0236.3650403 (128)

CÁC NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM VỀ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CÓ TÁC ĐỘNG CÙNG CHIỀU TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ


Nhiều nghiên cứu cho thấy giữa FDI và tăng trưởng kinh tế tồn tại mối quan hệ tích cực. Zhang (2001) cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, không chỉ tạo ra nhu cầu về vốn FDI mà còn cung cấp cơ hội tốt hơn để tạo ra lợi nhuận và do đó

thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn FDI. Thêm vào đó, FDI có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và hỗ trợ phát triển kinh tế của các nền kinh tế chủ nhà thông qua tác động trực tiếp và hiệu ứng lan tỏa gián tiếp.

Kết quả nghiên cứu của Borensztien et al. (1998) cho thấy FDI là một phương tiện quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ góp phần làm tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn so với đầu tư trong nước. Blomstrom et al. (1992) và Rodriguez-Glare (1996) cũng cho rằng FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước sở tại thông qua chuyển giao công nghệ và hiệu ứng lan tỏa. Việc chuyển giao công nghệ trực tiếp từ các doanh nghiệp đa quốc gia đối với các chi nhánh địa phương giúp các nước tiếp nhận FDI tiếp thu công nghệ mới trong sảnxuất.

Li và Liu (2005) sử dụng dữ liệu của 84 quốc gia giai đoạn 1979-1999, với phương pháp ước lượng FE và RE để đánh giá tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả cho thấy FDI tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Soto (2000) sử dụng dữ liệu của 44 quốc gia giai đoạn 1986-1997, dùng mô hình năng động trên cơ sở của Barro và Sala-I-Martin (1995) để nghiên cứu tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế với phương pháp ước lượng GMM sai phân. Kết quả cho thấy dòng vốn FDI tác động dương và có ý nghĩa thống kê đối với tăng trưởng kinhtế.

Balasubramanyam et al. (1996) điều tra vai trò của FDI trong quá trình tăng trưởng của 46 nước đang phát triển khác nhau về thương mại, chính sách, thể chế giai đoạn 1970-1985, dùng hồi quy OLS. Họ tìm thấy FDI đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu. Hansen và Rand (2006), nghiên cứu 31 nước đang phát triển giai đoạn 1970-2000, phát hiện quan hệ cùng chiều giữa FDI và GDP.

Basu và Guariglia (2007) sử dụng dữ liệu của 119 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1970-1999. Kết quả, FDI tác động dương đến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực, đồng thời làm giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP.

Wang (2002) khám phá FDI đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất, với việc sử dụng dữ liệu từ 12 nền kinh tế châu Á trong giai đoạn 1987-1997. Gần đây, Aviral Kumar Tiwari, Mihai Mutascu (2011) kiểm tra tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á thông qua nghiên cứu phân tích dữ liệu bảng giai đoạn 1986-2008. Kết quả thấy rằng FDI và xuất khẩu có tác động tích cực đến quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, lao động và vốn cũng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của các nước châuÁ.

Các tác giả Caves (1974), Globerman (1979), Blomstrom và Persson (1983), khi nghiên cứu về tác động của FDI đến nước nhận đầu tư đã tìm thấy bằng chứng có sự tồn tại của tác động lan tỏa thông qua việc FDI có tác động đến năng suất lao động địa phương ở các công ty Australia, Canada và Mexico. Và qua đó cho thấy FDI có tác động quan trọng và tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Aitken et al. (1997) áp dụng dữ liệu trên 2.104 nhà máy sản xuất ở Mexico giai đoạn 1986-1990. Họ nhận thấy rằng công ty đa quốc gia có xu hướng tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực xuất khẩu đối với các doanh nghiệp trongnước.

Frank và Mei-Chu (2007), bằng cách sử dụng dữ liệu 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn quốc, Đài loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái lan) giai đoạn 1986-2004 với dữ liệu bảng và hồi quy FE, RE phát hiện FDI có tác động một chiều trực tiếp lên GDP và gián tiếp lên GDP thông qua xuất khẩu và tồn tại quan hệ nhân quả hai chiều giữa xuất khẩu và GDP.

Mahnaz Rabiei, Zohreh Ghavam Masoudi (2012), trong nghiên cứu về FDI và tăng trưởng kinh tế ở tám nước bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigergia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 1980-2009 cho thấy FDI tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Athukorala và Menon (1995) cho thấy FDI tác động đến Malaysia về chuyển giao công nghệ và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động. FDI cũng góp phần gián tiếp đến tăng trưởng thông qua sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các chi nhánh nước ngoài và sự phổ biến của kỹ năng lao động trong nền kinh tế khi các nhân viên di chuyển đến các công ty thuộc sở hữu trong nước.

Gần đây, Mihai Daniel Roman và Andrei Padureanu (2012) đề xuất mô hình cho mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế trong quá trình chuyển đổi ở Romania, tác giả sử dụng mô hình tân cổ điển với chức năng sản xuất Cobb- Douglas để phân tích tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế. Kết quả, kinh tế Romania tăng trưởng từ ảnh hưởng tích cực của chính sách tài khóa, FDI và từ mức độ hòa nhập vào EU.

Hsiao (2006) thiết lập mô hình trong trường hợp của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Kết quả, FDI có tác động tích cực một chiều trực tiếp lên GDP và gián tiếp thông qua xuất khẩu. Kueh (1992) nghiên cứu các vùng duyên hải của Trung Quốc, kết luận FDI đóng góp có ý nghĩa vào tổng vốn Đầu tư cũng như tăng trưởng sản lượng và xuất khẩu.

Trong các phân tích dữ liệu chuỗi thời gian, Bende-Nabende và Ferd (1998) sử dụng hệ phương trình đồng thời nhằm phân tích sự tăng trưởng kinh tế ở Đài Loan đối với FDI và chính sách của chính phủ. Hai tác giả đã xác định được FDI có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chính sách có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là nhân tố phát triển cơ sở hạ tầng và tự do hóa.

Nghiên cứu của Mohd Shahidan Bin Shaari, Thien Ho Hong & Siti Norwahida Shukeri (2012), sử dụng mô hình VAR kiểm tra hiệu quả của FDI trên GDP hàng năm ở Malaysia trong giai đoạn 1972 – 2010. Kết quả cho thấy sự gia tăng của FDI có tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế ở Malaysia. Cụ thể, 1% tăng trưởng FDI tạo ra mức tăng 49,1% GDP của Malaysia. Từ đó cho thấy GDP có quan hệ nhân quả đối với FDI và ngược lại.

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN