0236.3650403 (128)

Thu ngân sách nhà nước từ trái phiếu quốc tế


Trước nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn của đông đảo doanh nghiệp, đặc biệt là các tổng công ty lớn mà trong khi đó thì trái phiếu trong nước (trái phiếu chính phủ) trong giai đoạn vừa qua phát hành trong nước lại ít thành công, nguyên nhân chính là từ lãi suất và sự biến động tỷ giá. Do đó, việc phát hành trái phiếu quốc tế được coi là kênh huy động đầy hứa hẹn.Và kết quả thực tế đã cho thấy việc phát hành trái phiếu quốc tế ở Việt Nam là kênh huy động rất thành công.

Là một nền kinh tế mới phát triển nên VN có mức tăng trưởng kinh tế mạnh, luôn ở mức trên dưới 10%. Mức tăng trưởng này lớn gấp nhiều lần so với nhiều cường quốc kinh tế. Bên cạnh đó mức lãi suất khá hấp dẫn ở con số trên dưới 7% khiến trái phiếu quốc tế do VN phát hành luôn là mối quan tâm đầu tư của nhiều tổ chức quốc tế.

Phát hành trái phiếu Chính Phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế là một kênh huy động vốn hữu hiệu với nền kinh tế các nước đang phát triển. Nguồn vốn huy động được sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu tư của Chính Phủ tuy nhiên, nếu không quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ gây ra những tác động đảo ngược, tiêu cực và ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia cả theo lý thuyết lẫn thực tế Việt Nam hiện nay.

- Đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên tại Việt Nam:

+ Năm 2005, thời cơ đã đến khi các yếu tố “thiên-thời-địa” chín muồi: Kinh tế trong nước phát triển, nợ nước ngoài ở mức an toàn, thị trường tài chính thế giới ổn định cộng với nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển ngày một lớn. 27/10/2005, Việt Nam phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế (tại New York) đã thành công mỹ mãn với số tiền đặt mua lên tới 4,5 tỷ USD, cao gấp 6 lần trị giá chào bán là 750 triệu USD với lãi suất 7,125%/năm và có thời hạn là 10 năm. Trái phiếu quốc tế phát hành lần đầu tiên của Việt Nam đã được Tạp chí Tài chính quốc tế và các nhà đầu tư khu vực châu Á đánh giá là trái phiếu phát hành thành công nhất của năm 2005 và được Tạp chí Tài chính quốc tế trao giải thưởng “trái phiếu quốc tế phát hành thành công nhất trong năm 2005”.

+ Đợt phát hành trái phiếu quốc tế này đã tạo bước ngoặc đặc biệt và tạo nền tảng quan trọng cho các đợt phát hành sau. Ở đợt phát hành lần này, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là doanh nghiệp đầu tiên đã được lựa chọn giải ngân.

- Đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần thứ 2 tại Việt Nam:

+ Việt Nam phát hành 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế với kỳ hạn mở rộng 10-30 năm, lãi suất dưới 7% cũng rất thành công vào năm 2007. Số tiền này cho 4 đơn vị (Tập đoàn Dầu khí VN, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy VN) vay lại để thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án mua tàu vận tải, Dự án thủy điện Xê Ca Mản 3 và Nhà máy Thủy điện Hủa Na.

- Đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần thứ 3 tại Việt Nam:

+ Ngày 26/01/2010, Việt Nam đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính Phủ thời hạn 10 năm trên thị trường quốc tế với lợi tức 6,95%. Số tiền thu được từ đợt phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế này được tập trung vào các mục tiêu:

. Hoàn trả vốn ngân sách Nhà Nước.

. Giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính lựa chọn dự án phù hợp (dự kiến cho các Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng Công ty lắp máy Việt Nam đầu tư bổ sung các dự án lọc hóa dầu Dung Quất, dự án xây dựng thủy điện Xê Ca Mản 3, nhà máy thủy điện Hủa Na và mua tàu vận tải biển). Hoàn thành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thông qua mua bán TPCP, tác động trực tiếp đến lượng cung tiền và các biến số kinh tế vĩ mô.

* Đánh giá:

Phát hành trái phiếu Chính Phủ (TPCP) ra thị trường quốc tế là một kênh huy động vốn hữu hiệu với nền kinh tế các nước đang phát triển. Nguồn vốn huy động được sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển, đầu tư của Chính Phủ tuy nhiên, nếu không quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ gây ra những tác động đảo ngược, tiêu cực và ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia cả theo lý thuyết lẫn thực tế Việt Nam hiện nay.

Nhìn chung, qua 3 lần phát hành và chào bán trái phiếu quốc tế thì Việt Nam rất thành công, đã mang lại một lượng tiền đáng kể đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Chiếm 6,8% trong Thu NSNN năm 2005, 1,3% trong thu NSNN năm 2007 và chiếm  1,5% trong thu NSNN năm 2010. Việc phát hành thành công trong 3 lần đầu bước đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận thị trường vốn quốc tế và tham gia trực tiếp vào thị trường này trong tương lai. 1 tỷ USD thu về năm 2010  sẽ là một nguồn thu ngoại tệ bổ sung khi nguồn cung ngoại tệ trong nước đang tương đối căng thẳng do khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước tác động đến xuất khẩu, kiều hối cũng như thu ngoại tệ từ du lịch. Việc sử dụng nguồn vốn huy động được vào các dự án đầu tư từ cơ sở hạ tầng là hợp lý, đặc biệt khi các dự án này sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng. Việc đầu tư mua tàu vận tải biển cũng là một khoản đầu tư đúng chỗ khi đội tàu trong nước (có tuổi tàu trung bình già và trọng tải thấp) chỉ mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu.

Tác động tiêu cực có thể xảy ra trong ngắn hạn và dài hạn

Mức lãi suất trúng thầu bình quân 6,95%: Theo thông cáo của Bộ Tài chính về hệ số tín nhiệm quốc gia (thường được các tổ chức tài chính quốc tế xem như một căn cứ để đánh giá khả năng trả nợ), năm 2009, tổ chức xếp hạng Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức Ba3 như hai năm trước đó. Mức xếp hạng này tương đương với Philippines và thấp hơn 1 bậc so với Indonesia, nhưng thấp hơn 3 bậc so với mức chuẩn của đầu tư trái phiếu. Theo tandard&Poors, Việt Nam được xếp hạng BB, cao hơn mức BB- của Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, mức lãi suất trúng thầu của Việt Nam lại cao hơn so với 2 quốc gia này. Trước đó, Indonesia và Philippines đều phát hành thành công với lãi suất dưới 6%.

Mặc dù thời điểm phát hành của Việt Nam có một số yếu tố bất lợi như: thứ nhất, nguồn cung trái phiếu các quốc gia mới nổi trong thời gian gần đây rất lớn (trên chục tỷ USD từ Indonesia, Phillippines, Hy Lạp, Mehico, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia...) do nhu cầu kích thích kinh tế sau khủng hoảng của các quốc gia này; thứ hai, Tổng thống Mỹ Obama đề xuất đưa ra một số quy định hạn chế các định chế tài chính nắm giữ các khoản đầu tư rủi ro tác động không nhỏ tới thị trường tài chính nước này. Ngoài ra thị trường tài chính quốc tế cũng đang lo ngại về các biện pháp thắt chặt kinh tế của Trung Quốc. Sự bất lợi còn thể hiện ở mức độ đăng ký, ngay trong tháng 1 này, Indonesia phát hành 2 tỷ USD trái phiếu 10 năm có lượng đăng ký lên tới 5 tỷ USD; Phillippines phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu 10 năm có lượng đăng ký lên tới 9 tỷ USD. Nhưng đến khi Việt Nam phát hành với khối lượng thấp hơn (1 tỷ USD) thì khối lượng đăng ký chỉ khoảng 2,4 tỷ USD. Mức độ đăng ký thấp cũng đồng nghĩa với lợi tức phát hành cao.

Vẫn phải nói rằng, trong khi xếp hạng tín dụng của Việt Nam cao hơn nhưng lãi suất trúng thầu lại cao hơn 2 quốc gia bạn cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư quốc tế về sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai của Việt Nam. Xếp hạng về năng lực cạnh tranh của các quốc gia được công bố tại diễn đàn kinh tế thế giới năm 2009 cũng ghi nhận sự tụt hạng sâu về môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Việt Nam tụt 5 bậc từ 70/134 xuống 75/133 nền kinh tế so với năm trước trong bảng xếp hạng chung, trong đó có đóng góp quan trọng của sự thay đổi trong chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, tụt hạng sâu 42 bậc, từ 70 xuống 112.

Ngoài ra môi trường kinh doanh năm 2009 của nước ta cũng tiếp tục suy giảm, bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam bị tụt 2 bậc, trong 10 chỉ tiêu đánh giá, Việt Nam bị tụt hạng về 9 chỉ tiêu, chỉ lên hạng về chỉ tiêu thực hiện hợp đồng.

Căng thẳng trên thị trường ngoại hối, tình trạng nhập siêu và khả năng mở rộng sản xuất của doanh nghiệp: Căng thẳng cung - cầu ngoại tệ năm 2009 xuất phát từ việc mất cân đối cán cân thanh toán. Nguồn thu ngoại tệ bao gồm xuất khẩu, đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp), các khoản vay và viện trợ nước ngoài, kiều hối và lượng khách du lịch quốc tế đều giảm. Nhập siêu mặc dù giảm xuống đang kể trong năm 2009 (từ 17 tỷ USD trong năm 2008 xuống 12,2 tỷ USD trong năm 2009) nhưng vẫn ở mức rất cao và không đủ để bù đắp lượng ngoại tệ thiếu hụt. Bên cạnh đó, do Chính phủ sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế khiến áp lực lạm phát gia tăng, người dân và doanh nghiệp tăng cường tích trữ vàng và USD như là chỗ trú ẩn an toàn, từ đó càng làm cho cầu ngoại tệ tăng cao.

Cầu ngoại tệ tăng trong khi nguồn cung lại giảm đáng kể. Thông thường khi thị trường ngoại hối căng thẳng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện việc bơm ngoại tệ ra để cân đối cung - cầu trên thị trường. Tuy nhiên, do dự trữ ngoại hối bị thu hẹp (dự trữ ngoại tệ cuối tháng 10/2009 là 16 tỷ USD so với 20 tỷ USD ở thời điểm đầu năm 2008), cộng thêm với lực cầu quá lớn nên Nhà nước bơm ra bao nhiêu, thị trường hút về bấy nhiêu mà tình trạng căng thẳng vẫn không giải quyết được.

Mặc dù cung ngoại tệ cũng được dự báo tăng trong năm tới do các nguồn cung như xuất khẩu, kiều hối và đầu tư nước ngoài đều được cải thiện nhưng khả năng vẫn khó bù đắp được sự thiếu hụt. Nhìn lại mức độ mất giá của đồng Việt Nam trong năm 2009 và tình trạng cung, cầu ngoại tệ sẽ không khỏi lo ngại về tương lai của đồng nội tệ.

Tháng 1/2010, nhập siêu Việt Nam là 1,3 tỷ USD, cao hơn so với mức bình quân 1 tỷ USD/tháng của năm 2009. Việt Nam sẽ vẫn duy trì trạng thái thương mại âm trong năm tới với giá trị nhập siêu cao hơn. Nguyên nhân là do trong cơ cấu hàng nhập khẩu, các mặt hàng có thể hạn chế nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong khi các mặt hàng cần nhập khẩu như nguyên vật liệu và máy móc phục vụ cho sản xuất lại chiếm tới 82,6%. Khi thiếu USD để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thì cũng đồng nghĩa nền kinh tế đang đi xuống.

Nợ Chính phủ gia tăng và rủi ro tài chính cao: Bội chi ngân sách trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao. Mức bội chi trong năm 2009 lên tới 7% GDP, trong đó chưa bao gồm các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và các khoản Chính phủ vay về cho doanh nghiệp vay lại.

Do thường xuyên ở trong tình trạng bội chi ngân sách nên nợ công (mà chủ yếu là nợ Chính phủ) tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2008, nợ Chính phủ chiếm khoảng 36,5% GDP, năm 2009 ước lên đến 40% GDP và năm 2010 dự kiến khoảng 44% GDP. Nếu không có các biện pháp để giảm bội chi ngân sách thì nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn là 50% GDP. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh tài chính quốc gia và làm giảm mức độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới. Việc vay thêm 1 tỷ USD bằng ngoại tệ (tương đương 18.000 tỷ VND) sẽ làm cho gánh nặng nợ nần càng thêm chồng chất, rủi ro gặp phải sẽ là rủi ro thanh toán và rủi ro tỷ giá. Rủi ro thanh toán là việc khi trái phiếu đáo hạn, Nhà nước sẽ phải dành ra một số lượng tiền tương ứng để thanh toán số tiền gốc đã vay, hơn nữa, hàng năm Việt Nam cũng sẽ phải chi trả lãi coupon tương ứng. Rủi ro tỷ giá do trong thời gian 10 năm cho tới ngày đáo hạn, diễn biến đồng USD cũng như VNĐ rất khó lường đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi phục hồi kinh tế thế giới cũng như sự phát triển của Việt Nam còn nhiều câu hỏi vẫn được bỏ ngỏ. Việc vay thêm 1 tỷ USD bằng ngoại tệ (tương đương 18.000 tỷ VND) sẽ làm cho gánh nặng nợ nần càng thêm chồng chất, rủi ro gặp phải sẽ là rủi ro thanh toán và rủi ro tỷ giá. Rủi ro thanh toán là việc khi trái phiếu đáo hạn, Nhà nước sẽ phải dành ra một số lượng tiền tương ứng để thanh toán số tiền gốc đã vay, hơn nữa, hàng năm Việt Nam cũng sẽ phải chi trả lãi coupon tương ứng. Rủi ro tỷ giá do trong thời gian 10 năm cho tới ngày đáo hạn, diễn biến đồng USD cũng như VNĐ rất khó lường đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi phục hồi kinh tế thế giới cũng như sự phát triển của Việt Nam còn nhiều câu hỏi vẫn được bỏ ngỏ.

                                                                                                             Người viết: ThS. Hoàng Thị Xinh