0236.3650403 (128)

TỔNG HỢP THÔNG TIN VỀ CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2014


Đỗ Văn Tính- Khoa QTKD

 

Về mặt lý thuyết, chỉ số giá cả hàng tiêu dùng (CPI - Consumer Price Index) phản ánh sự biến động giá cả của một giỏ hàng hoá và dịch vụ tiêu biểu cho cơ cấu tiêu dùng của xã hội. CPI = åIp . d

CPI: Chỉ số giá cả của cả giỏ hàng (chỉ tính cho tất cả các loại hàng hoá tiêu dùng).

Ip: Chỉ số giá cả cá biệt của từng mặt hàng hay nhóm hàng trong giỏ hàng.

d: tỉ trọng tiêu dùng của từng mặt hàng, nhóm hàng trong giỏ hàng (åd = 1). Nó phản ánh cơ cấu tiêu dùng của xã hội.

Để tính toán chỉ số giá tiêu dùng người ta tính số bình quân gia quyền theo công thức Laspeyres của giá cả của kỳ báo cáo (kỳ t) so với kỳ cơ sở. Để làm được điều đó phải tiến hành như sau:

1. Cố định giỏ hàng hóa: thông qua điều tra, người ta sẽ xác định lượng hàng hoá, dịch vụ tiêu biểu mà một người tiêu dùng điển hình mua.

2. Xác định giá cả: thống kê giá cả của mỗi mặt hàng trong giỏ hàng hoá tại mỗi thời điểm.

3. Tính chi phí (bằng tiền) để mua giỏ hàng hoá bằng cách dùng số lượng nhân với giá cả của từng loại hàng hoá rồi cộng lại.

4. Lựa chọn thời kỳ gốc để làm cơ sở so sánh rồi tính chỉ số giá tiêu dùng bằng công thức sau:

CPIt = 100 x

Chi phí để mua giỏ hàng hoá thời kỳ t

Chi phí để mua giỏ hàng hoá kỳ cơ sở

Thời kỳ gốc sẽ được thay đổi trong vòng 5 đến 7 năm tùy ở từng nước.

CPI được dùng để tính chỉ số lạm phát theo thời kỳ. Chẳng hạn, tính chỉ số lạm phát CPI năm 2011 so với năm 2010 theo công thức sau:

Chỉ số lạm phát 2011 = 100 x

CPI năm 2011 - CPI năm 2010

CPI năm 2010

Trên thực tế người ta có thể xác định quyền số trong tính toán chỉ số giá tiêu dùng bằng cách điều tra để tính toán tỷ trọng chi tiêu của từng nhóm hàng hoá, dịch vụ so với tổng giá trị chi tiêu. Sau đó quyền số này được dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng cho các thời kỳ sau. CPI thường được tính hàng tháng và hàng năm. CPI còn được tính toán cho từng nhóm hàng hóa hoặc một số nhóm hàng hóa tùy theo mục đích sử dụng. Ngoài CPI người ta cũng tính toán chỉ số giá bán buôn là mức giá của giỏ hàng hóa do các doanh nghiệp mua vào, khác với CPI là giá do người tiêu dùng mua vào (giá bán lẻ). Lưu ý chỉ số giá tiêu dùng năm gốc luôn bằng 1

Các vấn đề gặp phải khi tính toán chỉ số giá tiêu dùng

Do sử dụng giỏ hàng hoá cố định nên khi tính toán CPI có ba vấn đề chính dẫn đến hạn chế của CPI sau đây:

1. CPI không phản ánh được độ lệch thay thế vì nó sử dụng giỏ hàng hoá cố định. Khi giá cả một mặt hàng này tăng nhanh hơn so với các mặt hàng khác thì người tiêu dùng sẽ có xu hướng ít tiêu dùng những mặt hàng đã trở nên quá đắt đỏ mà tiêu dùng nhiều những hàng hoá đỡ đắt đỏ hơn. Yếu tố này làm CPI đã đánh giá cao hơn thực tế mức giá.

2. CPI không phản ánh được sự xuất hiện của những hàng hoá mới vì nó sử dụng giỏ hàng hoá cố định trong khi nếu có hàng hoá mới xuất hiện thì một đơn vị tiền tệ có thể mua được các sản phẩm đa dạng hơn. CPI không phản ánh được sự gia tăng sức mua này của đồng tiền nên vì thế lại đánh giá mức giá cao hơn thực tế.

3. Không phản ánh được sự thay đổi của chất lượng hàng hoá vì nếu mức giá của một hàng hoá cụ thể nào đó tăng nhưng chất lượng cũng tăng tương ứng thậm chí tăng hơn thì trên thực tế mức giá không tăng. Chất lượng hàng hoá dịch vụ nhìn chung đều có xu hướng được nâng cao nên CPI cũng đã phóng đại mức giá.

Chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI) năm 2014.

Theo tạp chí tài chính, CPI tháng 12 giảm 0,24% so với tháng 11, là tháng có mức CPI giảm trong 10 năm gần đây (Không tính năm 2008 là năm ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế thế giới). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 02 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh: Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99%; giao thông giảm 3,09% (Đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI). Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ giữ mức giá tương đối ổn định với mức tăng không đáng kể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,03%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%.

CPI tháng 12 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, tác động làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09%, đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Bên cạnh đó, giá gas thế giới giảm mạnh nên giá gas và giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm cũng là nguyên nhân làm cho CPI tháng 12 giảm so với tháng trước (Giá gas giảm bình quân 6,48%; giá dầu hỏa giảm bình quân 4,01%).

CPI tháng 12/2014 tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2013. CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với bình quân năm 2013, mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây[4]. Trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng tăng 0,15%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ tiếp tục được thực hiện thành công, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng. CPI năm 2014 tăng thấp so với năm trước chủ yếu do một số yếu tố tác động sau đây:

(1) Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 12 chỉ tăng 2,61% so với tháng 12/2013, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,08% của cùng kỳ năm trước;

(2) Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định;

(3) Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới, nhất là giá dầu thô thời gian gần đây giảm mạnh và đang tiếp tục giảm dẫn đến giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng và nhóm giao thông tháng 12 năm nay lần lượt giảm 1,95% và giảm 5,57% so với cùng kỳ năm trước, ngược với xu hướng tăng 5,49% và tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2013;

(4) Công tác quản lý giá trong năm 2014 được thực hiện khá hợp lý khi thời điểm điều chỉnh không trùng vào các tháng cao điểm đã giảm thiểu được tác động của việc điều chỉnh giá lên CPI. Mức giá được điều chỉnh đối với một số nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước. Năm 2014 chỉ còn 04 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC, đồng thời năm 2014 là năm cuối của chu kỳ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP nên mức giá được điều chỉnh cũng thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tính chung cả năm 2014, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế và nhóm dịch vụ giáo dục tăng lần lượt là 2,2% và 8,96% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,51% và 12,82% của năm 2013.

Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 12/2014 giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 3,73% so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2014 tăng 0,35% so với tháng trước; tăng 1,03% so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2014 tăng 4,62% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông nghiệp tăng 3,85%; hàng lâm nghiệp tăng 8,28%; hàng thủy sản tăng 6,64%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV tăng 1,39% so với kỳ trước và tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp năm nay tăng 3,26% so với năm trước, trong đó chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất sản phẩm khai khoáng tăng 8,29%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,09%; điện và phân phối điện tăng 10,19%; nước tăng 4,47%. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp quý IV tăng 0,07% so với kỳ trước và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất năm 2014 tăng 3,39% so với năm 2013, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất của một số ngành tăng cao là: Điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa tăng 6,71%; khai khoáng tăng 5,47%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,41%; nước cung cấp và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,21%. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất quý IV tăng 0,99% so với quý trước và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá cước vận tải năm 2014 tăng 3,13% so với năm trước, trong đó giá cước vận tải hành khách tăng 2,43%; vận tải hàng hóa tăng 4,06%. Chỉ số giá cước dịch vụ vận tải đường sắt năm 2014 tăng 0,71% so với năm 2013; dịch vụ vận tải đường bộ và xe buýt tăng 5,52%; dịch vụ vận tải đường thủy tăng 1,82%. Chỉ số giá cước vận tải quý IV năm nay giảm 0,01% so với quý trước và là quý duy nhất trong năm có chỉ số giá giảm so với kỳ trước do giá xăng giảm trong quý IV.

Chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá năm 2014 tăng 0,79% so với năm trước, trong đó chỉ số giá xuất khẩu của một số mặt hàng tăng là: Hạt tiêu tăng 14,45%; rau quả tăng 9,88%; thủy sản tăng 7,43%; hóa chất tăng 6,24%; sản phẩm hóa chất tăng 6%. Một số mặt hàng có chỉ số giá giảm mạnh là: Cao su giảm 26,93%; sản phẩm từ cao su giảm 12,63%; dây điện và cáp điện giảm 10,69%; sắt thép giảm 9,59%; chất dẻo giảm 7,58%; xăng dầu các loại giảm 6,34%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá quý IV giảm 1,76% so với kỳ trước và giảm 1,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá năm nay giảm 1,02% so với năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu của một số mặt hàng giảm nhiều là: Phân bón giảm 13,53%; cao su giảm 10,48%; lúa mỳ giảm 8,29%; xăng dầu giảm 4,38%; hóa chất giảm 4,28%; xơ, sợi dệt giảm 4,01%. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá quý IV tăng 0,64% so với kỳ trước và tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,24% so với tháng trước và chỉ tăng 1,84% so với tháng 12-2013. Như vậy, CPI năm 2014 tăng thấp nhất trong 10 năm gần đây. Theo đó, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09% so với năm 2013.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 2 nhóm chỉ số giá giảm khá mạnh là nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,94%, giao thông giảm 3,09%. Đây là nhóm có mức giảm nhiều nhất trong 11 nhóm hàng chính.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% là do giá gas bình quân tháng 12 giảm 6,48%; giá dầu hỏa được điều chỉnh giảm 2 đợt; giá điện sinh hoạt giảm 0,07% so với tháng trước; giá phôi thép nhập khẩu giảm 5-10USD/tấn và nhu cầu chững lại do vào mùa mưa; mặt hàng xi măng có giá ổn định,...

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%, trong đó giá một số mặt hàng ít tăng hoặc giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,18%, chủ yếu ở mặt hàng rượu mạnh (tăng 0,49%) do nhu cầu bắt đầu tăng và thuốc lá (tăng 0,14%)...., CPI năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây. Năm 2014, CPI bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,15%. Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra đã được thực hiện thành công.

Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và giảm giá thành…

Khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Đối với người tiêu dùng khi lạm phát thấp, chi phí sinh hoạt không tăng nhiều, khoản tiền thực từ gửi tiết kiệm sẽ có ý nghĩa hơn.

Thành tựu kinh tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2014, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,20% so với năm 2013, đóng góp 4,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung (Tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 6,12%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm trước); tích lũy tài sản tăng 8,90%, đóng góp 2,90 điểm phần trăm.

Định hướng trong thời gian đến:

-       Lãi suất cho vay cần giảm thêm

Để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng, khuyến nghị lãi suất cho vay cần phải giảm thêm nữa vì trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được vốn vì vướng nợ xấu.

Giải pháp này chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn mà thôi, tất nhiên số doanh nghiệp tốt chiếm tỉ lệ không nhiều. Song nó sẽ góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vay, thông qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, cũng có những khía cạnh tích cực của CPI thấp, như giúp người dân giảm gánh nặng tăng giá, chi phí sinh hoạt thấp hơn giúp dân tăng được tích lũy. Điều này cũng tạo tiền đề để có chính sách lãi suất hợp lý hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

Trong ngắn hạn, việc CPI tăng thấp thể hiện một triển vọng tốt. Tuy nhiên, về dài hạn thì chưa hẳn.

Nền kinh tế vẫn khó khăn. Với CPI thấp, niềm tin của người dân đã tăng, nhưng có thể nói vẫn chưa cao, vì chủ yếu do những thuận lợi từ giá cả thế giới và trong nước thì được mùa, năm 2014 cũng ít bão tố, lụt lội...Vấn đề là làm sao để nền kinh tế ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm và theo “vẫn còn nhiều vấn đề VN cần giải quyết, có bước đột phá để tiến lên”...

-       Cần hỗ trợ sản xuất, vực dậy sức mua

Việc CPI ở mức thấp như vừa công bố cho thấy điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất tốt, đặc biệt là yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô xem như đã đạt được, từ đó có cơ sở để mong đợi lãi suất cho vay tiếp tục hạ trong thời gian tới. Nếu lãi suất cho vay càng thấp, mặt tích cực mang lại là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng dễ dàng hơn, họ mới mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất trở lại.

Tuy nhiên, khi CPI thấp, cũng phải nên suy nghĩ ở hướng liệu đã có hiện tượng giảm phát hay chưa? tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn ở mức rất cao, cộng thêm sức mua chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều cũng cho thấy thị trường vẫn đang rất ảm đạm. Cho nên vai trò của Nhà nước trong việc điều hành, điều tiết kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là việc làm sao đưa được dòng tiền ra thị trường một cách linh hoạt hơn, lãi suất cho vay trung - dài hạn cần kéo xuống thấp hơn nữa so với hiện tại để kích thích các doanh nghiệp tái đầu tư, nâng cấp năng lực sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh là điều hết sức cấp thiết.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tạp chí tài chính.
  2. Tổng cục thống kê.
  3. Cổng thông tin điện tử Chính Phủ Việt Nam.

http://vi.wikipedia.org/