0236.3650403 (128)

CHỈ SỐ TỔNG SẢN PHẨM QUỐC NỘI ĐIỀU CHỈNH THEO MÔI TRƯỜNG – EDP


Đỗ Văn Tính

 

Theo thông lệ quốc tế, hiện nay, GDP được tính toàn bộ kết quả đã làm ra không loại trừ phần tài nguyên mà con người đã khai thác và không loại trừ chi phí cần thiết để khôi phục lại môi trường. Ví như khi khai thác dầu khí sẽ làm tăng GDP nhưng chính nó lại làm mất đi nguồn tài nguyên quý giá mà con người đã sử dụng (khai thác). Thậm chí nếu như trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biến...bị sự cố làm tràn dầu, làm ô nhiễm môi trường nước, không khí... thì người ta còn phải chi phí thêm để khắc phục hậu quả đó. Song những chi phí này lại làm tăng GDP. Vì vậy, chúng ta cần có các chỉ tiêu mà có thể tính được tốc độ tăng trưởng của Quốc gia và phải loại trừ phần thiệt hại tài nguyên, khấu trừ những chi phí để phục hồi môi trường. Những chỉ tiêu này sẽ cung cấp cho ta cái nhìn chính xác hơn về lợi nhuận khi sản xuất và tốc độ tăng trưởng.

EDP (Environmentally Adjusted Net Domestic Product)- chỉ số sản phẩm quốc nội điều chỉnh theo môi trường là một chỉ số tổng hợp trong kế toán môi trường là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc đánh giá thực sự tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế.

I. Chỉ sốEDP (Environmentally Adjusted Net Domestic Product)

EDP (Environmentally Adjusted Net Domestic Product) được gọi là chỉ số sản phẩm quốc nội điều chỉnh theo môi trường là một chỉ số tổng hợp trong kế toán môi trường. Chỉ số này được tính toán bằng cách trừ đi các chi phí do sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường từ tổng sản phẩm quốc nội ròng (NDP). Tương ứng với giá trị gia tăng (VA) trong NDP thì ta có giá trị gia tăng điều chỉnh theo môi trường (EVA). Có hai loại chỉ số EDP, EDP I, tính toán theo giá thị trường chỉ trừ đi chi phí suy kiệt tài nguyên, và EDP II, được tính toán theo giá trị chi phí duy trì thì bao gồm cả chi phí suy thoái môi trường.

+ Chi phí do sự cạn kiệt tài nguyên. Các nước mà có nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên như gỗ, cá, các sản phẩm nông nghiệp khoáng sản và du lịch cần phải thực hiện tính toán chi phí sử dụng tài nguyên cẩn thận. Chỉ tính toán những giá trị lợi ích của việc khai thác tài nguyên mà không tính đến những mất mát vĩnh viễn từ nguồn lợi này là một sai lầm cơ bản trong phân tích tài chính kinh tế, mà hậu quả của nó có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế của quốc gia sau này. Do đó, nên coi tài nguyên như một loại vốn để tính toán chi phí.

+ Chi phí suy thoái môi trường. Việc tính toán phí tổn của ô nhiễm hay sự suy thoái môi trường không dễ dàng do chúng không thể định lượng giá trị trên thị trường như các hoạt động kinh tế. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực của nó đến sức khỏe con người và xã hội. Do đó yêu cầu đặt ra với các nhà làm chính sách đó là làm rõ những ảnh hưởng của các yếu tố này đến các hoạt động kinh tế. Ví dụ như tính toán chi phí tài nguyên thiên nhiên gắn với sự suy thoái môi trường và đưa vào các hạng mục kế toán phù hợp.

Việc đánh giá đúng các chi phí trên có thể giúp các nhà quản lý thay đổi chính sách phát triển kinh tế dựa trên tải trọng môi trường một các hợp lý hơn, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách bền vững.

Ý nghĩa của chỉ số EDP

Chỉ số EDP vốn là một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá sự tăng trưởng của một nền kinh tế, tuy nhiên chỉ số này thường bỏ qua các tác động gây tổn thấy tới môi trường của các hoạt động kinh tế từ đó cho ta thấy một bức tranh sai lệch về hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Tổng thu nhập quốc dân vì thế không thể là một chỉ số thể hiện sự phát triển bền vững của nền kinh tế nếu không có sự điều chỉnh lại. Bên cạnh đó, sự suy thoái môi trường có thể coi là một khoản chi phí trong tổng thu nhập mà có thể thay đổi đáng kẻ giữa hai quốc gia và không thể có tiêu chuẩn để so sánh theo thời gian hay địa lý. Do đó, cần tính toán chi phí suy thoái môi trường như một loại vốn từ nhiên bên cạnh vốn sản xuất và vào tổng thu nhập quốc dân. Những điều chỉnh này sẽ cung cấp cho ta cái nhìn chính xác hơn về lợi nhuận khi sản xuất, và dĩ nhiên, tốc độ tăng của những chi phí này đang tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, và EDP sẽ thấp hơn GDP. Và từ đó, nếu tại khu vực nào xảy ra tình trạng suy thoái môi trường thì chỉ số này là chỉ số hợp lý hơn chỉ số GDP cho việc đánh giá các chỉ tiêu bền vững.

Tuy nhiên chỉ số EDP cũng có những nhược điểm

- Chỉ số này chỉ cho thấy về mức độ suy giảm của môi trường hay là sự thiếu bền vững chứ không thể chứng minh được như là một bằng chứng về sự phát triển bền vững. Hơnnữa, chỉ số này được tính toán theo giá trị quy ra của tài nguyên thiên nhiên. Giá trị của tài nguyên thiên nhiên thường thay đổi hàng năm dựa theo tình hình thế giới chứ không phụ thuộc vào độ quý hiếm của tài nguyên, do đó sẽ có khả năng xảy ra là dù khai thác với số lượng lớn nhưng giá lại giảm nên do đó chi phí tài nguyên tính toán được lại giảm, đưa ra cái nhìn sai lệch. Vì vậy, cần phải tính toán dựa trên cả số lượng tài nguyên suy giảm và giá trị thị trường.

Công thức tính chỉ số EDP

EDP = ∑EVAi - ECh = NDP - EC = C + CF - CC - EC + X – M

Trong đó:

EVAi: giá trị gia tăng của công nghiệp điều chỉnh theo môi trường

ECh: chi phí suy kiệt tài nguyên và suy giảm môi trường

NDP: Tổng sản phẩm quốc nội ròng

C: tiêu dùng cá nhân

CF: cấu trúc vốn

CC: Tiêu dùng vốn cố định

EC: Chi phí môi trường

X: giá trị kim ngạch xuất khẩu

M: Giá trị kim ngạch nhập khẩu

Tùy theo cách tính toán thì chỉ số EDPi chỉ trừ đi chi phí suy kiệt tài nguyên còn EDP2 bao gồm cả chi phí suy thoái môi trường.

So sánh chỉ số EDP với GDP xanh

GDP xanh là gì

Để đo lường kết quả tổng hợp của quá trình hoạt động sản xuất của một địa phương hoặc toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong một khoảng thời gian nào đó: 1 tháng, một quý hoặc 1 năm người ta thường dùng chỉ tiêu GDP. Hiện nay, một số nhà kinh tế còn nhắc tới chỉ tiêu GDP xanh (Green GDP). Vậy Green GDP là gì? Quả thực, đến nay chưa có một khái niệm chính thức về chỉ tiêu này và các nhà thống kê cũng chưa xây dựng nội dung và phương pháp tính chỉ tiêu một cách cụ thể.

Xuất phát từ tên gọi của chỉ tiêu, chúng tôi cho rằng, GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi khấu trừ một phần chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình tái sản xuất gây ra.

GDP xanh = GDP - Chi phí để phục hồi lại môi trường như đầu kì kế toán (nói cách khác là toàn bộ các khoản chi phí nhằm tái tạo môi trường như trước khi bước vào chu kì sản xuất diễn ra).

Sự xuống cấp của môi trường do 2 nhóm nguyên nhân: Một là nhóm các nguyên nhân do kết quả của quá trình phát triển sản xuất: để tái sản xuất mở rộng người ta cần huy động các nguồn lực vào sản xuất nhiều hơn; phải thải ra môi trường nhiều chất thải hơn ở tất cả các dạng: Thể rắn, thể lỏng, thể khí... Hai là nhóm các nguyên nhân do sinh hoạt của dân cư tạo ra: Đó là các chất thải sinh hoạt hàng ngày. Nó cũng có cả chất thải rắn, khí và nước; Chỉ tiêu GDP xanh chỉ liên quan đến những chi phí để phục hồi môi trường do sản xuất gây ra. Những chi phí để làm sạch môi trường do sinh hoạt của dân cư gây ra, theo chúng tôi, nó là phần trong kết quả hoạt động của lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường.

So sánh EDP và GDP xanh

* Giống nhau. Về cơ bản cả EDP và GDP xanh đều là các chỉ số quan trọng trong việc đánh giá sự tăng trưởng của một nền kinh tế.

* Khác nhau. Như chúng ta đã biết, EDP được tính toán bằng cách trừ đi các chi phí do sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường từ tổng sản phẩm quốc nội ròng (NDP) còn GDP xanh là phần GDP còn lại sau khi khấu trừ một phần chi phí cần thiết để phục hồi môi trường do hậu quả của quá trình tái sản xuất gây ra. NDP hay sản lượng ròng, là một đo lường quan trọng về lượng sản lượng có thể được tiêu dùng, không đụng đến hay giữ nguyên trữ lượng vốn và NDP = GDP – khấu hao. Đây chính là điều khác nhau cơ bản giữa EDP và GDP xanh.

Nếu khấu hao vốn là rất lớn trên bình diện toàn nền kinh tế, thì ngay cả những mức đầu tư gộp lớn cũng có thể không đủ để hỗ trợ tăng trưởng nhanh trong dài hạn. Đó là lý do mà các sinh viên kinh tế phát triển thường chú ý nhiều hơn vào sản phẩm quốc nội ròng (net domestic product – NDP).

Trong thực tế, GDP được sử dụng thường xuyên hơn nhiều so NDP. Như Bộ Thương mại đã giải thích từ năm 1947, sản phẩm ròng là ”sự ưa thích về mặt lý thuyết... Quyết định như vậy là vì khó mà đo lường chính xác khấu hao, Bộ Thương mại đã chọn sản phẩm gộp hơn là sản phẩm ròng, và đã thực hiện điều này từ đó (cũng như hầu hết các quốc gia khác đã thực hiện). Tuy nhiên, chỉ số này vẫn là một chỉ số quan trọng để các nước định hướng chính sách kinh tế một cách hiệu quả, đặc biệt là với các nước đang phát triển, với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên khoáng sản, đất đai và các nguồn tài nguyên khác.

Chỉ số tổng số sản phẩm quốc nội điều chỉnh theo môi trường (edp) của Việt Nam và một số nước trên thế giới

Thực trạng ở Việt Nam

Từ các tài liệu mà nhóm đã nghiên cứu cho thấy, một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đồng nhất EDP và GDP xanh theo công thức:

GDPxanh = GDPtruyền thống – Thất thoát của tài nguyên thiên nhiên – Chi phí ô nhiễm/Biến đổi khí hậu.

Trong đó:

- Thất thoát tài nguyên thiên nhiên: giảm sản phẩm/chất lượng và diện tích rừng, đất sản xuất, đất dự trữ, hệ động vật và hệ thực vật, nguồn gen, hệ sinh thái, và tài nguyên khoáng sản...

- Chi phí ô nhiễm/biến đổi khí hậu: sức khỏe cộng đồng, cung cấp nước, trồng trọt, thủy sản, hạn hán, thiên tai... do kết quả của suy thoái môi trường.

Việt Nam đã đưa vào tính toán thử nghiệm GDP xanh và được thực hiện đối với tài khoản năng lượng và tài khoản ô nhiễm không khí (đối với CO2) dựa trên cơ sở dữ liệu thống kê Việt Nam đến năm 2020. Do Việt Nam chưa có số liệu về ma trận hệ số chất thải trực tiếp nên các nhà nghiên cứu đã áp dụng những số liệu đó cho CO2 từ một dự án của Viện Tài nguyên Thế giới gọi là Khuynh hướng Thế giới (EarthTrend). Để việc tính toán được ổn đinh, nền kinh tế Việt Nam cũng được chia thành 6 ngành như phân tích trong dự án của WRI. Các ngành bao gồm Điện, năng lượng khác, công nghiệp và xây dựng, giao thông, quản lý nhà nước và các ngành “khác”.

