0236.3650403 (128)

NỘI DUNG CỦA CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ VIỆT NAM THỜI HẬU COVID 19


Đỗ Văn Tính

Dưới góc độ chính sách kinh tế vĩ mô, nhiều nhà kinh tế cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra cần sử dụng công cụ chính là chính sách tài khóa còn chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Các nhà phân tích chính sách ở hầu hết quốc gia đều thống nhất về sự cần thiết của việc sử dụng ngân sách để cứu trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Trước tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến khả quan, việc nới lỏng giãn cách xã hội tiến tới khôi phục dần các hoạt động là chìa khóa để khởi động lại guồng quay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đồng thời là thời điểm để đất nước tiến vào giai đoạn mới trong việc thực hiện nhiệm vụ kép về phục hồi, phát triển kinh tế và tiếp tục chống dịch. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách tài khóa được cho là “tổng lực” để khôi phục nền kinh tế sau đại dịch.

Việt Nam đã đưa ra gói kích thích tài khóa gồm giảm thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 ngàn tỷ đồng, chi tiền mặt cho an sinh xã hội lên đến 62.000 tỷ đồng, giảm giá điện với tổng trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng. Tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam tương đương 4,3% GDP và xấp xỉ các nền kinh tế mới nổi khác cũng như các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính, ngày 26-3-2020, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Ngày 1-4-2020, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định và các Bộ, ngành, địa phương đã có ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, ngày 3-4-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký công văn số 3915/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định.

So với dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ tại Tờ trình 47/TTr-BTC ngày 26/3, Sau khi tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính trình Chính phủ bổ sung các ngành, lĩnh vực vào đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất. Dự kiến với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 47/TTr-BTC).

Các chính sách về thuế, phí

Nhóm chính sách tài khóa ở trên của Chính phủ Việt Nam được cho là “Phao cứu sinh” cho cộng đồng doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19.Các chính sách tài khóa tập trung vào mục tiêu làm đòn bẩy thúc đẩy, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những thách thức, tiếp cận các cơ hội để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất

Nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19. Việc liên tục điều chỉnh mở rộng quy mô, đối tượng hỗ trợ được cơ quan soạn thảo căn cứ trên những đánh giá thực tế về tình hình, tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế tại từng thời điểm, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, các Bộ, ban, ngành có liên quan đã bắt tay vào thực hiện, triển khai tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế được thực hiện gia hạn thuế, tiền thuê đất.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nhất bởi những biến động của nền kinh tế. Các nước trên thế giới luôn coi những chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đắc lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua những biến động của nền kinh tế. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm đến hơn 90% tổng số doanh nghiệp, vì vậy, nhu cầu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là vô cùng lớn và cấp bách trong bối cảnh hiện tại.

Đứng trước tình hình đó, Chính phủ đã có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dự kiến sẽ được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2020 năm nay, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó. Cụ thể, dự thảo Nghị quyết dự kiến sẽ áp dụng thuế suất 15% đối với DN siêu nhỏ; thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ; miễn thuế TNDN 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Với việc miễn giảm thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ như nội dung dự thảo, sẽ có khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi. Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỉ đồng.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, nhất là đối tượng cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Bộ Chính trị về việc cho phép tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn từ ngày 01/01/2021 đến 31/12/2025. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực, giảm bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống trong thời gian tới, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh toàn cầu gây ra. Uớc tính khoảng 7.500 tỷ đồng/năm là số tiền mà tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp sẽ được hưởng lợi trong trường hợp Dự án Nghị quyết này được thông qua. Đây là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp để mở rộng đầu tư, quy mô sản xuất và nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.

Giảm nghĩa vụ thuếTNCN:

Tại Tờ trình Chính phủ số 59/TTr-BTC ngày 3/4/2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức GTGC của thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, Nghị quyết điều chỉnh tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 09 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng.

