0236.3650403 (128)

PHƯƠNG PHÁP DỰ BÁO TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI


1.Phương pháp chuỗi thời gian

Phương pháp này dự báo giá trị của biến cần dự báo vào thời điểm hiện tại dựa trên cơ sở các giá trị của nó trong quá khứ cộng với một phần sai số (phần sai số này biến động ngẫu nhiên).

Phương pháp này dựa trên cơ sở là giá cả đã bao hàm tất cả các thông tin có liên quan và do đó nó không quan tâm đến giá trị quá khứ. Điều này hình thành đặc tính là tỷ giá biến động ngẫu nhiên, tức là hành vi thay đổi trong tương lai hoàn toàn độc lập với hành vi trong quá khứ.

Hướng nghiên cứu này được sự hỗ trợ của lý thuyết toán về xác suất, kinh tế lượng và lý thuyết hỗn loạn. Phương pháp này đòi hỏi nhà phân tích phải giải toán và có thể vận dụng công cụ tin học trong phân tích dữ liệu kinh tế lượng. Kết hợp giữa lý thuyết về biến động ngẫu nhiên và các mô hình chuỗi thời gian, căn cứ vào độ ổn định của biến, độ nhiễu, tính tự tương quan …, các nhà nghiên cứu thường sử dụng 3 mô hình tương ứng là ARIMA, ARCH, và GARCH. Ngoài ra còn nhiều mô hình tự tương quan phi tuyến khác như STAR cũng được đề xuất trong những năm gần đây. Đặc điểm các mô hình này là có tính dự báo cao trong ngắn và trung hạn.

2.     Dùng mô hình kinh tế lượng

Tỷ giá hối đoái được xem như một biến phụ thuộc có thể được giải thích bằng các biến số kinh tế vĩ mô cơ bản như tăng trưởng, lạm phát, lãi suất, tỷ giá thực, lý thuyết PPP …

Mô hình này nhắm tới mục tiêu dự báo dài hạn với những điều kiện cân bằng vĩ mô dài hạn, vì vậy đôi khi được gọi là mô hình cân bằng.

Nhiều mô hình phi tuyến đã được đề xuất nhưng tính phức tạp các mô hình thường cao, và hầu như đều không chứng minh được tính vượt trội hoàn toàn so với phương pháp chuỗi thời gian biến động ngẫu nhiên. 

3.     Phân tích theo “dòng chu chuyển lệnh”

Đây là một phương pháp tiếp cận mới và ngược với phương pháp thứ hai, tức là cho rằng tỷ giá chịu tác động chủ yếu bởi các cấu trúc vi mô của thị trường ngoại hối: lệnh giao dịch, tin tức và điều chỉnh danh mục.

Tuy nhiên, các mô hình này tỏ ra còn phức tạp hơn các mô hình thuộc phương pháp thứ hai và tính hiệu quả của mô hình này vẫn còn đang trong vòng kiểm định.

4.     Phân tích cơ bản

Phương pháp này dựa vào những phân tích các yếu tố cơ bản như: GDP, đầu tư, tiết kiệm, sản lượng, lạm phát, cán cân thanh toán… để xác định tác động đến xu hướng biến động dài hạn của tỷ giá.

Phương pháp này không được mô hình hóa bằng kinh tế lượng mà chỉ mang tính định tính, được sử dụng rất phổ biến bởi các nhà kinh doanh ngoại tệ trên các thị trường tài chính phát triển, bên cạnh phương pháp phân tích kỹ thuật.

5.     Phân tích kỹ thuật

Phương pháp này dựa trên những nguyên tắc của trường phái nghiên cứu “hành vi học trong tài chính”. Theo đó, các nhà phân tích kỹ thuật có thể dự báo được những “mẫu hình” của thị trường bằng cách đọc các đồ thị tỷ giá.

Đây là phương pháp đối lập hoàn toàn với phương pháp chuỗi thời gian. Phương pháp dự báo này được phần lớn các nhà đầu tư, nhà phân tích và các nhà môi giới trên thị trường ngoại hối và cả thị trường chứng khoán quốc tế quan tâm sử dụng.

 

                                                                     ThS. Lê Phúc Minh Chuyên