0236.3650403 (128)

TỔNG HỢP CÁC NGHIÊN CỨU LÝ THUYẾT VỀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP


Đỗ Văn Tính

 

Quan niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Năm 1953, lần đầu tiên thuật ngữ TNXHDN được đề cập bởi tác giả Howard Rothmann Bowen trong cuốn sách “Trách nhiệm xã hội của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) qua đó ông đưa ra vấn đề người quản lý doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh ngoài việc không làm tổn hại đến xã hội còn phải có lòng từ thiện và phải bồi thường cho những thiệt hại doanh nghiệp gây ra cho người lao động, nhà cung cấp v.v.v.

Trách nhiệm với với xã hội sinh ra cùng với doanh nghiệp vì một doanh nghiệp hoạt động đều ít nhiều đóng góp cho xã hội. Nhưng việc hiểu rõ về khái niệm TNXHDN qua đó các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ những trách nhiệm của mình với xã hội và tác giả Howard Rothmann Bowen chính là người đặt viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu TNXHDN và sau đó có rất nhiều học giả đã đưa ra những quan điểm về TNXHDN.

Frederick (1960) thì nhấn mạnh “trách nhiệm xã hội nghĩa là các doanh nhân cần giám sát được hoạt động của một hệ thống kinh tế nhằm thỏa mãn các kỳ vọng của công chúng”. Điều này có nghĩa là quá trình sản xuất và phân phối phải tăng cường được tổng phúc lợi ích kinh tế -xã hội. Suy cho cùng, trách nhiệm xã hội đề cập đến việc sử dụng các nguồn lực kinh tế và con người sao cho các nguồn lực đó được sử dụng cho những mục đích xã hội to lớn chứ không đơn thuần phục vụ cho những lợi ích hạn hẹp của một số những cá nhân hay doanh nghiệp nào đó.

Năm 1971, Hội đồng Phát triển kinh tế đưa ra quan điểm cho rằng: Doanh nghiệp là một thể chế tồn tại để phục vụ xã hội, tương lai của một doanh nghiệp và kết quả trực tiếp của việc quản trị doanh nghiệp hiệu quả như thế nào để đáp ứng các kỳ vọng luôn thay đổi của công chúng. Trách nhiệm của một doanh nghiệp là đóng góp vào chất lượng cuộc sống chứ không đơn thuần chỉ là cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

Eells và Walton (1974): Theo nghĩa rộng nhất, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự quan tâm đến các nhu cầu và mục tiêu của xã hội vượt trên lợi ích kinh tế truyền thống và một sự quan tâm lớn hơn đến vai trò của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ và cải thiện trật tự xã hội.

Còn tác giả Carroll (1979) thì đưa ra quan điểm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm sự mong đợi của xã hội về kinh tế, luật pháp, đạo đức và lòng từ thiện đối với các tổ chức tại một thời điểm nhất định.

Năm 2011, theo Liên minh Châu Âu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được định nghĩa: “là một quá trình mà các công ty tích hợp các vấn đề xã hội, môi trường và đạo đức vào các hoạt động kinh doanh và chiến lược của họ trong sự tương tác chặt chẽ với các bên liên quan, vượt trên những yêu cầu của pháp luật và thỏa ước tập thể”.

Cũng như các chủ đề nghiên cứu khác, có rất nhiều quan điểm và định nghĩa được đưa ra bởi các học giả khác nhau. Các định nghĩa về TNXHDN nói trên có một số điểm chung như sau:

Một là, TNXHDN luôn gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội hay nói cách khác doanh nghiệp phải biết cân bằng giữa các lợi ích đa chiều: giữa doanh nghiệp với các đối tượng liên quan như NLĐ, nhà cung cấp, đại lý phân phối cộng đồng địa phương, quốc gia v.v.v.

Hai là, việc thực hiện trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp đòi hỏi tính tự giác vì nó còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững không chỉ cho doanh nghiệp mà cho sự phát triển bền vững chung cho toàn xã hội.

Nội dung của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (TNXHDN) đang là xu thế lớn mạnh trên thế giới, trở thành một yêu cầu “mềm” đối với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, nhưng ở Việt Nam vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nội dung của TNXHDN có thể bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan bao gồm các bên liên quan bên ngoài là các đối tác hoặc khách hàng và các bên liên quan bên trong gồm có người lao động, các đơn vị ngành dọc. Trên thế giới đã có nhiều bộ tiêu chuẩn đã ra đời để giúp đánh giá mức độ thực hiện TNXHDN như tiêu chuẩn ISO14000, SA8000, CERES hay gần đây nhất là bộ tiêu chuẩn ISO26000 được đưa vào thực tế. Các bộ tiêu chuẩn này đều đề cập đến các nội dung cơ bản của TNXHDN gồm các vấn đề chính liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp với các bên liên quan như môi trường, người lao động, người tiêu dùng, chính phủ, các đối tác, nhà cung cấp, v.v.

Hiện nay, TNXHDN đang trở thành một việc “cần làm” đối với các doanh nghiệp nhằm giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Việc thực hiện tốt TNXH chính là tạo sự khác biệt trong cạnh tranh. Thực hiện TNXHDN là một trong những nền tảng vô cùng quan trọng cho việc phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bên cạnh các yếu tố cạnh tranh, doanh thu, áp dụng các mô hình kinh tế tiến bộ thì thực hiện TNXHDN trong đó bao gồm các yếu tố như kinh doanh trung thực, quản trị tổ chức và nhân quyền, bảo vệ môi trường, quan tâm đến quyên lợi của người lao động chính là yếu tố giúp cho doanh nghiệp tăng cường các mối quan hệ tốt đẹp với NLĐ, có được sự đánh giá tốt từ khách hàng, của các doanh nghiệp cạnh tranh cũng như toàn xã hội từ đó càng mở ra cơ hội phát triển việc sản xuất, kinh doanh của doanh của doanh nghiệp. TNXHDN là một phạm trù rộng, được xác định theo nhiều quan điểm khác nhau. Nội dung của TNXHDN có thể bao gồm nhiều vấn đề liên quan như:

- Gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của xã hội hay nói cách khác doanh nghiệp phải biết cân bằng giữa các lợi ích đa chiều: giữa doanh nghiệp với các đối tượng liên quan như NLĐ, nhà cung cấp, đại lý phân phối cộng đồng địa phương, quốc gia v.v.v.

- Việcthựchiệntráchnhiệmđốivớixãhộicủadoanhnghiệpđòihỏitính tự giác vì nó còn là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững không chỉ cho doanh nghiệp mà ch sự phát triển bền vững chung cho toàn xã hội.

Trong thế giới mở cửa, hội nhập, nền kinh tế thị trường phát triển như hiện nay, TNXHDN đang là vấn đề được quan tâm đúng mức trong đó luôn chú ý đến khách hàng để tạo ra một môi trường bền vững mà đặt khách hàng là trọng tâm, doanh nghiệp hãy coi khách hàng là vua, là thượng đế, chính khách hàng chứ không phải hàng hoá mới khan hiếm cung. Trong điều kiện đó, nếu doanh nghiệp không quan tâm đến khách hàng của mình, người khác sẽ quan tâm. Các công ty cần phải xem khách hàng của mình như một tài sản tài chính cần được quản lý và tối đa hoá giống như mọi tài sản khác. Khách hàng là một trong những tài sản quan trọng nhất của công ty, và hơn nữa giá trị của họ thậm chí không được tìm thấy trong hồ sơ sổ sách của công ty. Nhận thấy giá trị của tài sản này sẽ dẫn các công ty đến việc thiết kế lại tổng hệ thống tiếp thị của họ về phía nắm bắt phần khách hàng và giá trị tuổi đời khách hàng qua hạng mục đầu tư sản phẩm hoặc dịch vụ của họ và các chiến lược tạo nên thương hiệu

