0236.3650403 (128)

Ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản


1. Sử dụng từ ngữ

1.1. Lựa chọn và sử dụng từ đúng ngữ nghĩa.

ØCần dùng từ đúng nghĩa từ vựng sao cho từ phải biểu hiện được chính xác nội dung cần thể hiện

Ví dụ:

"Nhà nước khuyến mại và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và khai khẩn hợp lý thành phần môi trường"

"Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng và khai thác hợp lý thành phần môi trường"

ØKhông dùng từ làm phát sinh cách hiểu đa nghĩa

Ví dụ:

"Phải xử phạt đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những quy định về đăng ký hộ khẩu khi thay đổi nơi ănở"

"Phải xử phạt đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những quy định về đăng ký hộ khẩu khi thay đổi nơi cư trú".

ØSử dụng từ đúng nghĩa ngữ pháp

ØĐặt từ vào đúng vị trí ngữ pháp của từ đó trong quan hệ với những từ khác trong câu.

Chẳng hạn, danh từ có thể đứng sau những từ chỉ loại như cái, con;  sau số từ như một, hai, ba; hoặc có thể đứng trước những từ để chỉ như này, ấy, đó... Cần lưu ý không sử dụng nhầm lẫn vị trí của các từ loại khác nhau.

1.2. Sử dụng từ đúng văn phong hành chính-công vụ.

ØSử dụng từ ngữ phoå thông, trung tính thuộc văn viết, không dùng từ thuộc phong cách khẩu ngữ.

ØTránh sử dụng từ cổ, thận trọng trong dùng từ mới.

ØKhông dùng từ ngữ địa phương, chỉ dùng những từ ngữ địa phương chỉ những sự vật, hiện tượng mà chỉ địa phương đó mới có hoặc những từ ngữ có nguồn gốc địa phương đã trở thành từ ngữ phổ thông.

ØKhông dùng tiếng lóng, từ thông tục (vì chúng làm mất đi tính trang trọng, uy nghi và nghiêm túc của văn bản).

ØSử dụng đúng và hợp lý các thuật ngữ chuyên ngành: Đó là những thuật ngữ chỉ tên gọi các tổ chức bộ máy nhà nước, chức vụ, lĩnh vực hoạt động hành chính như: bộ, sở, ban, vụ, cục, phòng; chủ tịch, thủ trưởng, bộ trưởng, trưởng ban; các thuật ngữ pháp lý như: nguyên đơn, bị đơn, quy phạm, lập pháp, lập quy...

ØSử dụng hợp lý và chính xác các từ Hán-Việt và các từ gốc nước ngoài khác.

1.3. Sử dụng từ đúng chính tả tiếng Việt.

Văn bản quản lý nhà nước còn phải được viết đúng chính tả tiếng Việt. Chính tả là một vấn đề có tính chất phổ quát đối với mọi thứ chữ viết ghi âm hiện nay trên thế giới. Với tiếng Việt, chính tả về cơ bản đã thống nhất trên toàn quốc từ rất lâu. Giọng nói ba miền Bắc, Trung, Nam tuy có khác nhau về âm sắc nhưng đều hướng tới một chính tả chung. Thực tế cho thấy lỗi chính tả thường gặp trong tiếng Việt khá đa dạng, phản ánh bức tranh phương ngữ đa dạng của tiếng Việt và bao gồm các lỗi về thanh điệu (kỹ thuật/kỷ thuật; truy nã/truy nả; công quỹ/công quỷ), về vần (nhất trí/nhứt trí; nguyên tắc/nguyêntắt; nhân dân/nhâng dâng; triệu tập/trịu tập), về phụ âm đầu (xét xử/xét sử; quản lý/quản ný; tranh giành/chanh dành; xử sự/sử xự), về phân bố các ký hiệu cùng biểu thị một âm (quốc gia/cuốc gia; chuyên ngành/chuyên nghành; hoa quả/hua quả), và về viết hoa.

Riêng về viết hoa có thể thấy hiện nay còn có quá nhiều bất cập, đặc biệt là khi viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, các chức danh, khi muốn bày tỏ lòng tôn kính. Việc viết hoa tràn lan như hiện nay không những chỉ thể hiện những khiếm khuyết mang tính ngôn ngữ của những quy tắc chính tả, mà trên phương diện nào đó làm giảm một phần đáng kể tính uy nghi của văn bản như một công cụ quan trọng biểu hiện quyền lực nhà nước. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, song khẩn trương để sớm có được những quy định chặt chẽ trong lĩnh vực này. Để phần nào giải quyết vấn đề này, ngày  22-01- 1998 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ra Quyết định  số 09/1998/QĐ-VPCP ban hành kèm theo Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Theo bản Quy định nêu trên việc viết hoa trong văn bản cần phải đảm bảo đúng với ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông, theo cách viết thông dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đang được đa số các cơ quan và các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt chấp nhận, giảm tối đa các chữ viết hoa và tạo thuận lợi cho cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản.

1.4. Dùng từ đúng quan hệ kết hợp.

Để tạo nên câu và các đơn vị trên câu các từ được sử dụng luôn luôn quan hệ với nhau về ngữ nghĩa và ngữ pháp với các từ đi trước và đi sau nó.

Một trong những biểu hiện của việc dùng từ không đúng quan hệ kết hợp là dùng lặp từ, thừa từ và "bệnh" dùng từ sáo rỗng.