Với đề xuất này sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi (trong đó có khoảng 1 triệu người đang thuộc diện phải nộp thuế sẽ không phát sinh số thuế TNCN phải nộp), tương ứng với số thu thuế TNCN sẽ giảm khoảng 10.300 tỷ đồng mỗi năm. Việc điều chỉnh mức GTGC được đánh giá là chính sách hợp lý và thiết thực trong việc động viên, góp phần nâng cao đời sống của người nộp thuế; tạo đòn bẩy thúc đẩy, khuyến khích mọi cá nhân ra sức lao động, sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập, đồng thời, kích cầu chi tiêu gia đình, tăng tiêu dùng xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch NCOVID-19 đang có những tác động bất lợi đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Về thuế xuất nhập khẩu

Để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh, ngày 07/02/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-BTC về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra gồm các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang (vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun,…), nước sát trùng, bộ trang phục phòng chống dịch.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian qua, các chính sách miễn giảm thuế cho hoạt động xuất nhập khẩu đã tiếp tục được nghiên cứu xây dựng sau khi liên tục lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, hai Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đang được báo cáo với Chính phủ đề xuất miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để gia công,sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Quy định này nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện Quyết định số 155/QĐ-BTC nêu trên và một số giải pháp về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu khác đang được nghiên cứu sửa đổi sẽ làm giảm thu Ngân sách Nhà nước trước mắt trên 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên sẽ có tác động tích cực đến việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Những chính sách đã và đang xây dựng thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong sự nỗ lực khắc phục những hậu quả do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu. Như Thủ tướng đã nhấn mạnh đây không phải là dịp "than nghèo kể khổ", mà cần phát huy tinh thần yêu nước, khắc phục khó khăn đưa đất nước đi lên. Những chính sách trên về ngắn hạn có thể gây nên giảm thu ngân sách nhưng về dài hạn khi doanh nghiệp có cơ hội, điều kiện phát triển thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

Tạm dừng đóng BHXH

Theo Công văn 1511/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

- Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

Xem chi tiết nội dung tại Công văn 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04/5/2020.

Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn

Theo Công văn 245/TLĐ ngày 18/3/2020 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020.Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là những doanh nghiệp có số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trở lên.Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến ngày 31/12/2020.

Các phân tích và giải pháp

Ngày 20-5, Đại học Kinh tế - Luật cùng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19”. Tại Hội thảo, TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng dịch Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế thế giới và việc xử lý khủng hoảng lần này sẽ không giống như những lần trước, bởi phải cân đối giữa bảo vệ sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chính sách cũng sẽ thay đổi, không chỉ hỗ trợ ngắn hạn mà phải tính trung hạn, dài hạn.

Dù Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa để hỗ trợ kinh tế với quy mô gói hỗ trợ tương đương 4,3% GDP nhưng theo TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, gói kích thích hiện nay của Việt Nam có tác động giới hạn đối với doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Các chínhsách này chỉ làm giảm hoặc ngăn dòng tiền ra của doanh nghiệp chứ chưa có chính sách hỗ trợ làm tăng dòng tiền vào cho doanh nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thừa nhận: “doanh nghiệp lỗ thì đâu có nộp thuế, như vậy chính sách giảm, giãn thuế không có tác dụng trực tiếp tới doanh nghiệp khó khăn”. Do vậy, theo NHNN, chính sách tạo dòng tiền vào cho doanh nghiệp quan trọng và mang lại hiệu quả tốt hơn. Nói cách khác, phải bơm tiền thật cho doanh nghiệp mới tạo nhiên liệu kích hoạt cỗ máy kinh doanh tái khởi động.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, cần tổng hòa các giải pháp, xây dựng những chính sách mới, không thể áp dụng các chính sách như những lần khủng hoảng kinh tế trước đây. Theo đó, cần tăng chi tiêu, kích tiêu dùng và đầu tư; thực hiện chính sách tài khóa ngắn hạn cho hạch toán chi phí lương để doanh nghiệp không sa thải người lao động…

Gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 42) và Quyết định 15, đến nay các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tại các địa phương.

Gói hỗ trợ trên còn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Bên cạnh hầu hết các địa phương đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo, hiệnnay, một số địa phương triển khai còn chậm. Việc hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết 42 và Quyết định 15 chưa được quan tâm đúng mức. Số người được hỗ trợ chưa nhiều. Số hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động được phê duyệt còn ít. Đặc biệt, hồ sơ đề nghị vay vốn để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động.Để bảo đảm hoàn thành việc thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 trong cả nước theo đúng tiến độ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

- Trước hết, tập trung cao độ triển khai để cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng trong chính sách. Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định, nhất là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động.

Chính sách là vậy, nhưng thực tế có nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến các cơ quan chức năng đang phải rốt ráo điều chỉnh. Đồng thời, tính minh bạch, đúng người, đúng đối tượng đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.

Tính đến đầu tháng 6-2020, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã thực hiện giải ngân 10.500,698 tỷ đồng hỗ trợ cho10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh, gồm: các đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người lao động mất việc làm…

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, cho đến nay mới chỉ có 418 người thuộc nhóm đối tượng lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm được hưởng gói hỗ trợ này. Trong khi đó, theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, có tới 57,3% số người giảm thu nhập do bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc trên tổng số người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, tức khoảng gần 8 triệu người lao động, phần lớn người lao động này thuộc các khu công nghiệp, doanh nghiệp thuộc các ngành như hàng không, giao thông đường bộ, đường sắt, du lịch… trên cả nước. Vậy, tình trạng lao động gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ là do rào cản thủ tục hay điều kiện của chính sách hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế?

Phân tích và giải pháp

Qua thực tế trên, chúng ta thấy rằng để gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng đem lại hiệu quả thiết thực thì cần phải rà soát và nới lỏng điều kiện. Sau những phản hồi được ghi nhận, Bộ LĐ-TB&XH cần rà soát bổ sung một số điều trong Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để gắn quy định sát hơn với thực tế “mất việc” của người lao động làm theo chế độ hợp đồng lao động nghỉ việc không lương do dịch bệnh. Cụ thể, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động cần được nới rộng, được tính từ ngày 23-1 đến hết 30-6 thay vì ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 theo quy định cũ.

Dù đã sửa đổi nới rộng hơn thời gian mất việc thì số lao động gặp khó khăn vẫn rất khó tiếp cận gói hỗ trợ này. Lý giải về điều này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch Covid-19, cho nên các hoạt động kinh tế, xã hội nhanh chóng được phục hồi. Hơn nữa, khi xây dựng các chính sách hỗ trợ thì tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng khác nhiều so với hiện tại.

Trước đó, các Doanh Nghiệp cũng đã có những giải pháp thiết thực nhằm gắn bó với người lao động bằng cách giãn ca, làm việc bán thời gian, trả lương tối thiểu cho người lao động… Vì thế, hiện nhiều DN đã khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều người lao động đã được bố trí làm việc gần như cũ (như hàng không, may mặc...).

Không những vậy, một số chính sách hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh như chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc... đã có những tác động tích cực tới việc giải quyết khó khăn cho người lao động. Cũng cần thấy rằng, không phải người lao động nào giảm thu nhập đều được hỗ trợ, vì mục tiêu của chính sách là chỉ hỗ trợ cho người lao động đã cố gắng nhưng vẫn bị giảm sâu thu nhập không thể bảo đảm mức sống tối thiểu. Với những đối tượng như thế, rất cần sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn trong khâu rà soát, đề nghị. Do vậy, các tổ chức chính quyền và xã hội cần phải sát sao “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để làm hồ sơ hỗ trợ cho người lao động. Cùng đó, cần có những giải pháp thiết thực hỗ trợ người lao động thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nới lỏng điều kiện cho vay để doanh nghiệp vay gói hỗ trợ trả lương cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại nghề cho người lao động. Đây là hướng tích cực, mang tính ổn định lâu dài.

Bài viết được tổng hợp từ:

1.              http://consosukien.vn/

2.              https://vietnamnet.vn/

3.              https://bnews.vn/

4.              https://baoquocte.vn/

5.              https://cafebiz.vn/

6.              https://hoanhap.vn/

7.              https://www.worldbank.org/

8.              http://baochinhphu.vn/

9.              https://timviec365.vn/

 

Files đính kèm