác thống kê nghiệp vụ và thống kê tổng hợpnhằm đánh giá mức độ thoả mãn nhu cầu của người sử dụng. Tất cả các đơn vị trong Tổng cục phải làm báo cáo định kỳ đề cập rõ việc thực hiện chương trình công tác, xác định phương hướng, rà soát tiêu thức tính phù hợp của số liệu thống kê và đề xuất những thay đổi trong thời gian tới. Tất cả các đề xuất trong báo cáo sẽ được cân nhắc trong quá trình lập kế hoạch công tác thống kê cho giai đoạn tiếp theo.

c. Phân tích số liệu.Hoạt động phân tích số liệu sẽ phát hiện ra bản chất bên trong của số liệu hiện có và sẽ biết được số liệu thuộc đơn vị nào để đưa thành nhiệm vụ công tác cho một số Vụ thống kê có liên quan, hoặc có thể thành lập các tổ phân tích với cơ chế linh hoạt.

d. Lập kế hoạch phát triển công tác số liệucủa ngành thống kê cho giai đoạn trung và dài hạn sẽ được cung cấp một lược đồ chiến lược phát triển một cách bài bản và làm cơ sở đưa ra những thay đổi trong chương trình công tác của ngành trong các năm tiếp theo. Tổng cục thống kê nên đưa việc lập kế hoạch phát triển công tác thông tin nên trở thành một chương trình nghị sự quan trọng trong Hội nghị Tổng kết công tác thống kê hàng năm. Đề nghị lãnh đạo các cấp trong Ngành xác định những công việc nào chưa cần thiết thực hiện trong năm tới và vài năm tiếp theo, đồng thời khuyến khích mọi ý kiến đề xuất những công việc cần làm nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng tin.

2.2.2. Quản lý tính chính xác.Chất lượng thông tin đầu vào quyết định tính chính xác của số liệu thống kê. Hiện nay, thông tin thống kê đầu vào chủ yếu dựa vào các cuộc điều tra, các giải pháp nâng cao chất lượng thông tin điều tra, bao gồm các nội dung phù hợp với qui trình điều tra: Thiết kế chương trình điều tra; Thực hiện điều tra; Đánh giá chất lượng của số liệu điều tra; Đánh giá việc tuân thủ phương án điều tra.

2.2.3. Quản lý tính kịp thời.Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp sau: Phân loại số liệu và xác định thời điểm công bố đối với từng loại số liệu; Rà soát và hoàn thiện chính sách phổ biến thông tin đối với từng chỉ tiêu thống kê; Thông báo trước kế hoạch, trong đó nêu rõ thời điểm công bố các loại số liệu; Xây dựng kế hoạch, xác định thời gian hoàn thành và xây dựng chương trình giám sát việc thực hiện kế hoạch cho từng hoạt động thống kê của từng lĩnh vực hoạt động cụ thể; Nghiên cứu và tiến tới áp dụng hoàn thiện công nghệ thông tin vào mọi khâu và mọi quá trình hoạt động thống kê để nâng cao năng lực, giảm thời gian xử lý và truyền đưa thông tin.

ThS. Nguyễn Thị Tiến