0236.3650403 (128)

CÁC LÝ THUYẾT PHÂN TÍCH VỀ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TỔNG NĂNG SUẤT CÁC YẾU TỐ (TFP )CỦA DOANH NGHIỆP


Dựa trên quan điểm của Coelli và cộng sự (2005) về bốn thành tố ảnh hưởng đến tăng trưởng TFP thì có rất nhiều các lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm được tiến hành để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng TFP. Các yếu tố được cho rằng ảnh hưởng đến tiến bộ công nghệ, hiệu quả trong sản xuất, tính kinh tế theo quy mô và phân bổ hiệu quả thì sẽ làm thay đổi tổng năng suất các yếu tố của doanh nghiệp. 

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh (Endogenous theory)

Arrow (1952); Lucas (1988); Romer (1990); Jones (1995); phát triển dòng lý thuyết tăng trưởng nội sinh hay là lý thuyết tăng trưởng mới nhằm giải thích nguồn gốc của tiến bộ công nghệ mà lý thuyết tăng trưởng cổ điển không được giải thích được. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh không xem tiến bộ công nghệ là yếu tố ngoại sinh và cho rằng tiến bộ công nghệ là do ảnh hưởng của các yếu tố như nguồn vốn nhân lực (Lucas, 1988) và hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (Romer, 1990 và Jones, 1995). Theo mô hình Romer (1990) thì hoạt động nghiên cứu và phát triển tác động đến TFP thông qua hai kênh. Một là hoạt động R&D sẽ giúp tạo ra hoạt động đổi mới quy trình mà cho phép các sản phẩm hiện tại được sản xuất hiệu quả hơn (chi phí thấp hơn). Hoạt động R&D cũng có thể tạo ra hoạt động đổi mới sản phẩm mà làm tăng TFP nếu như sản phẩm mới được sản xuất hiệu quả hơn hoặc bằng việc sử dụng công nghệ tốt hơn là sản phẩm hiện tại (sự dịch chuyển hàm sản xuất). Kênh thứ hai mà hoạt động R&D ảnh hưởng đến TFP đó chính là thông qua việc phát triển năng lực hấp thu (absorptive capacity) (xem Zahra và George, 2002). Năng lực hấp thu cho phép nhận dạng, đồng bộ hóa và khai thác các hoạt động đổi mới được tiến hành bởi các doanh nghiệp khác và các chuyên viên R&D khác như là trường đại học, viện nghiên cứu và do đó sẽ dẫn đến sự cải thiện trong TFP.

Lý thuyết thương mại 

Theo Melitz (2003); Bernard và cộng sự (2003); Helpman và cộng sự ( 2004) nếu xem TFP là trình độ công nghệ hay kiến thức liên quan đến công nghệ và sự thay đổi trong TFP là do tiến bộ công nghệ thì lý thuyết thương mại cho rằng chính hoạt động giao thương sẽ dẫn đến làm tăng trữ lượng kiến thức liên quan đến công nghệ và do đó sẽ dẫn đến tiến bộ công nghệ và cuối cùng là tăng tổng năng suất các yếu tố.  Theo lý thuyết này thì trữ lượng kiến thức công nghệ được lan tỏa thông qua các kênh khác nhau. Kênh đầu tiên đó là hàng hóa nhập khẩu. Việc nhập khẩu hàng hóa tân tiến có thể gia tăng trữ lượng kiến thức. Kênh thứ hai đó là thông qua FDI (Borensztein và cộng sự, 1998). Theo đó quốc gia nhận được vốn FDI được kỳ vọng đạt được lợi ích từ các ngoại tác tích cực do FDI mang lại. Các ngoại tác này bao gồm việc lan tỏa kiến thức do chuyển giao công nghệ, giới thiệu quy trình mới và kỹ năng quản lý, bí mật kinh doanh. Phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy ảnh hưởng FDI lên TFP và tăng trưởng còn phù thuộc vào các yếu tố khác như nguồn nhân lực Borensztein và cộng sự (1998) và sự phát triển của thị trường tài chính trong nước Alfaro và cộng sự (2003); môi trường kinh doanh của quốc gia nhận FDI đặc biệt là môi trường vĩ mô. Các lập luận của trường phái lý thuyết thương mại được củng cố trong các nghiên cứu thực nghiệm như Grossman and Helpman (1991) và Barro (1996), Edwards (1997) và rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm khác cho thấy rằng các quốc gia mà mở cửa giao thương càng nhiều thì càng có có lợi ích nhiều từ việc khuyến khích công nghệ và ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng TFP. Dollar và Kraay (2004) tìm thấy bằng chứng rằng việc mở cửa thương mại sẽ dẫn đến tính kinh tế theo quy mô và tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, các nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy rằng việc mở cửa thương mại sẽ gia tăng lợi ích khi đi kèm với các chính sách hỗ trợ cho thương mại như chính sách vĩ mô, thể chế hỗ trợ thị trường; thị trường lao động linh hoạt (Chang và cộng sự, 2005)

Lý thuyết thể chế (Institution theory)

Cách tiếp cận thể chế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường thể chế mà hỗ trợ thị trường (bảo vệ quyền sở hữu tài sản, thực thi hợp đồng). Trong các bài viết của  Williamson (1987), Scully (1988), Coase (1960), North (1991), Baumol (1993), Barro (1996),  Hall và Jones (1999), Acemoglu và Johnson và Robinson (2001, 2005), Johnson và  cộng sự (2002), Djankov và cộng sự (2002), Kaufmann và cộng sự (2005), Cull and Xu (2005) phản ánh các khía cạnh của thể chế.  Theo lý thuyết này, môi trường thể chế đóng góp vào năng suất bằng cách tạo điều kiện để hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp và hướng các nỗ lực của doanh nghiệp đến các hoạt động có năng suất. Coase (1960) chỉ ra rằng trong mô hình cổ điển giả định đó là chi phí giao dịch là bằng không. Tuy nhiên, trong thực tế thì chi phí giao dịch thì không bằng không. Coase lập luận rằng môi trường thể chế tốt sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và từ đó giúp họ yên tâm hoạt động và tăng cường các hoạt động đầu tư và giúp tăng năng suất. Theo Aron (2000) môi trường thể chế tốt sẽ làm gia tăng hiệu quả năng suất bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ và chuyển giao công nghệ. Cụ thể quyền sở hữu rõ ràng và hợp đồng có tính thực thi cao sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh mà khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn hơn, sử dụng công nghệ tốt hơn và giúp doanh nghiệp có tính cạnh tranh hơn. Trong thực tế, môi trường thể chế tốt đã được chứng minh thực nghiệm là có mối quan hệ đồng biến với đầu tư; hiệu quả kỹ thuật (Mauro, 1995; Murphy và cộng sự, 1993); Friedman và cộng sự, 2000); Doh và cộng sự, 2003); Delios và Henis, 2003; Klein và Luu, 2003; Henisz, 2004; Depken và LaFountain, 2006).

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN