0236.3650403 (128)

VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI


VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI 

Từ những năm 1980, Việt Nam đã triển khai chính sách đổi mới kinh tế, bao gồm mở cửa thị trường, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp và tăng cường sự tích hợp của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế thế giới. Cần phải nhấn mạnh rằng môi trường thương mại tự do càng thông suốt và thuận lợi thì càng giúp hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra suôn sẻ. Ngoài việc đạt được hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), với tư cách là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Nam Á (ASEAN), Việt Nam còn được hưởng lợi lớn khi HIệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực. Các mặt hàng nông sản và hải sản của Việt Nam, vốn có ưu thế cạnh tranh, có thể xâm nhập thị trường rộng lớn hơn với chi phí thấp hoặc thậm chí bằng không, đồng thời các nguồn vốn quy mô lớn của nước ngoài, nhất là tại khu vực châu Á, cũng liên tục đổ vào Việt Nam. Trong cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2022, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là 4 quốc gia dẫn đầu, trực tiếp làm phong phú thêm đội hình của các chủ thể chính trong lĩnh vực thương mại quốc tế của Việt Nam. Theo nội dung Báo cáo đánh giá về mức độ ảnh hưởng của RCEP, hiệp định này đã đóng góp hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua.

Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không còn phản ánh “phong độ nhất thời”. Trong 36 năm qua, kinh tế Việt Nam liên tục duy trì mức tăng trưởng tương đối nhanh (trên 5%), đặc biệt từ đầu thế kỷ mới đến nay đã có bước nhảy vọt và vượt mốc 6%. Trong đó, một số mốc thời gian và số liệu liên quan đáng chú ý bao gồm: Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đề ra hướng cải cách kinh tế, GDP trong năm chỉ tăng 2,79%; năm 1991, Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác lập phương châm lấy cải cách kinh tế làm trọng tâm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,96%; năm 1996, Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ ràng hơn các chính sách cơ bản về đổi mới, kinh tế tăng trưởng 9,34% và liên tục duy trì đà phát triển cao sau đó. Hiển nhiên, trong tiến trình lập nên kỳ tích, đưa kinh tế tăng trưởng từ tốc độ thấp đến tốc độ cao, công lao đầu tiên thuộc về sự sáng tạo, đổi mới chính sách và cải cách thị trường. Tuy vậy, kết quả phân tích này cho thấy, phần lớn kinh nghiệm cải cách mở cửa của Việt Nam (Việt Nam gọi là “đổi mới”) đều xuất phát từ việc mô phỏng và học theo Trung Quốc. Chỉ dấu nổi bật là các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam đều tổ chức muộn hơn so với đại hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mỗi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra các phương hướng, sách lược quan trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tập trung nghiên cứu, học tập và đưa ra phương châm tương tự, chẳng hạn như phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và đường lối cải cách mở cửa.

Không chỉ có vậy, sự nghiệp cải cách và đổi mới của Việt Nam còn trực tiếp nhằm vào hệ thống chính trị với cường độ khác hẳn so với trước đây, bao gồm một loạt động thái mạnh mẽ như hủy bỏ chế độ công chức suốt đời, tinh giản và sáp nhập các cơ quan chính phủ, hủy bỏ việc phân tách hộ khẩu giữa thành thị và nông thôn, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp độc lập (công đoàn độc lập). Theo Biểu đồ tình hình kinh tế-xã hội do Ban Kinh tế Trung ương Việt Nam công bố, trong lĩnh vực hutế sản phẩm hay chính xác hơn là thuế doanh thu, tỷ trọng phân bổ nguồn thu của chính phủ năm 2022 giảm 0,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng trong khoảng thời gian này, tổng số các doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường lại tăng 30,3% so với cùng kỳ. Có thể nói ngành ngoại thương của Việt Nam đã phát triển nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khiến cho xuất nhập khẩu “cất cánh”, Việt Nam còn thực hiện được điều quan trọng hơn là xóa bỏ hoàn toàn ân oán để hòa nhập cùng phương Tây. Mỹ từng là đối thủ của Việt Nam, nhưng hiện quan hệ giữa hai bên rất gắn bó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ khá lớn.

Việt Nam hiện đang thiết lập quan hệ thương mại với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời “vòng tay bạn bè” để tiếp nhận viện trợ và vay vốn ngày càng mở rộng. Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương Việt Nam, trong cơ cấu kinh tế hiện nay, tỷ trọng FDI chiếm khoảng 20,13% GDP, chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu và khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Trong bố trí ngành nghề, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành nghề của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và chế biến được ưu tiên nhiều nhất với kim ngạhc đầu tư trên 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng số vốn FDI của Việt Nam. Những khoản đầu tư này đã hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam trong sản xuất các mặt hàng có sức cạnh tranh cao, cũng như tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một số mặt hàng do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ đạo như điện thoại, máy tính và sản phẩm điện tử chiếm khoảng 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cũng cho thấy vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi sản xuất công nghệ cao quốc tế đã được nâng lên.

Trên cơ sở nguồn lực do đổi mới mang lại, Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng để tiềm lực của mình ngày càng phong phú và dồi dào hơn. Việt Nam tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước, nhất là các hạng mục giao thông và năng lượng. Đây cũng là giải pháp chủ chốt để cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam. Được biết trong năm 2022, Việt Nam đã hoàn thành 310 km đường cao tốc và dự kiến trong năm nay sẽ khởi công xây dựng thêm 12 tuyến đường cao tốc khác. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tính toán đến việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo đường biên giới giữa quốc gia này với các nước láng giềng có tổng giá trị đầu tư khoảng 58,7 tỷ USD và dự kiến sẽ thông xe vào năm 2032. Đáng chú ý là năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đạt mức kỷ lục mới, lên tới hơn 1.748 nghìn tỷ VND, đưa thặng dư tài chính vượt mốc 200.000 tỷ VND và tạo nguồn lực tài chính dồi dào để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Với sự ổn định, lành mạnh về tài chính cùng với khả năng mở rộng của nền kinh tế, 3 tổ chức xếp hạng uy tín hàng đầu thế giới là Moody’s, S&P và Fitch năm vừa qua đều nâng hạng mức tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á-Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục mở rộng cánh cửa tiếp cận với thị trường vốn và tài chính bên ngoài.