0236.3650403 (128)

TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI ĐÀ NẴNG


1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một trong những kênh thu hút vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần tạo ra những nguồn lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Đối với Đà Nẵng, thu hút FDI là yêu cầu khách quan, xuất phát từ cả hai khía cạnh: khả năng tận dụng lợi thế phát triển sẵn có của thành phố về tài nguyên, lao động, môi trường chính trị - xã hội ổn định và những ưu thế, cơ hội to lớn mà thời đại tạo ra về vốn, công nghệ - kỹ thuật, thị trường để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, nguồn vốn này đã chiếm tỷ trọng khá trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhờ nguồn vốn FDI, thành phố đã chủ động hơn trong việc bố trí cơ cấu đầu tư, góp phần khai thác tích cực, có hiệu quả hơn các nguồn lực của thành phố để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội. Khu vực FDI đã hình thành và ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và đóng góp tỷ lệ ngày càng tăng trong GDP, đến nay chiếm tỷ trọng gần 19,6% trong GDP. Trong những năm đầu tiên sau khi chia tách, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, trong điều kiện nguồn vốn đầu tư phát triển của thành phố còn thiếu thốn thì FDI với quy mô và cơ cấu như vậy đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của thành phố. Mức vốn FDI thực hiện tăng qua các năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo điều kiện để nền kinh tế từng bước tiếp cận công nghệ hiện đại của thế giới. Hàng năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, đã góp phần đáng kể trong cơ cấu thu ngân sách. Vốn FDI đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, góp phần tích cực tạo động lực để thành phố chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá đang diễn ra rất quyết liệt.

2. FDI góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH thành phố; góp phần tích cực nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới; tăng sức cạnh tranh cho nhiều sản phẩm, doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ

Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng, lũy kế đến ngày 24/9/2014, thành phố Đà Nẵng thu hút được 300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 3,375 tỷ USD. Trong đó, 213 dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 2,35 tỷ USD, chiếm 69,5% tổng vốn đầu tư đăng ký; 84 dự án FDI đầu tư vào các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt hơn 936 triệu USD, chiếm 27,75%; 01 dự án đầu tư vào Khu công nghệ thông tin tập trung với số vốn đầu tư 32 triệu USD và 02 dự án đầu tư vào Khu công nghệ cao với hơn 61 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, Đà Nẵng thu hút được 20 dự án mới với tổng vốn cấp mới đạt  123,936,765 USD và 13 dự án tăng vốn. Tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt hơn 137 triệu USD, trong đó, lĩnh vực bất động sản chiếm gần 69% và công nghiệp chế biến chế tạo chiếm hơn 13%.

3. FDI góp phần phát triển kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố mở rộng hợp tác và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực

Các doanh nghiệp FDI đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam khác thâm nhập, mở rộng thị trường ngoài nước. Hàng năm, mức độ gia tăng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI thường cao hơn các doanh nghiệp trong nước và những năm gần đây luôn xuất siêu

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển dần từ nông sản và sơ chế sang sản phẩm công nghiệp và tinh chế, nhiều sản phẩm được xuất hiện trên thị trường quốc tế. Uớc năm 2014, khu vực FDI thực hiện đạt 115,1 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. Giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn lớn hơn kim ngạch nhập khẩu, nên khu vực FDI luôn xuất siêu, góp phần giữ vững cán cân thương mại quốc tế trên địa bàn. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực khách sạn, du lịch đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu tại chỗ. Thông qua mạng lưới tiêu thụ của các tập đoàn xuyên quốc gia, nhiều sản phẩm sản xuất đã tiếp cận được với nhiều khu vực thị trường trên thế giới.

 

 
 

 

 

 

 

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng.

Quan hệ hợp tác quốc tế được mở rộng. Đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 28 tỉnh, thành phố của 12 nước; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được cấp phép đầu tư tại Đà Nẵng, trong đó có một số tập đoàn, công ty lớn có tiềm lực về tài chính và công nghệ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản như Công ty như Mabuchi Motor Việt Nam - Đà Nẵng (100% vốn đầu tư Nhật Bản), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và xuất, nhập khẩu các loại động cơ nhỏ, chi tiết của động cơ

4. FDI góp phần nâng cao năng lực quản lý, trình độ tay nghề, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động; thúc đẩy cơ sở hạ tầng, dịch vụ của thành phố ngày càng phát triển hoàn chỉnh

Nhờ mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tham gia quản lý và hợp tác với các doanh nghiệp FDI, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước và ở các doanh nghiệp thành phố đã tiếp cận, học hỏi, đúc kết được nhiều kinh nghiệm tốt về quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp, phong cách làm việc của các nhà đầu tư, quản lý ở các nước phát triển. Đến nay, các doanh nghiệp FDI đã thu hút gần 25.000 lao động làm việc trực tiếp, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động gián tiếp khác trong các ngành sản xuất và hoạt động dịch vụ liên quan. Nhìn chung, số lao động này bước đầu đã học hỏi được tác phong làm việc kiểu công nghiệp, có kỷ luật, có kỹ năng, có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Nhờ sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài mà thành phố đã tập trung vốn nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, làm cho diện mạo thành phố ngày càng thay đổi. Hàng loạt dự án kết cấu hạ tầng được Trung ương và thành phố đầu tư như Cảng Tiên Sa, Cầu Tuyên Sơn, các KCN, các tuyến đường quốc lộ và đường nội thành, hệ thống bưu chính, viễn thông, điện, nước… để thu hút FDI.

Từ hiệu ứng tác động của các công trình đầu tư đó, làm đòn bẩy kích thích kinh tế - xã hội thành phố phát triển. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ mát ven biển, nhà hàng góp phần cải thiện cở sở hạ tầng dịch vụ của thành phố, thúc đẩy du lịch phát triển.

5. FDI tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các doanh nghiệp trong nước cùng với các doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết, hợp tác để phát triển. Hoạt động của các doanh nghiệp FDI góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhanh tư duy kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nên áp lực và sức cạnh tranh đáng kể cho các doanh nghiệp trong nước, giúp họ tự điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hiệu qủa quản lý kinh doanh, đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đó là con đường duy nhất để tồn tại.

Các doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất một số sản phẩm phụ trợ, thầu phụ (outsourcing) cho các doanh nghiệp FDI. Với việc tham gia hoạt động thầu phụ với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tăng cường đổi mới quản lý, đổi mới thiết bị, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này cũng phải được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Tóm lại, hoạt động FDI đã có những tác động tích cực đối với thành phố trên nhiều phương diện, từ kinh tế đến văn hoá, xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần đáng kể vào những thành tựu mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua.

Nguyễn Thị Minh Hà - Khoa QTKD