0236.3650403 (128)

Các hình thức thâm nhập thị trường quốc tế thông qua hình thức đầu tư của các công ty quốc tế


Chi nhánh sở hữu toàn bộ

Đây là hình thức thâm nhập thị trường nước ngoài thông qua đầu tư, trong đó công ty sẽ thiết lập một chi nhánh ở nước sở tại, do công ty sở hữu 100% vốn và kiểm soát hoàn toàn. Chi nhánh sở hữu 100% vốn có thể được thiết lập bằng cách xây dựng mới hoàn toàn (như nhà xưởng, văn phòng và thiết bị), hoặc bằng cách mua lại một công ty trên thị trường nước sở tại, tiếp quản các cơ sở và hoạt động sẵn có của nó. Việc thiết lập mới hay mua lại là phụ thuộc vào chiến lược của từng chi nhánh trong tương lai

Chi nhánh sở hữu toàn bộ được thực hiện dưới hai hình thức:

- Mua lại: Đây là chiến lược mua lại việc kiểm soát hay 100% lợi ích từ công ty khác, và biến công ty bị mua lại thành một đơn vị kinh doanh phụ thuộc.

- Xây dựng mới: Mặt khó khăn lớn nhất của việc thiết lập mới là vấn đề thời gian xây dựng, thuê và đào tạo công nhân. Ngược lại, mua lại một công ty địa phương có khả năng tiến hành các hoạt động marketing và tiêu thụ hàng hóa có thể tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho công ty. Bằng việc tiếp quản các cơ sở và hoạt động hiện có của một công ty trên thị trường, công ty mẹ có thể đưa ra chi nhánh này vào hoạt động một cách tương đối nhanh chóng. Mua lại là một chiến lược đặc biệt tốt khi công ty địa phương đang các mác nhãn sản phẩm, tên hiệu và quy trình công nghệ có giá trị.

Liên doanh

Trong những tình huống nhất định, các công ty muốn được chia sẻ quyền sở hữu đối với một đối tác trong hoạt động kinh doanh. Một công ty riêng biệt được thành lập và đồng sở hữu bởi ít nhất hai pháp nhân độc lập để đạt được những mục tiêu kinh doanh chung được gọi là một công ty liên doanh. Các đối tác trong liên doanh có thể là các công ty tư nhân, các cơ quan chính phủ hoặc các công ty do chính phủ sở hữu.  Mỗi bên có thể đóng góp bất kể thứ gì được các đối tác đánh giá là có giá trị, bao gồm khả năng quản lý, kinh nghiệm marketing, khả năng tiếp cận thị trường, công nghệ sản xuất, vốn tài chính và các kiến thức cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển.

Liên minh chiến lược

            Đôi khi các công ty sẵn sàng hợp tác với nhau nhưng không muốn đi quá xa để thành lập một công ty liên doanh riêng biệt. Mối quan hệ từ hai pháp nhân trở lên (nhưng không thành lập ra thêm một pháp nhân riêng biệt) để đạt được những mục tiêu của mỗi bên được gọi là liên minh chiến lược. Cũng giống như liên doanh, các liên minh chiến lược có thể được thành lập trong một thời gian tương đối ngắn hoặc trong nhiều năm, phụ thuộc vào những mục tiêu của các bên tham gia. Các liên minh có thể được thành lập giữa các công ty và những nhà cung cấp của họ, các khách hàng của họ, thậm chí với các đối thủ cạnh tranh của họ. Để thành lập ra những liên minh như vậy, thông thường một bên sẽ mua lại cổ phần của bên kia. Như vậy là các bên đều có lợi ích trực tiếp gắn với kết quả hoạt động trong tương lai của các đối tác kia.

Trần Nam Trang