0236.3650403 (128)

Phát triển ngành công nghiệp du lịch thành phố Đà Nẵng


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

Thành phố Đà Nẵng trải dài từ 15°15' đến 16°40' Bắc và từ 107°17' đến 108°20' Đông. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía tây và nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp biển Đông. Trung tâm thành phố cách thủ đô Hà Nội764km về phía Bắc, cách Thành phố Hồ Chí Minh964km về phía Nam, cách kinh đô thời cận đại của Việt Nam là thành phố Huế108 km về hướng Tây Bắc.

Nằm ở trung độ của đất nước, Đà Nẵng là thành phố cảng biển lớn nhất miền Trung và là một trong năm thành phố lớn nhất cả nước. Đà Nẵng nằm trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt và đường hàng không, là trung tâm của ba di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, Đà Nẵng được định hướng là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy cho Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, bao gồm 5 tỉnh và thành phố.

Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là cửa ngõ ra Thái Bình Dương và nằm trên Tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đi qua 13 tỉnh và thành phố của 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam). Việc nằm trên tuyến giao thông này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Đà Nẵng hợp tác, tiếp cận các vùng nguyên liệu, thị trường, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và xuất khẩu, tăng cường giao lưu văn hóa và nâng cao mức sống cho người dân.

Điều kiện khí hậu của Đà Nẵng tương đối thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động. Mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đôngnhưng không đậm và không kéo dài.Lượng mưa trung bình hàng năm là 2.504,57 mm.

Toàn thành phố có diện tích 1.255,53 km² (trong đó phần đất liền là 950,53 km²; phần huyện đảo Hoàng Sa là 305 km²). Đà Nẵng hiện tại có tất cả là 6 quận, và 2 huyện là Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Đà Nẵng có một bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp như Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Quanh khu vực bán đảo Sơn Trà có những bãi san hô lớn, thuận lợi trong việc phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ, du lịch biển. Ngoài ra vùng biển Đà Nẵng đang được tiến hành thăm dò dầu khí, chất đốt…

Tính đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân hàng năm của Đà Nẵng đạt 22%. Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt 25% (tăng 7% so với kế hoạch). Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt đến 3.097 tỷ đồng.

Việc các đường bay quốc tế và các đường bay thuê chuyến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Đức, Úc, Mỹ,… đến Đà Nẵng ngày càng được mở rộng khiến lượng khách du lịch từ các thị trường này tăng dần. Bên cạnh đó, khách nội địa từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc cũng gia tăng mạnh mẽ và có xu hướng kéo dài thời gian lưu trú.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các công trình công cộng để phục vụ dân sinh và phát triển du lịch; đẩy mạnh các dự án đầu tư du lịch; mở rộng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; xây dựng hàng loạt sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch; triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với chương trình giới thiệu “Ba địa phương – một điểm đến”.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các dự án đầu tư về du lịch - dịch vụ đăng ký nhiều nhưng triển khai chậm; du lịch đường sông chậm phát triển; chưa có đội tàu du lịch, bến tàu phục vụ du lịch đường sông; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; trình độ ngoại ngữ nguồn nhân lực tại các cơ sở phục vụ du lịch còn hạn chế.

Giải pháp phát triển

Tăng cường năng lực quản lý của Sở văn hóa thể thao và du lịch Đà Nẵng; phát huy mạnh hơn nữa vai trò tổ chức thực hiện xúc tiến du lịch của Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng; phát huy vai trò của Ban chỉ đạo du lịch, củng cố nhân sự của hiệp hội du lịch với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phối hợp liên ngành; thực hiện quản lý quy hoạch tổng thể phát triển du lịch gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển và hội nhập quốc tế.

Khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố như: Sơn Trà, Hải Vân, Làng Vân và một số loại hình du lịch làng quê, làng nghề truyền thống…; xây dựng cơ chế hợp tác giữa khu vực công và tư nhân; xây dựng chính sách và đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc biệt là giải trí về đêm; xây dựng khu ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí lớn; xây dựng chính sách hỗ trợ xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước, cơ chế tham gia xã hội hóa trong quảng bá xúc tiến và đào tạo du lịch; xây dựng cơ chế khuyến khích chất lượng, hiệu quả du lịch thông qua đánh giá, xếp hạng, bình chọn và tôn vinh đối với các doanh nghiệp và địa danh; phổ biến Luật Bảo vệ môi trường, Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Kiểm tra thường xuyên và đánh giá số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; huy động đa dạng các nguồn kinh phí (ngân sách trung ương, địa phương, tài trợ trong và ngoài nước) cho công tác đào tạo; đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức và cử cán bộ chuyên viên tham gia các khóa học về du lịch ở trong và ngoài nước; Sở VHTTDL chủ trì phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề du lịch để tổ chức các chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ nhà nước và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp du lịch; liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ngoài trong việc trao đổi, tập huấn công tác làm du lịch.

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền quảng bá; tăng cường năng lực của các tổ chức nghiên cứu và phát triển về du lịch; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao vị thế du lịch Đà Nẵng trên trường quốc tế; xây dựng website về nguồn nhân lực du lịch để cung cấp những thông tin lao động trong ngành.