0236.3650403 (128)

5 BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG CỦA CÁC THƯƠNG HIỆU HÀNG ĐẦU TẠI MỸ (PHẦN 2)


Ø    Đầu tư lâu dài và liên tục cho thương hiệu

Về quảng cáo có lẽ các công ty của Mỹ luôn đứng đầu trong danh sách với mức chi hàng tỉ USD. Họ không bao giờ hà tiện cho việc chi tiền  nhằm làm cho nhiều khách hàng nhận biết và yêu thích các thương hiệu của mình.

Thành công của Nike một thương hiệu ra đời chỉ cách đây khoảng bốn thập kỷ nhưng đã vượt qua những người khổng lồ đã tồn tại cả trăm năm như Adidas, Reebok là một minh chứng. Vào năm 1988, một năm sau khi Nike tung ra thị trường giày Air Max, một loại giày đa năng có thể sử dụng trong nhiều môn thể thao, Nike đã tiến hành một chiến dịch quảng cáo có tên gọi “Hãy làm điều bạn muốn”. Chiến dịch quảng cáo này không chỉ thuần tuý nói đến các môn thể thao mà nó còn mời gọi người xem, khiến họ ước ao được chơi thể thao, được hoạt động với đôi giày Air Max. Chiến dịch quảng cáo này giờ đây vẫn được lưu giữ tại triển lãm về nước Mỹ ở bảo tàng quốc gia Smithsonion. Nó thật sự trở thành một phần của lịch sử  nước Mỹ. Phương thức quảng cáo có được hiệu quả cao là do Nike luôn tìm cách cộng tác với những vận động viên thể thao nổi tiếng và giành được vị trí là nhà cung cấp sản phẩm cho các sự kiện thể thao lớn của khu vực cũng như quốc tế.

Ø    Luôn hoàn thiện và đổi mới

P&G là thương hiệu tích cực đổi mới và đảm bảo tính hữu dụng của sản phẩm. Họ tung ra những nhãn hiệu đem lại lợi ích mới cho người tiêu dùng, chứ không phải những nhãn hiệu chỉ được hậu thuẫn bằng chiến dịch quảng cáo rầm rộ. P&G phát hiện thấy rằng các bậc cha mẹ  ngại phải giặt tã lót, nên đã cải tiến tã lót giấy Pampers dùng một lần. Họ kiểm nghiệm rất kỹ lưỡng sản phẩm mới của mình qua các khách hàng và chỉ sau khi thấy nó được ưa thích thực sự mới tung ra thị trường.

Khái niệm về sản phẩm của Nike không chỉ bao gồm giày, quần áo và thiết  bị mà còn gồm cả các cơ sở và quy trình tạo ra những sản phẩm này. Do đó, chiến lược về đổi mới sản phẩm của Nike là nhằm giải quyết hai vấn đề lâu dài: Loại bỏ chất thải và loại bỏ chất độc hại. Để thực hiện được hai mục tiêu này, Nike lập ra chu kỳ vòng đời cho các sản phẩm của mình. Chu kỳ này bắt đầu từ khâu cắt nguyên liệu, sản xuất, phân phối và kéo dài cho đến tận khi sản phẩm được sử dụng. Bên cạnh đó, Nike tìm nhiều cách nhằm đưa tiêu chuẩn sản phẩm ổn định vào các cuộc họp kinh doanh của công ty.

Sái Thị Lệ Thủy