0236.3650403 (128)

Những kết quả đạt được từ chính sách tiền tệ ở Việt Nam trong 2 năm gần đây


Giảm lãi suất

Từ năm 2011 đến nay, thành công nổi bật nhất của chính sách tiền tệ là chính sách lãi suất. Bắt đầu từ năm 2011 đến nửa đầu năm 2012, chính sách tiền tệ điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất.

Cho đến thời điểm hiện nay, khi dự báo lạm phát cho cả năm 2013 là khoảng 7% thì cùng lúc, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra được trần lãi suất huy động về mức 7%. Đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô.

Về mặt bằng chung hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên có từ 7% - 9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9 - 11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5% - 13%/năm (trung hạn và dài hạn); những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm.

Lãi suất huy động trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến từ 6% - 8,5%/năm.

Giảm dần việc nắm giữ ngoại tệ

Chính  sách lớn thứ hai mà Ngân hàng Nhà nước làm được trong thời gian qua là chính sách tỷ giá hối đoái. Trong hơn 2 năm qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp, hợp lý đều được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, từ quý IV/2011, để kiểm soát kỳ vọng, góp phần ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đưa ra các cam kết về việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá trong từng thời kỳ với mức biến động trong khoảng 1% giai đoạn cuối năm 2011 và 2-3%/năm cho các năm 2012 và 2013.

Tại những thời điểm cung cầu ngoại tệ trên thị trường căng thẳng cục bộ, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, phối hợp với việc điều hành lãi suất và thanh khoản VNDngắn hạn nhằm nhanh chóng ổn định thị trường.

Các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND được điều chỉnh giảm phù hợp với diễn biến lạm phát nhưng vẫn đảm bảo chênh lệch lợi tức hợp lý thiên về nắm giữ VND thay vì ngoại tệ. Xu hướng dịch chuyển tiền gửi ngoại tệ sang tiền gửi tiền đồng tiếp tục được duy trì góp phần giảm cầu găm giữ ngoại tệ. Nhờ vậy, trong năm 2012 và 9 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện rõ nét.

Tái cơ cấu ngân hàng

Trong hai năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động và liên tục thực hiện các giải pháp xác định trong Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và đã đạt được một số kết quả.

Các ngân hàng này đã và đang được tái cơ cấu một cách toàn diện theo nguyên tắc tự nguyện dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Nhờ đó, tình hình hoạt động ổn định và có chiều hướng được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, quá trình đó vẫn còn một số vướng mắc, phức tạp nhưng dù sao cũng đã đi đúng hướng và gắn bó chặt chẽ với chương trình xử lý nợ xấu. Quy mô nợ xấu đã giảm mạnh từ mức 8-10% tổng dư nợ tín dụng trong năm 2012 xuống còn dưới 5% trong báo cáo gần đây nhất chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước đa tiến một bước rất dài trong quá trình xử lý nợ xấu.

 

 

CH Huỳnh Lê Bảo Như