0236.3650403 (128)

PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO Ở KHU VỰC TÂY NGUYÊN


Ths. NGUYỄN ĐĂNG TUYỀN

Ngày nay, du lịch được xem như một công cụ xoá đói giảm nghèo nhanh ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển. Điều này thể hiện rõ thông qua sự đóng góp của ngành du lịch vào công cuộc phát triển kinh tế điểm đến như tăng ngoại tệ, tăng thu nhập từ thuế, thu hút vốn đầu tư, giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân bản địa… và đồng thời phát huy các giá trị văn hoá, truyền thống, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên…

Tây nguyên là một vùng đất có điều kiện về tài nguyên tự nhiên rất phong phú, độc đáo và giàu giá trị văn hoá, truyền thống các dân tộc thiểu số tạo nên tuyêna du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Tây nguyên là nơi tập trung nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nhất cả nước. Với 2 loại rừng đặc trưng, một là loại rừng khộp Đông Nam Á (tập trung ở Esup, Buôn Đôn). Hệ sinh thái rừng khộp ở Việt Nam còn giữ được 40 loài trong tổng số 51 loại động vật quí hiếm có nguy cơ bị diệt chủng và 10 loại đặc hữu của Đông Dương. Hai là, rừng đặc hữu núi cao ở Ngọc linh (Kon tum), Bi Doup Núi Bà (Lâm Đồng) với hơn 300 loài thực vật và hơn 400 loài động vật, trong đó có nhiều loài quí hiếm. Cùng với hệ rừng đặc trưng, Tây nguyên còn là nơi bắt đầu của các dòng sông, con thác hùng vĩ như thác Drây Sáp (thác Khói), Gia Long (Đắc Nông), Pongour, Gô Ga, Đam Bri (Lâm Đồng), Biển Hồ, hồ Yaly (Gia Lai), hồ Lắc (Đắc Lắc).

Tây Nguyên có một kho tàng văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc bản địa mà ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á (cùng ngữ hệ Mã Lai đa đảo) cũng không thể sánh bằng. Các dân tộc thiểu số tại chỗ như Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, MNông, K’Ho, Mạ đều còn lưu giữ được những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc mình để làm nên một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Mặc dù tài nguyên du lịch phong phú, nhưng du lịch Tây nguyên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. Lượng khách du lịch đến Tây nguyên tăng gấp 2 lần, từ năm 1999 đạt 748 nghìn lượt đến năm 2006 đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, chiếm khoảng 8,2% tổng lượng khách cả nước. Đóng góp của du lịch vào kinh tế xã hội ở Tây Nguyên còn thấp, hơn hết các dân tộc thiểu số chưa có sự tham gia nhiều trong hoạt động du lịch cũng như chưa hưởng được lợi ích kinh tế từ ngành “công nghiệp không khói”.

Những đóng góp của du lịch trong công tác xoá đói giảm nghèo tại Tây Nguyên

Phần lớn người dân bản địa sinh sống dựa vào trồng cây nông nghiệp (lúa nước, lúa cạn, sắn) và cây công nghiệp (càfe, điều, cao su) và chăn nuôi. Một số ít bộ phận người dân bản địa đã tham gia vào các hoạt động du lịch như cưỡi voi đưa khách đi dạo rừng (Buôn Đôn), dệt sản phẩm thổ cẩm và làm quà lựu niệm, chèo thuyền đưa khách ngắm cảnh trên sông, một số người dân tham gia biểu diễn các buổi lễ hội cồng chiêng do các công ty lữ hành yêu cầu (Kon Tum), nhưng hoạt động này không thường xuyên,… Tỷ lệ người dân bản địa tham gia còn khá ít ỏi và thu nhập mang lại chưa cao, chưa có tính ổn định.

Với mục đích xóa đói giảm nghèo ở Tây nguyên thông qua phát triển du lịch cộng đồng yêu cầu phải phát triển du lịch bền vững. Gắn kết người dân với hoạt động du lịch vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập vừa gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc bản địa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên góp phần cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống

Một số ý kiến đóng góp phát triển du lịch bền vững, xóa đói giảm nghèo ở Tây nguyên.

Phát triển du lịch Tây Nguyên theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân bản địa về du lịch và lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại bằng các đợt tuyên truyền đến tận bản làng. Làm cho người dân hiểu về du lịch một cách đơn giản tự nhiên, hiểu được lợi ích du lịch tác động đến cuộc sống của họ và có những hành động tích cực đóng góp phát triển du lịch địa phương như bảo tồn vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các lễ hội, tập tục truyền thống của người dân bản địa.

Xây dựng chiến lược phát triển các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đúc cồng chiêng… Đầu tư xây dựng các khu làng nghề, hướng dẫn người dân sản xuất các đồ lưu niệm đa dạng mẫu mã và giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con thông qua hệ thống các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Đồng thời tạo thêm điểm thăm quan làng nghề thu hút khách du lịch

Mở các lớp đào tạo lao động nghề du lịch vừa giải quyết lao động tại chỗ vừa tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Đa phần trình độ học vấn của các dân tộc thiểu số thấp, các khu du lịch sinh thái lại nằm ở khu vực vùng sâu nơi có nhiều dân tộc bản địa sinh sống. Mở lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm, sử dụng người bản địa làm hướng dẫn viên sẽ tốt hơn vì họ am hiểu hơn về văn hoá, địa lý địa phương đặc biệt là hướng dẫn viên tại các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Mở các lớp bồi dưỡng về giao tiếp, ứng xử với khách du lịch… để họ có thể tham gia các nhiều vị trí trong khu du lịch như bảo vệ, bán vé, nhân viên bán hàng,….

Khuyến khích các công ty lữ hành trên địa bàn Tây nguyên (Kon Tum, Đắc Đắc, Gia Lai…) hợp tác liên kết với các bản làng các dân tộc thiểu số tham gia vào sản phẩm du lịch tổ chức phục vụ khách du lịch chẳng hạn tham gia tổ chức lửa trại văn hoá cồng chiêng Tây nguyên, lễ hội, tập tục truyền thống, vận chuyển khách bằng voi, thuyền… Sự hợp tác này vừa tạo sự hấp dẫn cho sản phẩm du lịch mang lại lợi nhuận cho công ty lữ hành vừa tạo được thu nhập ổn cho người dân bản địa. Có như vậy người dân mới đóng vai trò tích cực trong hoạt động du lịch.

Tóm lại, văn hoá bản địa ở Tây Nguyên ảnh hưởng lớn đến tính độc đáo, hấp dẫn của sản phẩm du lịch và người dân địa phương là một yếu tố không thể tách rời trong đó. Để phát triển du lịch cộng đồng xóa đói giảm nghèo ở Tây nguyên đòi hỏi cần có sự nhận thức, quan tâm của các cấp chính quyền trong việc đầu tư, xây dựng chính sách , đào tạo, tạo điều kiện phát triển du lịch. Sự hợp tác của các đơn vị du lịch với người dân địa phương trong thực hiện sản phẩm du lịch. Trong thời gian đến, Tây nguyên sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của mình và thực hiện được công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch.