0236.3650403 (128)

NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ TIẾP THỊ SẢN PHẨM TRONG DỰ ÁN ĐẦU TƯ


1. Chính sách sản phẩm:

Tùy thuộc vào tình hình cạnh tranh trên thị trường mà các nhà quản lý dự án đưa ra những quyết định khác nhau về chiến lược sản phẩm. Dưới dây là một vài chiến lược sản phẩm thông dụng:

- Chiến lược sản xuất sản phẩm hiện có trên thị trường hiện có

- Chiến lược sản phẩm hiện có trên thị trường mới

- Chiến lược sản phẩm cải tiến trên thị trường hiện có

- Chiến lược sản phẩm cải tiến trên thị trường mới

- Chiến lược sản phẩm mới trên thị trường hiện có

- Chiến lược sản phẩm mới trên thị trường mới

Để có thể áp dụng các chiến lược sản phẩm hữu hiệu trên thị trường, các nhà soạn thảo dự án cần nghiên cứu kỹ các vấn đề sau đây:

- Nghiên cứu chu kỳ sống của sản phẩm nhằm giúp cho các nhà đầu tư xác định đúng thời điểm thảm nhập thị trường, lựa chọn quyết định chiến lược sản phẩm phù hợp, chủ động đưa ra các biện pháp để kéo dài thời gian khai thác lãi của sản phẩm, đưa ra các chính sách giá hợp lý cho từng giai đoạn kinh doanh.

- Phân tích khả năng thích ứng của sản phẩm trên thị trường. Việc đánh giá này bao gồm các công việc cụ thể sau đây: Phân tích ưu nhược điểm của sản phẩm để đề ra những giải pháp tích cực nhằm làm cho sản phẩm ngày càng thích ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường; Phát hiện những cơ hội tiêu thụ sản phẩm để nhanh chóng triển khai nắm bắt lấy các cơ hội đó,…

- Nghiên cứu các yếu tố tạo uy tín cho sản phẩm: Nhân tố cơ bản để tạo nên uy tín của sản phẩm là bản thân chất lượng của sản phẩm đó. Tuy nhiên một sản phẩm dù tốt nhưng bao bì, nhãn hiệu kém hấp dẫn, quảng cáo tuyên truyền không đồng bộ cũng có thể làm cho uy tín của sản phẩm không được nâng cao.

2.Chính sách giá

Tùy thuộc vào việc đánh giá tình hình cạnh tranh trên thị trường ở phần nghiên cứu trên mà người soạn thảo dự án sẽ quyết định đưa ra một chính sách giá phù hợp cho từng giai đoạn kinh doanh và cho từng thị trường mà sản phẩm của dự án dự định thâm nhập. Để xác định chính xác giá thích hợp, người nghiên cứu dự án cần phải chú ý đến các điểm cơ bản sau đây:

- Giá phải đảm bảo cho người sản xuất bù đắp được chi phí và có lợi nhuận thỏa đáng.

- Giá bình thường: Giá là đại lượng tỷ lệ nghịch với khối lượng sản phẩm tiêu thụ, giá giảm thì khối lượng bán tăng lên và ngược lại. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm có nhu cầu ít co giãn theo giá thì sự giảm giá không làm thay đổi đáng kể về khối lượng bán ra.

- Giá rẻ mang lại sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, tuy nhiên nhiều khi do yếu tố tâm lý nên giá rẻ chưa hẳn là sẽ có nhiều người mua mà có khi lại ngược lại vì họ nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm.

3. Chính sách phân phối và tiêu thụ sản phẩm

Để tăng cường sức mua của sản phẩm của dự án thì khi soạn thảo dự án cần phải có kế hoạch sử dụng đồng thời cả hai phương thức bán hàng đó là: Bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng và bán hàng qua trung gian.

Để giải quyết vấn đề phân phối sản phẩm, người lập dự án cần phải trả lời được các câu hỏi sau đây:

- Dự kiến chi phí cho các bộ phận phụ trách bán hàng, bộ phận quảng cáo, công tác tiếp thị khuyến mãi là bao nhiều?

- Đã có sẵn hệ thống phân phối sản phẩm hay chưa? Nên cải tiến, thiết lập hệ thống phân phối như thế nào?

- Sản phẩm sẽ phân phối cho ai, bán hàng qua hệ thống phân phối nào?

- Các biện pháp để đảm bảo phân phối hàng hóa đều đặn được sử dụng như thế nào?

- Có cần phải dự trữ tồn kho hay không, và số lượng dự trữ là bao nhiều?

- Phương thức thanh toán chủ đạo sẽ là phương thức nào?

- Vận chuyển, giao nhận và tồn trữ ra sao?

- Tổn thất, mất mát, hư hỏng trong quá trình tiêu thụ là bao nhiều, có biện pháp nào để hạn chế hay không?

4. Chính sách khuyến mãi

- Tổ chức tiếp thị: Thực chất của công việc này là người soạn thảo dự án phải chủ động lên kế hoạch chào hàng, quảng cáo, khếch trương để hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm khi dự án đi vào hoạt động.

- Hoạch định việc tổ chức hoạt động dịch vụ sau khi bán hàng: Đây là một trong những hoạt động nhằm tạo uy tín và nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm của đơn vị trên thị trường. Các hoạt động này rất phong phú như vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, thực hiện việc bảo hành sản phẩm, mở ra các điểm sửa chữa miễn phí và bán phụ tùng thay thế, hướng dẫn cho khách hàng cách sử dụng sản phẩm và sửa chữa khắc phục những hỏng hóc thông thường,…

Tóm lại, để nâng cao tính khả thi của dự án đầu tư, trong quá trình soạn thảo dự án người soạn thảo phải chủ động phác thảo các kế hoạch và các chính sách, chương trình cụ thể về hoạt động Marketing nhằm đảm bảo cho việc thảm nhập và cạnh tranh thắng lợi của sản phẩm mà dự án dự định sản xuất trên thị trường trong tương lai.

ThS Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD