0236.3650403 (128)

Các sự kiện của Công ty năm 2013, 2014 ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng trong hiện tại và trong thời gian đến.


1. Các yếu tố kinh tế

-  Điều kiện kinh doanh đã bắt đầu khó khăn hơn trong 2013

Trong năm 2013, do ảnh hưởng sự khó khăn của nền kinh tế đồng thời DRC đã phải gia tăng mạnh chi phí chiết khấu và bán hàng trả chậm lên 32 tỷ đồng, so với mức 18 tỷ đồng trong năm 2012.

Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh đang gặp những trở ngại nhất định, do điều kiện kinh doanh khó khăn hơn trong năm qua.

-  Thuận lợi từ giá cao su tự nhiên dự đoán tiếp tục thấp trong năm 2014

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2014, khối lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu đạt khoảng 55.000 tấn, đạt giá trị 140 triệu USD, tăng mạnh 77,5% về lượng và 62,6% về giá trị so với tháng, nhưng giảm 1,1% về lượng và giảm 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước do giá giảm. Giá cao su xuất khẩu trong tháng 3/2014 bình quân đạt 2.545 USD/tấn, giảm 8,4% so với tháng trước và giảm mạnh 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 2/2014 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nên lượng xuất khẩu cao su khá thấp, kéo theo lượng cao su xuất khẩu trong quý 1/2014 chỉ đạt khoảng 194.489 tấn, giảm 9,3%, giá trị đạt 521.504 ngàn USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu bình quân trong quý 1/2014 đạt 2.681 USD/tấn, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.Giá cao su giảm trên thị trường giá xuống ¼ do dự trữ gia tăng ở Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm từ nước tiêu thụ cao su được sử dụng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới. 

- Lãi suất có xu thế giảm trong thời gian

Lãi suất đang có xu thế giảm trong thời gian tới giúp chi phí vay giảm và giá cổ phiếu thường tăng lên.

2. Các yếu tố phi kinh tế

Các yếu tố phi kinh tế bao gồm các yếu tố về chiến tranh, thay đổi cơ cấu Chính phủ, thay đổi về thời tiết…Ở thị trường Việt Nam với điều kiện nền chính trị ổn định, măt khác thị trường chứng khoán chưa phát triển nên yếu tố này ít ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của DRC.

3. Các yếu tố thị trường

-  LNST năm 2013 tăng 28% so với năm trước.

Theo BCTC chưa kiểm toán, doanh thu của DRC trong năm 2013 xấp xỉ đạt kế hoạch năm với 2,895 tỷ đồng, tăng nhẹ 5.6% so vơí năm 2012. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế lại lên đến 312.5 tỷ đồng, tăng mạnh 58.2% so với năm trước và vượt 81% kế hoạch năm.

Lợi nhuận của DRC tăng trưởng vượt bậc chủ yếu nhờ giá nguyên liệu cao su đầu vào đã sụt giảm mạnh trong năm qua, tạo điều kiện cho tỷ lệ lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ mức 15.8% năm 2012 lên mức 21.3% trong năm 2013.

Tiềm năng tăng trưởng đến từ 2 dự án chính

1.  Dự án sản xuất lốp xe tải radial giúp gia tăng khả năng tăng trưởng của DRC trong năm 2014 và tương lai. Dự án sản xuất lốp xe tải radial công suất 600,000 lốp/năm với tổng vốn đầu tư 2,993 tỷ đồng (trong đó vốn tự có 30%, vay ngân hàng 70%) với 2 giai đoạn từ 2011-2016.

Vốn đầu tư: Dự án có 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư là 2.992 tỷ đồng.

Tiến độ:

- Có sản phẩm đầu tiên vào ngày 25/03/2013

- Khánh thành nhà máy vào ngày 29/06/2013 và ký hợp đồng với Stamford Tires International tiêu thụ 10.000 lốp Radial/ tháng

- Tổng vốn đầu tư cho dự án đến cuối Q2/2014 ước tính khoảng 1700 tr đồng, trong đó vốn vay khoảng 1.100 tỷ đồng chiếm 65% tổng vốn đầu tư. DRC gần như hoàn thành đầu tư cho giai đoạn 1 cho dự án Radial

2. Việc di dời và nâng cấp nhà máy nhiều khả năng sẽ được tiến hành trong năm 2014. Theo kế hoạch, DRC dự kiến sẽ tiến hành việc di dời và nâng công suất nhà máy từ 500,000 đơn vị/năm lên 780,000 đơn vị/năm; với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 580 tỷ đồng.

Công suất trước và sau khi di dời

Đơn vị: (chiếc)

Trước di dời

Sau di dời

Lốp ô tô

500.000

780.000

Săm ô tô

400.000

800.000

Yếm ô tô

N/A

390.000

Tổng vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư ( tỷ đồng)

674

+Trong đó

 

- Tài sản cũ

94

- Đầu tư mới

            580

+ Tài trợ bởi

 

- TP. Đà Nẵng hỗ trợ

160

- Vốn vay

380

- Vốn tự có

40

Tiến độ

- Thời gian thực hiện từ Q1/13 đến tháng 6 năm 2014

- Tính đến cuối năm 2013 đã giải ngân được 61 tỷ đồng, phần lớn dùng để xây dựng nhà xưởng

- Lợi nhuận 6T/2014 tăng mạnh nhờ giảm giá vốn hàng bán

Tính từ đầu tháng 5 trở lại đây, giá cổ phiếu của CTCP Cao Su Đà Nẵng (HOSE: DRC) đã tăng mạnh từ 31,600 đồng/cp lên đến 40,500 đồng/cp (23/09), tương ứng với mức sinh lợi 28%.

Khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của DRC trong giai đoạn này đạt khoảng 653 ngàn đơn vị, tăng nhẹ 15.4% so với khối lượng trung bình trong 52 tuần ở mức 566 ngàn đơn vị.

- Lợi nhuận gộp kỳ vọng tiếp tục tăng nhờ hưởng lợi từ giá cao su giảm

Hiện chi phí cao su đang chiếm tới 49% chi phí nguyên vật liệu của DRC, tiếp theo là vải mành chiếm 16%, carbon đen chiếm 9%. Do vậy, giá cao su sẽ có tác động rất lớn đến lợi nhuận của công ty.

Giá cao su đang có xu hướng sụt giảm mạnh, với nguyên nhân chính là do thị trường Trung Quốc vẫn đang thừa cung khá lớn. Tính từ đầu năm đến nay, giá cao su giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Singapore đã giảm từ 144.51 US/pound xuống 116.53 US/pound, tương ứng với mức giảm đến 19.36%.

Diễn biến trên thị trường chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá cao su sẽ tăng trở lại. Vì vậy, dự báo DRC có thể duy trì chi phí giá vốn thấp và tiếp tục cải thiện được mức lợi nhuận gộp trong thời gian tới.

- Nợ vay tiếp tục gia tăng trong năm 2014 do di dời nhà máy.

Dự kiến chi phí lãi vay và khấu hao của dự án Radial sẽ được bút toán trong 6 tháng cuối năm 2014. Ước tính chi phí khấu hao tăng them từ dự án Radial khoảng 79,6 tỷ đồng, chi phí lãi vay từ các khoản vay tài trợ cho sự án tăng. Hiện tại lãi suất áp dụng cho các khoản vay tài trợ dự án radial chịu lãi suất 12,5%/năm đối với các khoản vay bằng tiền đồng, đối với các khoản vay bằng USD lãi suất là 7,2%/năm. 

Tính đến cuối năm 2013, chi phí giải ngân cho việc di dời nhà mày mới chỉ gần 19 tỷ đồng. Nhiều khả năng DRC sẽ đẩy mạnh thực hiện dự án này trong năm 2013 khi giai đoạn 1 dự án sản xuất lốp Radian đi vào hoạt động. Do đó, nhiều khả năng nợ vay của DRC sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2014. Theo kế hoạch, nguồn vốn tài trợ cho dự án di dời này có 60% từ nợ vay và 40% vốn tự có.

Bên cạnh đó, nhiều khả năng nợ vay của DRC sẽ tiếp tục gia tăng do thực hiện việc di dời và mở rộng nhà máy. Nhiều khả năng việc di dời này sẽ hoàn thành trong năm 2014, và chi phí lãi vay mới cũng sẽ khiến chi phí tài chính của DRC tăng thêm.

- Thương hiệu và thị phần lớn có thể giúp đảm bảo tăng trưởng

Hiện DRC đang chiếm tới hơn 30% thị phần lốp ôtô tải tại thị trường Việt Nam; trong khi các sản phẩm săm lốp ô tô chiếm hơn 82% doanh thu của DRC trong năm 2012.

Thị trường nội địa chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu của DRC, tỷ lệ xuất khẩu trên doanh thu chỉ khoảng 10%. Khách hàng lớn gồm có Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, CTCP Ôtô Trường Hải (đối tác chiến lược của DRC)...

Hiện DRC có 91 đại lý ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, trong đó 43 đại lý chuyên phân phối săm lốp ôtô, còn lại là các đại lý phân phối săm lốp xe máy và xe đạp.

