0236.3650403 (128)

Thực trạng Chính sách giá cả trong tái cơ cấu nền kinh tế


Giá cả là lợi ích kinh tế, nên nó có tác động mạnh đến việc đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hạ giá thành, khuyến khích sản xuất phát triển, góp phần tích cực vào việc phân bổ nguồn lực của đất nước; phân phối và phân phối lại sản phẩm trong nền kinh tế

Ngày 19/2 Thủ tướng Chính phủ đã ký QĐ 339/QĐ-TTg về “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020”.

Đề án đã nêu rõ định hướng tái cơ cấu một số lĩnh vực chủ yếu, trong đó có lĩnh vực giá cả: “Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát”.

Vai trò của giá cả trong quá trình tái cơ cấu kinh tế

Giá cả luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp của mọi nền kinh tế. Giá cả là “đòn bẩy” kinh tế trong cơ chế thị trường, được coi là một hệ thống tín hiệu khách quan trên thị trường.

Giá cả là một trong những thông tin đáng tin cậy để định hướng sản xuất, đầu tư; đồng thời để giám sát sản xuất, phát hiện hiệu quả của sản xuất, cung cấp những thông tin có căn cứ về hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng mặt hàng; tác động làm thay đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, tổ chức sắp xếp lại sản xuất dưới sự kiểm soát của thị trường.

Giá cả là lợi ích kinh tế, nên nó có tác động mạnh đến việc đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất, hạ giá thành, khuyến khích sản xuất phát triển, góp phần tích cực vào việc phân bổ nguồn lực của đất nước; phân phối và phân phối lại sản phẩm trong nền kinh tế.

Bản thân giá cả thị trường có tính 2 mặt. Với tính tự phát điều tiết vốn có, giá cả thị trường có thể khuyến khích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế nếu có hệ thống giá hợp lý.

Nhưng ngược lại, nếu hệ thống giá cả vận hành không hợp lý cũng có thể dẫn đến suy thoái, khủng hoảng và thậm chí phá hủy cả một hệ thống kinh tế. Mặt tiêu cực của giá cả, nó có thể phân bổ nguồn lực của nền kinh tế không đúng.

Giá cả quyết định lợi nhuận, vì lợi nhuận sẽ đưa nhà sản xuất kinh doanh đến các khu vực sản xuất các hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng cần nhiều hơn mà bỏ qua những vấn đề về lợi ích công cộng của xã hội và cũng từ đó có thể dẫn đến sản xuất, đầu tư trùng lắp, kém hiệu quả, đưa lại cơ cấu sản xuất luôn thay đổi vì mục tiêu lợi nhuận.

Trong phân phối và phân phối lại có thể làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội do tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh...
Từ những điều nêu trên, có thể cho thấy giá cả có vai trò rất quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng để hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như mục tiêu của đề án đã đề ra.

Thực trạng chính sách giá cả.

Trong những năm qua, chính sách giá cả đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế hành chính bao cấp sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước đã hình thành được một hệ thống chính sách, pháp luật để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực giá.

Nhà nước đã thực hiện việc quản lý, điều hành giá chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô, phù hợp dần với yêu cầu của cơ chế kinh tế thị trường và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; giảm mạnh việc bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá... giảm sự “méo mó” của hệ thống giá trong nền kinh tế.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc quản lý, điều hành giá còn bộc lộ những bất cập nhất định, như: có những biểu hiện việc buông lỏng kiểm soát giá cả thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng chưa được kiểm soát một cách thích đáng.Tình trạng hạch toán gian lận chi phí sản xuất, chi phí đầu tư, tài sản cố định, chi phí góp vốn chưa được thẩm định đầy đủ.

Chi phí tiền lương, tiền thưởng hạch toán chưa đúng quy định, lãi suất và tỷ suất lợi nhuận trên vốn bị giảm sút một cách không hợp lý. Những hiện tượng nâng giá đầu vào, tăng giá đầu ra không hợp lý của một số hàng hóa, dịch vụ làm giảm khả năng cạnh tranh; những hiện tượng lợi dụng sự biến động của giá thị trường, chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để tăng giá không hợp lý chưa được kiểm soát tốt.

Giá một số hàng hóa, dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ theo mặt bằng giá thị trường, có loại còn bao cấp, bù chéo... làm “méo mó” hệ thống giá trong nước do không phản ánh đúng giá trị hàng hóa, dịch vụ dẫn đến thị trường ngầm, buôn lậu diễn biến phức tạp.Chưa có quy định các cơ chế cạnh tranh về giá như: thoả thuận giá, đấu thầu, đấu giá, định giá dựa vào cạnh tranh; các tiêu chí cụ thể và biện pháp kiểm soát giá độc quyền; các quy định cụ thể về các biện pháp bình ổn giá có hiệu quả để điều tiết giá, khi giá cả một số hàng hóa thiết yếu quan trong có biến động bất thường.

Những tồn tại, bất cập nêu trên của chính sách giá cả đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến người tiêu dùng, đến chất lượng tăng trưởng và việc kiểm soát lạm phát.

Những bất cập về giá cả hàng hóa thời gian vừa qua nguyên nhân chính là do yếu kém về quản lý chứ không phải vì thiếu khung pháp lý. Thời gian qua giá cả thị trường đang bị tác động bởi những yếu tố: tình trạng đầu cơ thái quá, sự can thiệp quá mức của Nhà nước trong nhiều trường hợp và cuối cùng là hệ thống phân phối chưa hợp lý, không thông suốt. Đây là những yếu tố đã và đang khiến giá cả thị trường bị méo mó.

Thực tế đối với việc điều hành giá, khó khăn nhất vẫn là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước cần bảo đảm sự can thiệp về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường, cần tôn trọng các quy luật của thị trường.

 

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung