0236.3650403 (128)

BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI TRONG THỜI GIAN GẦN ĐÂY


Tình hình biến động tỷ giá:

Sau khi tăng mạnh  trong tháng 8 và 9, có lúc tỷ giá đã lên gần chạm mức trần 22.547 đồng/đô la Mỹ, sang đầu tháng 10 tỷ giá hối đoái bắt đầu giảm dần. Khởi đầu cho đợt giảm giá là ngày 5/10/2015, tỷ giá do Vietcombank công bố giảm chỉ còn 22.500/22.440 đồng/đô la Mỹ (giá ngân hàng bán ra/mua vào). Mặc dù có những thời điểm giá có tăng nhẹ nhưng đà giảm giá vẫn giảm. Đến đầu tháng 11, tỷ giá lại quay đầu sang chiều hướng tăng nhẹ. Giá đô la Mỹ tăng đồng loạt 15-20 đồng ở hầu hết các ngân hàng lên mức mua vào 22.280 đồng và bán ra 22.360 đồng vào ngày 4/11/2015. Dự kiến sự tăng giá này sẽ còn kéo dài cho đến cuối năm.

Nguyên nhân của sự biến động

-         Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ giá USD/VND giảm trong tháng 10. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cầu giảm nhẹ. Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước được ban hành và có hiệu lực vào 5-10-2015 chưa có tác động quá lớn đến nhu cầu đô la Mỹ của thị trường, nhưng sẽ có tác động lâu dài đến nhu cầu đô la Mỹ. Mặt khác, lãi suất ngoại tệ giữ nguyên không tăng theo công bố của ngân hàng nhà nước sau khi FED tuyên bố không tăng lãi suất. Với mức lãi suất USD cực thấp như hiện nay không khuyến khích người dân mua ngoại tệ để gởi ngân hàng chờ khi lên giá thì sẽ bán. Việc giảm lãi suất đô la Mỹ và ra quy định yêu cầu các quản lý chặt chẽ giao dịch ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước để tránh tình trạng mua đô la Mỹ để găm giữ cũng được xem là nguyên nhân giúp giảm bớt áp lực về nhu cầu đô la Mỹ.

-         Xu hướng tăng của đồng đô là trong thời gian tới là do kỳ hạn trả khoản nợ trái phiếu 750 triệu đô la Mỹ mà Chính phủ đã phát hành 10 năm trước là năm 2016. Cho dù việc này đã được lên kế hoạch từ cuối năm 2013, đầu 2014 nhưng thời điểm trả khoản nợ này và thời điểm Chính phủ đề xuất phát hành 3 tỉ đô la Mỹ ra thị trường vốn quốc tế để tái cơ cấu các khoản vay trong nước khiến những quan ngại về xu hướng nợ nước ngoài gia tăng trở lại.

Chính sách nhà nước

-         Nhà nước ban hành thông tư số 15, có hiệu lực vào ngày 5/10/2015 nhằm mục đích ngăn chặn việc găm giữ đồng đô la để đầu cơ. Bất cứ giao dịch ngoại tệ nào của khách hàng với ngân hàng cũng đều phải có chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng. Trong khi đó, khách hàng doanh nghiệp lâu nay vẫn quen với việc cung cấp các chứng từ khi mua đô la Mỹ. Với quy định yêu cầu ngân hàng kiểm soát chặt để không bán đô la Mỹ quá sớm cho doanh nghiệp so với hạn thanh toán. Do đó, hiện nay, về nhu cầu thanh toán bằng đô la Mỹ của khách hàng, các ngân hàng đang kiểm soát rất chặt.

-         Nhà nước không tăng lãi suất đô la mà còn giảm lãi suất xuống rất thấp. Hiện nay, lãi suất huy động ngoại tệ của doanh nghiệp chỉ còn 0%. Điều này làm cho các doanh nghiệp cũng như người dân không gởi bằng ngoại tệ mà chuyển sang gởi bằng VND làm cho cầu về ngoại tệ trên thị trường hạ nhiệt.

-         Luật NSNN sửa đổi có hiệu lực từ năm 2017 cho phép phát hành TPCP ra nước ngoài để cơ cấu lại nợ, bù đắp bội chi. Nhưng hiện tại Luật quản lý nợ công (điều 28) quy định không đựợc phép phát hành TPCP ra nước ngoài để cơ cấu lại các khoản nợ trong nước. Hai điều luật này đang mâu thuẩn nhau trong khi kỳ hạn trả nợ 750 triệu đô la Mỹ vào năm 2016 đã đến.

Quan điểm cá nhân:

 Nhà nước không nên giữ cách điều hành tỷ giá như bốn năm qua đã điều hành mặc dù với các điều hành đó giữ được thị trường tương đối ổn định trong thời gian qua vì:

-         Thị trường sẽ dễ gặp rủi ro nếu tiếp tục đưa ra một khoảng biến động tỷ giá cho cả năm 2016. Bối cảnh của nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, thế giới càng bộc lộ nhiều biến động khó lường.

-         Ngân hàng Nhà nước không nên tự tạo áp lực cho mình khi đặt ra một cam kết cứng. Thực tế bốn năm qua, để đảm bảo cho giá trị của sự ổn định, nhà điều hành đã phải nhận về nhiều áp lực và khó khăn, cả sự đánh đổi nhất định giữa các mục tiêu và giá trị khác… Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bỏ mặc thị trường, doanh nghiệp và người dân tự ứng phó với những biến động và rủi ro của tỷ giá, mà luôn bám sát, linh hoạt để can thiệp khi cần.

-         Thứ ba, rủi ro xung đột chính sách cũng là điểm được lưu ý nếu tiếp tục đưa ra khoảng biến động cụ thể như bốn năm qua, bởi tỷ giá có mối liên hệ chặt chẽ với các cân đối, các chính sách vĩ mô khác, trong khi khó cùng lúc thực hiện đa mục tiêu.

Nguyễn Thị Tuyên Ngôn – Khoa QTKD