Rủi ro đối với giá cổ phiếu. Biến động về giá cao su tự nhiên là rủi ro lớn nhất mà DRC sẽ phải đối mặt. Bên cạnh đó là rủi ro tài chính từ việc gia tăng vay nợ để thực hiện các dự án.

Tổng qua điều kiện kinh tế ngành và kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Công ty

Ngànhsăm lốp Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15% doanh thu toàn ngành.

-         Về kinh tế:

Ngành săm  lốp luôn gắn liền với tăng trưởng của nền công nghiệp ôtô. Một nền kinh  tế  có sức khỏe  tốt  thì ngành ô tô mới phát  triển bền vững được. Trong những năm gần đây, nền kinh  tế nước  ta gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất trì tệ, tồn kho cao, thâm hụt ngân sách, lạm phát…ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng ngành ô tô và săm lốp.Công ty cũng chịu tác động không nhỏ từ sự biến động này.

-         Tình hình biến động của lãi suất

Việc chỉ số lãi suất ngân hàng trong thời gian gần đây cũng có biến chuyển đáng kể, các ngân hàng đang trên bước đà giảm lãi suất cho vay. Điều này tạo điều kiện cho việc vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ riêng cho DRC mà còn cho các doanh nghiệp khác trên cả nước. Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm. Hầu hết các ngân hàng hiện nay tuy chưa giảm lãi suất huy động nhưng vẫn giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

-         Sản phẩm:

Sản phẩm săm lốp trên  thị  trường Việt Nam rất phong phú và đa dạng: săm  lốp xe đạp, xe máy, ô tô, đến các lốp đặc chủng dành cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…Săm lốp của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá gây gắt của của các thương hiệu nước ngoài như Kumho, Bridgestone, Michelin…Điều đáng lo ngại là trong khi các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sử dụng máy móc, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan…, thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại sử dụng công nghệ từ chính công ty mẹ như: Kumho sử dụng công nghệ Hàn Quốc, Bridgestone hay Michelin đều sử dụng công nghệ của châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó sản xuất lốp ô tô, các doanh nghiệp trong nước hầu hết sản xuất lốp bias truyền thống không phù hợp với nhu cầu hiện nay, còn các doanh nghiệp ngoại tập trung chiếm lĩnh thị phần sản phẩm lốp radial có nhu cầu ngày càng tăng.

-      Năng lực sản xuất:

Đến năm 2015, khi nhà máy lớn nhất của Bridgestone đi vào hoạt động và Cuối năm 2014 dự án sản xuất lốp radial của casumina (CSM) hoàn  thành, năng  lực sản xuất săm  lốp của Việt Nam sẽ  tăng đáng kể so với hiện nay. Ngày 26/3/2013, DRC sản xuất thành công lốp radial toàn thép với công suất nhà máy khi đi vào hoạt động  là  600,000 chiếc/năm, đây là dự án đầu tiên có quy mô lớn nhất trong ngành săm lốp Việt Nam với 2,950 tỷ đồng. 

Loại lốp bán thép PCR - LTR dành cho xe con, xe tải nhẹ và lốp bias (mành chéo) dành cho xe tải có công suất 3 triệu chiếc/năm, lốp xe máy 40 triệu chiếc/năm, lốp xe đạp 20 triệu chiếc/năm, các loại lốp chuyên dụng trong nông nghiệp, công trình là 100,000 chiếc/năm.

-         Tâm lý nhà đầu tư:

Theo thuyết lòng tin về giá cổ phiếu, yếu tố căn bản trong biến động của giá cổ phiếu là sự tăng hay giảm lòng tin của nhà đầu tư đối với tương lai của giá cổ phiếu, của lợi nhuận DN và của lợi tức cổ phần. Vào bất cứ thời điểm nào, trên thị trường cũng xuất hiện 2 nhóm người: nhóm người lạc quan và nhóm người bi quan. Khi số tiền do người lạc quan đầu tư chiếm nhiều hơn, thị trường sẽ tăng giá và khi số tiền bán ra của người bi quan nhiều hơn, thị trường sẽ hạ giá. Tỷ lệ giữa 2 nhóm người này sẽ thay đổi tuỳ theo cách diễn giải của họ về thông tin, cả về chính trị lẫn kinh doanh, cũng như những đánh giá của họ về nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.

Thị trường chứng khoán luôn là thị trường chứa nhiều yếu tố tâm lý, trước những bất ổn của yếu tố vĩ mô và lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu lan rộng nhà đầu tư trở lên thận trọng và dè dặt hơn trong quyết định đầu tư của mình./.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hà