Khách hàng có vai trò to lớn ảnh hưởng đến việc tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bởi vì khách hàng có quyền lựa chọn mua sản phẩm của bất kỳ doanh nghiệp nào, đó là lý do tại sao có nhiều doanh nghiệp nói rằng : “ người quan trọng nhất trong doanh nghiệp của chúng tôi là khách hàng ”. Nếu khách hàng không thích các sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp, rất đơn giản họ sẽ chọn sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp khác. Nếu số khách hàng làm như vậy đủ lớn, họ có đủ sức mạnh để gây thiệt hại và thậm chí loại bỏ những doanh nghiệp có sản phẩm không được thị trường chấp nhận. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải lắng nghe cẩn thận những thông điệp mà khách hàng gửi đến thông qua sự lựa chọn và phản ánh của họ.

Do đó vấn đề được nhiều doanh nghiệp đang nghiên cứu và tác giả cũng đang nghiên cứu đó là TNXHDN của doanh nghiệp đối với khách hàng.

Một số bộ tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trên thế giới có nhiều bộ tiêu chuẩn về TNXHDN với các nội dung phong phú, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, có hai bộ tiêu chuẩn phổ biến và mang tính toàn diện cao là bộ quy tắc ứng xử BSCI và bộ tiêu chuẩn ISO26000. Bộ quy tắc ứng xử BSCI.

Bộ quy tắc ứng xử BSCI

Hiện nay, các Doanh Nghiệp đều quan tâm đến việc áp dụng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội cho Doanh Nghiệp của mình để giúp người lao động có được một môi trường làm việc tốt đẹp hơn và thoải mái hơn. Tiêu chuẩn BSCI chính là tiêu chuẩn được nhiều Doanh Nghiệp sử dụng; BSCI là sáng kiến tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, là một sáng kiến theo định hướng doanh nghiệp dành cho những công ty cam kết cải thiện điều kiện làm việc tại các xí nghiệp và trang trại trên toàn thế giới. Sáng kiến này đã được Hiệp Hội Thương Mại Nước Ngoài kiến tạo vào năm 2003 nhằm cung cấp cho các công ty Bộ Quy Tắc Ứng Xử chung và một hệ thống toàn diện để đạt được sự tuân thủ trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng.

Là hệ thống quốc tế có trụ sở ban thư ký đặt tại Brussels, Bỉ, BSCI đã được thành lập bởi: Các công ty bán lẻ và nhập khẩu hoạt động trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề kinh doanh. Các bên tham gia BSCI và các đối tác kinh doanh của họ cam kết thực hiện Bộ Quy Tắc Ứng Xứ BSCI phiên bản tháng 1/2014. Bộ Quy tắc Ứng Xử BSCI xác định các giá trị và nguyên tắc đối với các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Khi một công ty đã ký vào Bộ Quy Tắc BSCI chữ ký thể hiện cam kết công khai thực hiện kinh doanh có trách nhiệm của công ty đó. Ngoài ra, các bên tham gia BSCI còn được đánh giá theo thể thức cam kết BSCI. Thống nhất về bộ quy tắc ứng xử BSCI và Điều Khoản Thực Hiện có liên quan dành cho Đối tác kinh doanh tùy thuộc vào việc họ sẽ được giám sát trong BSCI hay không.

Quy tắc của bộ quy tắc ứng xử BSCI đối với các công ty tham gia:

1. Tuân thủ pháp luật.

2. Tự do lập Hội và Quyền Thương lượng Tập thể.

3. Cấm Phân biệt đối xử.

4. Lương bổng.

5. Thời Giờ làm việc.

6. An toàn & Sức khỏe tại nơi làm việc.

7. Cấm sử dụng Lao động Trẻ em.

8. Cấm Cưỡng bức Lao động và các Biện pháp Kỷ luật.

9. Các vấn đề về an toàn và môi trường.

10.Hệ thống Quản lý.

11.Hành vi kinh doanh có đạo đức.

Có thể thấy, một Doanh nghiệp cần có TNXHDN nên sử dụng Bộ Quy tắc: BSCI là những nội dung cơ bản mà một công ty phải thực hiện. Vì vậy, việc áp dụng BSCI cũng sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như cải thiện lâu dài các tiêu chuẩn xã hội, qua đó thay đổi tốt hơn điều kiện làm việc cho người lao động, quan hệ lao động, kết quả kinh doanh và chất lượng xã hội của sản phẩm.

Bộ tiêu chuẩn ISO26000

ISO26000 là một Tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (gọi tắt là ISO) đưa ra hướng dẫn về trách nhiệm xã hội. Nó có thể được áp dụng cho các tổ chức ở mọi loại hình, cả ở lĩnh vực công cộng lẫn tư nhân, tại các nước phát triển và đang phát triển, cũng như các nền kinh tế chuyển đổi. Nó sẽ hỗ trợ họ trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội theo yêu cầu ngày càng tăng của xã hội. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000:2010 - Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội – đưa ra một hướng dẫn hài hòa, và mang tính toàn cầu cho các tổ chức tư nhân và tổ chức công cộng ở tất cả các loại hình dựa trên sự đồng thuận quốc tế giữa các chuyên gia thuộc các nhóm ngành chính, đồng thời cũng khuyến khích việc thực hành cao nhất trách nhiệm xã hội một cách rộng khắp.

Tiêu chuẩn ISO 26000 không những bổ sung giá trị cho công việc hiện tại về trách nhiệm xã hội mà còn mở rộng sự hiểu biết và thực thi trách nhiệm xã hội bằng cách:

- Phát triển sự đồng thuận mang tính quốc tế về Trách nhiệm xã hội là gì và Trách nhiệm xã hội cho biết các tổ chức cần phải làm gì;

- Đưa ra hướng dẫn về việc chuyển tải những nguyên tắc thành hành động có hiệu quả;

- Điều chỉnh những thực hành tốt nhất đã thực hiện và phổ biến thông tin rộng khắp vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.
ISO26000 là một bộ tiêu chuẩn rất quan trọng vì một số lý do như sau:

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh bền vững của các tổ chức có nghĩa không chỉ là việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà còn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo không gây nguy hại đến môi trường, mà hoạt động dựa trên trách nhiệm với xã hội.

Thứ hai, áp lực phải thực hiện như vậy xuất phát từ khách hàng, người tiêu dùng, các chính phủ, các hiệp hội và công chúng một cách rộng khắp. Đồng thời, những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của các tổ chức nhận thấy rằng thành công lâu dài phải được xây  dựng dựa trên những hoạt động kinh doanh đáng tin cậy và ngăn ngừa các hành vi như gian lận về kế toán và bóc lột lao động.

Thứ ba, đã có một số những tuyên bố về nguyên tắc ở mức độ cao liên quan đến Trách nhiệm xã hội, cũng như những chương trình và sáng kiến cá nhân về Trách nhiệm xã hội. Thách thức đặt ra là làm thế nào để đưa những nguyên tắc đó trở thành hành động và làm cách nào để thực hiện Trách nhiệm xã hội một cách có hiệu quả khi mà việc hiểu rõ “Trách nhiệm xã hội là gì” vẫn còn có nhiều khái niệm khác nhau. Hơn nữa, những sáng kiến trước đây có xu hướng tập trung vào khái niệm “trách nhiệm xã hội đoàn thể”, trong khi Tiêu chuẩn ISO 26000 sẽ đưa ra hướng dẫn về Trách nhiệm xã hội không chỉ cho các tổ chức kinh doanh, mà còn cho cả các tổ chức thuộc lĩnh vực công cộng ở mọi loại hình.

ISO26000 giúp các loại hình tổ chức – không phân biệt qui mô, hoạt động hay vị trí – thực hiện trách nhiệm xã hội bằng việc đưa ra hướng dẫn về sự hiểu biết có liên quan mang tính toàn cầu về trách nhiệm xã hội gồm:

- Khái niệm, điều kiện và điều khoản liên quan đến trách nhiệm xã hội;

- Nền tảng, xu hướng và đặc điểm của trách nhiệm xã hội;

- Các nguyên tắc và thực hành liên quan đến trách nhiệm xã hội;

- Các đối tượng và vấn đề cốt lõi liên quan đến trách nhiệm xã hội;

- Tích hợp, thực hiện và thúc đẩy cách hành xử trách nhiệm xã hội thông qua tổ chức và các chính sách cũng như hoạt động của tổ chức trong phạm vi ảnh hưởng của nó;

- Xác định và lôi cuốn sự tham gia của các bên liên quan;

- Thông tin những cam kết, việc thực hiện và thông tin khác liên quan đến trách nhiệm xã hội.

Hướng dẫn trong Tiêu chuẩn ISO 26000 chỉ ra phải thực hiện như vậy xuất phát từ khách hàng, người tiêu dùng, các chính phủ, các hiệp hội và công chúng một cách rộng khắp. Hoạt động kinh doanh bền vững của các tổ chức có nghĩa không chỉ là việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà còn thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo không gây nguy hại đến môi trường, mà hoạt động dựa trên trách nhiệm với xã hội. Trách nhiệm xã hội một cách có hiệu quả khi mà việc hiểu rõ “Trách nhiệm xã hội là gì” khi vẫn còn có nhiều khái niệm khác nhau.

Lợi ích của việc thực thi TNXHDN đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (TNXHDN) đã trở thành một trào lưu thực thụ và phát triển rộng khắp thế giới. Người tiêu dùng tại các nước phát triển hiện nay không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn coi trọng cách thức các công ty làm ra sản phẩm đó. Họ muốn biết liệu các sản phẩm họ định mua có thân thiện với môi trường sinh thái, với cộng đồng, có tính nhân đạo, và có lành mạnh hay không. Nhiều phong trào bảo vệ quyền của người tiêu dùng và môi trường phát triển rất mạnh ở nhiều nước. Ngoài ra, các hoạt động TNXHDN khác như hoạt động từ thiện, tuân thủ các quy định về thuế và các quy định khác của pháp luật cũng khiến các bên liên quan của doanh nghiệp giảm bớt những yêu cầu của họ khi ghi nhận các nỗ lực TNXHDN của doanh nghiệp.

Hệ quả là doanh nghiệp có danh tiếng TNXHDN tốt sẽ có vị thế tốt hơn trong thị trường lao động và thể hiện cam kết rõ ràng về các chuẩn mực và xã hội giúp cho công ty dễ dàng thu hút được nhân viên giỏi, có kỹ năng. Hầu hết các công ty đa quốc gia đều đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (Code of Conduct) có tính chất chuẩn mực áp dụng đối với nhân viên và các đối tác làm ăn của mình trên toàn thế giới. Lợi ích đạt được qua những cam kết TNXHDN đã được ghi nhận. Không những hình ảnh công ty được cải thiện trong con mắt công chúng và người dân địa phương, mà nó còn giúp công ty tăng doanh số bán hàng hay thực hiện các thủ tục đầu tư được thuận lợi hơn. Và, ngay trong nội bộ công ty, sự hài lòng và gắn bó của nhân viên với công ty cũng tăng lên.

Tối ưu hoá hiệu quả quản lý của doanh nghiệp

Ở nước ta, việc thực hiện TNXHDN thường vẫn được xem là một hành động giải quyết các vấn đề xã hội vì các mục đích từ thiện và nhân đạo. Trong khi đó, TNXHDN nhìn chung phải được hiểu là cách thức mà một doanh nghiệp đạt được sự cân bằng hoặc kết hợp những yêu cầu về kinh tế, môi trường và xã hội đồng thời đáp ứng những kỳ vọng của các cổ đông và các bên đối tác. Cách thức mà doanh nghiệp tương tác với các cổ đông, người lao động, khách hàng, nhà cung cấp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác luôn được coi là một đặc điểm then chốt của khái niệm TNXHDN.

Như vậy, hiệu quả quản lý của doanh nghiệp sẽ được tối ưu hóa do duy trì được nguồn nhân lực chất lượng cao và cắt giảm được các loại lãng phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bằng việc thực hiện tốt các hoạt động TNXHDN. Nói một cách khác, thực hiện TNXHDN giúp doanh nghiệp tận dụng triệt để các nguồn lực, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tiên tiến, gắn liền sự phát triển của doanh nghiệp với sự phát triển của xã hội, bằng việc chung tay xây dựng xã hội đồng thời vẫn tối ưu hóa các lợi ích của doanh nghiệp.

Duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi yêu cầu từ khách hàng ngày càng cao và xã hội có cái nhìn ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp thì các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải luôn tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường lao động, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, góp phần phát triển cộng đồng...Nếu chỉ tính trong ngắn hạn, lợi ích mà TNXHDN có thể đem lại là các đơn đặt hàng từ những công ty mua hàng đòi hỏi các tiêu chuẩn về TNXHDN.

Tuy nhiên chi phí để áp dụng chương trình TNXHDN có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty. Những người lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng sẽ có mục tiêu hoạt động không chỉ giới hạn bởi lợi nhuận. Thước đo thành công của họ bắt nguồn từ tác động mà họ tạo ra đối với nhu cầu xã hội. Các doanh nhân này tìm kiếm những giải pháp để thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt hơn và đổi ngược lại, doanh nghiệp của họ sẽ có những điều kiện để phát triển bền vững hơn. Lợi ích dài hạn chủ yếu của TNXHDN là cho chính nội bộ doanh nghiệp như cải thiện quan hệ trong công việc, giảm bớt tai nạn, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất lao động. Ngoài ra, TNXHDN còn giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trong quan hệ với khách hàng và các đối tác, tạo ra ưu thế trong cạnh tranh và thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Để phát triển lâu dài, công ty cần tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận và TNXHDN có thể song hành, thực tế là trong dài hạn, việc quản lý doanh nghiệp theo hướng có trách nhiệm với xã hội thường đem lại tăng trưởng bền vững và lợi nhuận lớn hơn. Quan điểm đó không hoàn toàn chính xác, một doanh nghiệp nhỏ mới thành lập nếu muốn thành công và phát triển bền vững thì không thể không tham gia vào các hoạt động mang tính trách nhiệm đối với xã hội ngay từ đầu. Hơn nữa, chương trình TNXHDN không nhất thiết phải tốn kém. TNXHDN là quan trọng nhưng không phải ở tờ giấy chứng nhận mà ở chính quy trình thực hiện nó. Nếu doanh nghiệp chỉ chạy theo hình thức mà không thực thi nghiêm túc thì TNXHDN không còn ý nghĩa. Doanh nghiệp sẽ thành công trong việc áp dụng TNXHDN nếu có sự cam kết của ban lãnh đạo, thực sự hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích TNXHDN sẽ mang lại trong dài hạn và biến TNXHDN thành một phần văn hóa doanh nghiệp. Hơn nữa, thực hiện TNXHDN tạo ra môi trường thuận lợi, đảm bảo các quyền lợi cho NLĐ, từ đó NLĐ cố gắng phấn đấu hết mình cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Bích Thủy, (2011), Giáo trình phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

2. Pham Duc Hieu (2011), “Corporate Social Responsibility: A Study on Awareness of Managers and Consumers in 3. Vietnam”, Journal of Accounting and Taxation, 3(8), pp. 162-170.http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Chinh-tri-Xa-hoi/Trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-va-thuc-tien-van-dung-o-Viet-Nam-hien-nay -688.html