0236.3650403 (128)

VAI TRÒ CỦA THƯƠNG HIỆU


  • Với khách hàng

Thương hiệu giúp khách hàng phân biệt nhanh chóng sản phẩm cần mua trong nhiều sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Thông qua thương hiệu, khách hàng có thể nhận dạng dễ dàng sản phẩm của các công ty, nguồn gốc xuất xứ của nó. Thực chất thương hiệu như một lời giới thiệu, một thông điệp và dấu hiệu quan trọng để khách hàng căn cứ vào đó đưa ra lựa chọn cuối cùng khi mua hàng.

Thương hiệu góp phần tạo ra một giá trị cá nhân cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Thực tế, một thương hiệu nổi tiếng sẽ mang đến cho khách hàng cảm giác sang trọng hơn, nổi bật hơn, có đẳng cấp  và được tôn vinh khi tiêu dùng sản phẩm mang thương hiệu đó. Điều này chỉ có được  khi thương hiệu đã được định vị rõ ràng và đã được khách hàng biết đến, tin tưởng.

Thương hiệu tạo một tâm lý yên tâm về chất lượng, giảm thiểu rủi ro trong tiêu dùng. Khi khách hàng lựa chọn một thương hiệu, họ đã tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ đi kèm và công ty sản xuất. Trong thực tế có rất nhiều sản phẩm lựa chọn mà chất lượng của chúng về cơ bản không thua kém hoặc thậm chí hoàn toàn ngang bằng với sản phẩm tương tự mang thương hiệu khác, nhưng sự gia tăng giá trị mà sản phẩm mang lại (chế độ bảo hành, dịch vụ đi kèm, sự ân cần và chăm sóc khách hàng) và những thông tin về thương hiệu sẽ luôn tạo cho khách hàng một tâm lý tín tưởng, dẫn dắt họ đi đến quyết định tiêu dùng sản phẩm.

  • Với công ty

Thương hiệu mang lại lợi ích kinh tế cho công ty. Một thương hiệu khi đã được chấp nhận, nó sẽ mang lại cho công ty những lợi ích kinh tế dễ nhận thấy. Đó là khả năng tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn. Sản phẩm mới của một thương hiệu đã nổi tiếng sẽ dễ dàng được khách hàng chấp nhận hơn. Một sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng có thể bán được với giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại. Điều đó có được là nhờ lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu. Một thương hiệu mạnh sẽ giúp bán được nhiều sản phẩm hơn. Khi thương hiệu được khách hàng chấp nhận và ưa chuộng, họ sẽ trung thành với thương hiệu đó, sẽ mua lặp lại và giới thiệu sản phẩm cho những người khác.

Thương hiệu giúp thu hút đầu tư. Thương hiệu nổi tiếng không chỉ tạo ra những lợi thế nhất định cho công ty trong quá trình bán hàng và cung cấp dịch vụ, mà còn tạo điều kiện và như là một sự đảm bảo thu hút đầu tư, gia tăng mối quan hệ với các nhà đầu tư. Khi đã có được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư cũng sẽ tin tưởng hơn khi đầu tư vào công ty và sẵn sàng hợp tác kinh doanh, cung cấp nguyên liệu cho công ty. Như vậy sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho công ty trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thương hiệu là tài sản vô hình và rất có giá của công ty. Thực tế đã chứng minh, giá của thương hiệu khi chuyển nhượng đã cao hơn rất nhiều so với tổng tài sản hữu hình mà công ty đang sở hữu. Giá trị còn lại đó chính là tài sản thương hiệu. Trong một số trường hợp, tài sản thương hiệu lớn hơn gấp nhiều lần so với tài sản hữu hình của công ty.

  • Với nhân viên

Đây là mối quan hệ nội bộ. Nhân viên chính là những người tạo ra và nuôi dưỡng thương hiệu. Do vậy, “cá tính” của thương hiệu cũng chính là khí chất của số đông tập thể nhân viên của doanh nghiệp. Nếu những nhà quản lý doanh nghiệp gò ép tạo ra các “cá tính” cho thương hiệu mà chúng xa lạ với tập thể nhân viên thì mâu thuẫn sẽ xảy ra và các giá trị cam kết của thương hiệu sẽ bị phá vỡ. Trong trường hợp này, nếu nhà quản lý muốn đổi mới giá trị của thương hiệu thì phải đi từ cái gốc là xây dựng khí chất mới cho nguồn nhân lực, vật lực. Nếu thực hiện tốt mối quan hệ này doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa tổ chức của thương hiệu.

  • Với các giới hữu quan khác

Thương hiệu với các tổ chức quản lý doanh nghiệp (chính phủ), các tổ chức xã hội: đây là mối quan hệ có tính trách nhiệm, nghĩa vụ mà theo đó thương hiệu cần tự giác thể hiện mà không cần phụ thuộc vào việc mình có thích hay không. Nếu thực hiện tốt mối quan hệ này doanh nghiệp đã thể hiện vai trò của thương hiệu với xã hội, cộng đồng mà theo đó doanh nghiệp có thể gây dựng được văn hóa tiêu dùng về thương hiệu một cách vững chắc.

Thương hiệu với các đối thủ cạnh tranh: đây là mối quan hệ tranh/hợp tùy tình hình. Tranh đấu hay hợp tác cũng đều là để việc kinh doanh thương hiệu hiệu quả hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp luôn phải xác định rằng có tranh và hợp thì thương hiệu mới có các hoạt động cải tiến, cách tân cách nghĩ, cách làm, cách thực hiện. Mối quan hệ này đưa đến cho thương hiệu của doanh nghiệp luôn có “sức sống mới” và “trưởng thành vững chắc”.

Thương hiệu với các tổ chức quản lý thương hiệu: đây là quan hệ không thể thiếu cho các thương hiệu. Việc bảo hộ thương hiệu không chỉ hiểu là các văn bản chứng nhận mà còn là các hoạt động khác như: vi phạm bản quyền, hàng giả, hàng nhái, tên miền trên Internet, việc sử dụng quyền chuyển nhượng thương hiệu. Đây là mối quan hệ giúp thương hiệu của doanh nghiệp có được sự bảo vệ từ phía luật pháp.

                                                                                                               ThS. Nguyễn Thị Thảo