Từ bảng Input – Output năm 2017, nền kinh tế Việt Nam được tập hợp thành 6 ngành kể trên và như vậy một bảng Input – Output mới đã được thiết lập. Các tài nguyên thiên nhiên năng lượng bao gồm than, dầu thô và khí đốt đã được tính toán trực tiếp từ bảng Input – Output. Đối với các năm khác (2018- 2020), các tài khoản đã được tính toán bằng cách điều chỉnh nhu cầu cuối cùng đã tăng lên tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng của các cấu thành nhu cầu cuối cùng riêng lẻ. Hai ma trận hệ số của tài nguyên năng lượng tự nhiên và ô nhiễm không khí đã được thiết lập cho việc tính toán.

Đối với tài nguyên năng lượng. Các kết quả tính toán cho thấy giá trị to lớn của tài nguyên đã bị giảm đi do sử dụng than, dầu, khí đốt trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2017 là 36.371 tỷ đồng trong khi con số tương ứng năm 2019và 2020là 45.213 tỷ đồng và 47.931 tỷ đồng. Chỉ trong vài năm cuối, giá trị tiêu dùng tài nguyên năng lượng đã tăng 32%. Mức tăng sử dụng năng lượng dường như có khuynh hướng vượt mức tăng GDP tương ứng. Tất nhiên, cần lưu ý rằng những tài nguyên năng lượng không tái tạo này bao gồm toàn bộ tổng năng lượng đã sử dụng trong nền kinh tế. Nguyên nhân là do Việt Nam cũng nhập khẩu nhiên liệu từ các nước khác trên thế giới.

Đối với ô nhiễm CO2. Phát thải khí CO2 năm 2017 được tính toán ở mức 129,3 tấn. Năm 2020, con số tương ứng tăng lên mức 169,7 triệu tấn, tăng 31,2%. Điều này phản ánh kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào năng lượng khai khác trong nước và phát thải năng lượng đã tăng khá nhanh. Phát thải khí CO2 tăng là do xuất khẩu tài nguyên năng lượng thô như dầu thô cũng tăng đáng kể, đạt 41,6 triệu tấn trong năm 2017; 48,9 triệu tấn trong năm 2019; 61,8 triệu tấn năm 2020. Ngành điện, ngành công nghiệp và xây dựng và ngành giao thông là ba nguyên nhân chính của phát thải CO2 ở Việt Nam. Năm 2020, tỷ lệ gây ô nhiễm CO2 của những ngành này lần lượt là 22,4%, 34,9% và 27,2%. Tỷ lệ này không khác nhiều so với năm 2017, công nghiệp và xây dựng luôn là khu vực tạo phát thải CO2 ra môi trường lớn nhất. Theo cơ cấu phát thải theo nhu cầu sử dụng cuối cùng, có sự khác nhau giữa các ngành kinh tế. Trong ngành năng lượng hay ngành điện, tiêu dùng cảu hộ gia đình và chính phủ chiếm tỷ lệ vượt trội, phát thải với khoảng 50% hoặc nhiều hơn.

Ta thấy, các giá trị của GDP xanh thấp hơn đáng kể. Các con số này mới tính đến các yếu tố của hai tài khoản môi trường là tài khoản tài nguyên năng lượng và tài khoản phát thải khí (CO2), nghĩa là nó không bao gồm “mọi thứ”. Do đó, trong tương lai cần hoàn thiện chúng.

Thực trạng ở một số nước trên thế giới

Trung Quốc . Khác với Việt Nam, Trung Quốc có cách tính EDP và GDP xanh khác nhau (Ví dụ năm 1992 – 1995). EDP của Trung Quốc năm 1992 và 1995 lần lượt là 2180.9888379 nhân dân tệ và 4965.294554 nhân dân tệ, trong khi GDP xanh lần lượt là 2517.622505 và 5724.869372 nhân dân tệ  (Ming L, 2017).

Indonesia. Một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên là ở Indonesia do Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institue – WRI) thực hiện (Repetto và các đồng tác giải khác 1989). Các tác giả sử dụng số liệu tài nguyên thiên nhiên của Indonesia để ước tính GDP và EDP. Bảng 4 dưới đây cho biết những kết quả có được bởi các tác giả, ở đó EDP là GDP trừ đi sự cạn kiệt của 3 tài nguyên đã được xem xét. Tỷ lệ tăng trưởng hằng năm trung bình là 7,1% cho GDP và 4,1% cho EDP, EDP tăng trưởng chậm hơn GDP. Cột thứ tư thể hiện tỷ lệ giữa EDP và GDP. Khấu hao cơ bản chiếm một phần đáng kể của GDP. Theo như kết quả phân tích, EDP thưởng thấp hơn GDP khoảng 20%.

Austrlia. Bên cạnh đó, Young (1990) đã đưa ra một áp dụng tương tự cho Australia với những kết quả tương tự được thể hiện ở bảng 2 (Trần Thị Lệ Anh, 2010). Ông đánh giá tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản theo cách của Repetto đánh giá với dầu mỏ và xem xét tới sự cạn kiệt của tài nguyên này dựa trên một dự đoán về sự liên quan chặt chẽ của nó với thiệt hại môi trường sống.

GDP và EDP1 tương tự nhau. EDP2 ổn định theo thời gian, do ảnh hưởng của sự thay đổi giá cả thị trường và những phát hiện mới. Tiếp theo là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của EDP2 trên thực tế lớn hơn so với GDP, năm 1980 EDP2/GDP là 0.84 năm 1998 là 0.97.

Thụy Điển. Một nỗ lực gần đây để tính EDP của Thụy Điển cho thấy tầm nhìn rộng lớn hơn của các loại tài nguyên thiên nhiên, bao gồm xói mòn đất, khả năng tái tạo, quặng kim lọại và chất lượng nước. Kết quả cho thấy EDP ở Thụy Điển thấp hơn 1-2% NDP năm 1993 và 1997 (Skånberg K., 2001). Tác giả của phân tích này cũng lưu ý rằng trong việc điều chỉnh tổng thể đã không xét đến tất cả rủi ro môi trường thiệt hại, ví dụ như biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học. Tại Thụy Điển, quyền sử dụng đất của con người ảnh hưởng đến chất lượng môi trường hệ sinh thái không chỉ là câu hỏi cho chủ sở hữu đất mà còn là vấn đề của cả cộng đồng.

Các dữ liệu được đánh giá trong EDP không bao gồm tất cả các tác động môi trường gây ra bởi các hoạt động kinh tế. Các vấn đề môi trường mà một đất nước phải đối mặt, các dữ liệu sẵn có, mục đích hay các cách sử dụng phương pháp đã được xây dựng sẵn là những yếu tố quan trọng cần xem xét khi thiết kế môi trường vĩ mô. Các nước đang phát triển có thể sẽ tập trung hơn vào cạn kiệt tài nguyên và sự mất đất (thay đổi quyền sử dụng đất) hơn là tập trung vào các tác động của khí thải, vì các tác động kinh tế sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.

Thuận lợi, khó khăn và khẳ năng đạt được mục tiêu về chỉ số đối với Việt Nam trong tương lai

Khả năng xây dựng chỉ số này tại Việt Nam

Việc áp dụng tính toán các chỉ số kinh tế hay phát triển bền vững có liên quan đến yếu tố “xanh” thường rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn tại nhiều quốc gia. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia đều không liệt kê được hết các tài khoản xanh trong việc thực hiện đánh giá các chỉ số phát triển bền vững của họ mà chỉ xem xét đến một vài yếu tố (các yếu tố được xây dựng theo tiêu chuẩn hoạch toán của SEEA*), đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nước này. Bên cạnh đó, việc xây dựng và đánh giá các chỉ số xanh như EDP, GDP xanh hiện nay trên thế giới mới chỉ mang tính tự nguyện, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi nước chứ không mang tính chất bắt buộc hay dựa trên bất kì một thể chế nào. Chính vì vậy mà một số chỉ số chỉ được thực hiện tại một vài quốc gia chứ không được phổ biến trên thế giới. Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Việt Nam là một trong những quốc gia đã xây dựng và tính toán thành công chỉ số EDP hay GDP xanh tại nước này. Với nhiều đặc điểm kinh tế, xã hội tương tự Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm nhằm xây dựng một chỉ số xanh phù hợp giúp phục vụ hình thành hướng đi chính sách tương lai cho Việt Nam.

Trước mắt, việc xây dựng một bộ chỉ số xanh cho Việt Nam như GDP xanh hay EDP sẽ gặp phải những thách thức tương tự như Trung Quốc hay một số quốc gia khác.

Thứ nhất, tại nước ta, việc hoạch toán môi trường là công việc còn khá mới, do đó, việc đưa chỉ số xanh vào thực tiễn Việt Nam cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng về khuôn khổ phương pháp, thông tin, nhân lực cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần dựa trên những thông số và kinh nghiệm của các nước đi trước. Thứ hai, hầu hết các tài khoản xanh không hoạch toán các chi phí môi trường hay đo lường đầy đủ các đóng góp của môi trường. Vào năm 2010, Việt Nam mới bắt đầu đặt ra các mức ưu tiên cho các tài khoản xanh kết hợp với các tài khoản kinh tế. Riêng với chỉ số GDP xanh tại Việt Nam nằm trong hạng mục chỉ tiêu ưu tiên nhóm B trong năm 2010, tức là 3 năm sau đó mới bắt đầu thực hiện và đánh giá chỉ số. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, ta mới bắt đầu quá trình tính toán chỉ số này. Một số chuyên gia đưa ra nhận định, hiện nay, khung xây dựng chỉ số còn nhiều khoảng trống dữ liệu và những khó khăn trong biên soạn các tài khoản môi trường, cụ thể như vẫn tồn tại khoảng trống giữa tính toán GDP từ bên cung và bên cầu, chưa có ngành thể hiện chi phí về tái sử dụng chất thải, thiếu ma trận hệ số chất thải trực tiếp và trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, thiếu hệ số chi phí theo các loại chất thải.

Khả năng đạt được mục tiêu chỉ số này tại Việt Nam

Thuận lợi.Việt Nam đã bước đầu thực phát triển công nghiệp xanh với việc tham gia ký kết Tuyên bố Manila về công nghiệp xanh tại châu Á vào ngày 9/9/2009. Những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành và thực hiện khung chính sách theo hướng xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, thực hiện các chương trình như: Chương trình phát triển nhiên liệu sinh học; Chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường tới năm 2025... và thực hiện sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm một số mô hình năng lượng xanh, sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần xăng dầu, tiến tới xây dựng ngành xăng dầu sạch... Quá trình xanh hóa nền kinh tế đã được khởi động, nhưng đây là một quá trình lâu dài, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức.

Các kết quả khảo sát cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam còn rất lớn, chẳng hạn ngành công nghiệp xi măng có thể giảm tiêu thụ năng lượng 50%, công nghiệp gốm giảm 35%, ngành dệt may giảm 30%, công nghiệp thép 20%, chế biến thực phẩm 20%... Mục tiêu của Việt Nam là cắt giảm 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong 3 năm tới.

Khó khăn. Quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam đã được nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 là "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường" và "Phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học". Thế nhưng, cho đến nay, khi Việt Nam đã đi hơn 4/5 chặng đường của chiến lược 10 năm thì vấn đề môi trường ở Việt Nam đang ngày càng trở nên gay gắt. Bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng miền vẫn tiếp tục tăng, hiệu quả đầu tư giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại và giảm mạnh, tính bất ổn của nền kinh tế tăng, và các vấn đề xã hội ngày càng trở nên bức thiết.

Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “Kinh tế xanh” hiện nay ở Việt nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

Thứ hai, về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống-“Nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới-“Nền Kinh tế Xanh”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt nam hiện nay.

Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cac bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường.... Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới “Nền kinh tế xanh”.

Thứ năm, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “Kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.

Định hướng phát triển

Thứ nhất, cơ chế chính sách cần tập trung vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nghề, ưu tiên phát triển các ngành có công nghệ cao, phát thải các bon thấp; công nghệ thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; không gây ô nhiễm môi trường; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Thứ hai, về nhận thức, tập trung tuyên truyền, giáo dục định hướng thay đổi nhận thức trước đây của xã hội từ nền “kinh tế nâu” (nền kinh tế chỉ chú trọng nhiều tới tăng trưởng kinh tế mà giảm nhẹ bảo vệ môi trường) sang nền “kinh tế xanh” để tạo ra một sự đồng thuận cao trong xã hội từ lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp, từ đó thay đổi quan niệm và nhận thức về một “nền kinh tế xanh”. Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận “nền kinh tế xanh”.

Thứ ba, đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ trong nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề trong nội hàm của “nền kinh tế xanh” như sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; định hướng lại đầu tư, hướng tới mức đầu tư khoảng 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khôi phục hệ sinh thái và bảo vệ môi trường...

Thứ tư, đổi mới quy hoạch sử dụng đất cho phát triển đô thị, phát triển giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình phúc lợi xã hội theo hướng dành quỹ đất đủ cho phát triển cây xanh, hồ nước và các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường theo quy chuẩn quốc tế.

Thứ năm, cải cách lại hệ thống thuế tài nguyên và xem xét lại thuế môi trường hướng tới phát triển kinh tế xanh được điều chỉnh thông qua công cụ kinh tế và cơ chế tài chính, thuế khóa nhằm khuyến khích tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên quý hiếm, bảo vệ môi trường, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Thứ sáu, đổi mới chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, xem xét lại và hoàn thiện chỉ tiêu GDP xanh, cải tiến hệ thống SNA phản ánh đủ các chỉ tiêu tính toán môi trường trong hạch toán cân đối tài khoản quốc gia...

Thứ bảy, rà soát lại cơ chế chính sách liên quan đến dịch vụ hệ sinh thái và đầu tư cho phát triển thời gian qua, gắn phát triển rừng với xóa đói giảm nghèo, những ưu thế của công cụ kinh tế liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, bổ sung và hoàn thiện công cụ này triển khai trong cả nước, sau đó tiếp tục cho các hệ sinh thái đất ngập nước, sinh thái biển, san hô...

Thứ tám, dựa vào tiêu chí quốc tế như đã dự tính của UNEP, đầu tư công toàn cầu 2% GDP cho phát triển kinh tế xanh, tổng kết thời gian vừa qua mức độ đầu tư cho môi trường ở Việt Nam còn thiếu hụt bao nhiêu để bổ sung và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ chín, tích cực hợp tác quốc tế trong nỗ lực xây dựng “nền kinh tế xanh” ở Việt Nam, huy động các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế, nhất là nguồn vốn đầu tư 2% GDP toàn cầu cho phát triển “kinh tế xanh”, các cơ chế tài chính khác cho phát triển rừng.

Tómlại,Việc tính toán các chỉ số xanh đang là một trong những xu hướng của các nước phát triển trên thế giới. Việc kết hợp yếu tố môi trường trong cán cân kinh tế - xã hội nhằm giúp các quốc gia phát triển một cách bền vững. Các chỉ số này không chỉ nhằm giúp đánh giá mức độ “xanh” của một nước mà còn giúp hỗ trợ nước đó trong việc hoạch định các chính sách phát triển bền vững cần thiết. Mỗi chỉ số mang một tầm quan trọng và đặc trưng riêng, phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển xanh của mỗi quốc gia. Dó đó, cần có sự lựa chọn và xây dựng những chỉ số xanh phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và trong mối quan hệ với tự nhiên.

Việt Nam là một quốc gia non trẻ trong việc xây dựng các chỉ số xanh như GDP xanh hay EDP. Tuy nhiên, đây lại là những chìa khóa cần thiết cho cánh cửa chính sách cần được mở ra cho Việt Nam trong tương lai. Việt Nam cần có cơ chế chính sách phù hợp, cần sự đào tạo nguồn nhân lực cần thiết để phục vụ cho việc xây dựng các chỉ số xanh này.

 

Tài liệu tham khảo:

TrầnThịLệAnh,2010.Đánhgiávàdựbáomốitươngquangiữatăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Báo cáo tổng kết khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ, National Income, Supplement to the Survey of Current Business, tháng 7 năm 1947 (Washington, DC: GPO, 1947), 11.

Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Nguyễn Mạnh Hải, Bùi Trinh, Hồ Công Hòa, Nguyễn Việt Phong, Dương Mạnh Hùng, 2012. Báo cáo cuối cùng “Chỉ số GDP xanh: Nghiên cứu Phát triển Khung Phương pháp”, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Hanley N., 2000. Macroeconomic measures of “Sustainability”, Journal of economic surveys.

Ming L., 2007. Green Accounting of China: Comparison Analysis between 1992 and 1995. Canadian Social Science.

Skånberg K., 2001. Constructing a partially environmentally adjusted net domestic product for Sweden 1993 and 1997.

http://vjol.info/index.php/econst/article/viewFile/10153/9302

http://vienthongke.vn/thong-tin-khoa-hoc/chuyen-san/188-nam-2001-cs-45-nam-thanh-lap-khoa-thong-ke-dh-ktqd/1183-mot-vai-suy-nghi- ve-chi-tieu-gdp-xanh

http://www.eolss.net/Sample-Chapters/C13/E1-21-03-04.pdf