0236.3650403 (128)

CHIẾN LƯỢC TRAO ĐỔI VÀ CHIẾN LƯỢC VIỆN LẼ CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO TRONG VẤN ĐỀ GÂY ẢNH HƯỞNG


1.Chiến lược trao đổi

Chiến lược này thường thể hiện ra là “hai bên cùng có lợi” hay “có đi, có lại”. Nguyên tắc của chiến lược này là cho đi một cái gì đó nhằm đạt được cái khác. Điểm mấu chốt của chiến lược này là cố gắng đạt đến cái là quan trọng ( có giá trị) đối với mình và cho đi cái không quan trọng với mình nhưng quan trọng với người khác.

Sự trao đổi thành công luôn đòi hỏi chủ thể phải có một mức độ thấu cảm cao hơn đối với đối tượng. Muốn vậy, phải đặt mình vào vị trí của người khác thì mới thực hiện được sự trao đổi.

Khi nghiên cứu về hệ thống quản lý hiện nay trên thế giới , các nhà nghiên cứu cho rằng cung cách lãnh đạo hiện nay chính là việc “Đổi phần thưởng lấy sự tuân lệnh”.

Chiến lược này có nhược điểm là nó tập cho đối tượng quen với sự trao đổi. Điều này là nguy hiểm khi áp dụng với người dưới quyền vì nó làm cho người dưới quyền quen với sự mặc cả. Vì vậy chiến lược này sẽ được sử dụng tốt ở những nơi mà cả hai bên đều có quyền ngang bằng nhau và đều có quyền thưởng cho nhau.

Thực hiện chiến lược này cần phải:

- Đưa ra phần thưởng

- Nhắc nhở về những việc đã xảy ra trong quá khứ

- Thực hiện sự hy sinh cá nhân

- Thực hiện sự giúp đỡ

- Đưa ra các thay đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ.

2.Chiến lược viện lẽ

Sử dụng chiến lược này là việc đưa ra các thông tin, dữ liệu, chứng cứ để ủng hộ cho ý kiến của mình. Điều này nghĩa là chiến lược này dựa vào các thông tin khách quan. Các ý tưởng phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, các quan điểm khác biệt phải được dự đoán và cân nhắc cẩn thận. Nếu không chiến lược này sẽ không dẫn đến thành công.

Trong thực tiễn, những người lãnh đạo thường thích sử dụng chiến lược này vì sự tranh chấp của đối tượng có nghĩa là sự tích cực tham gia nhiệt tình của họ, điều này làm tăng hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ. Khi giao nhiệm vụ cho người dưới quyền nhiều người lãnh đạo thường cố gắng “khách quan hóa nhiệm vụ”. Nghĩa là họ làm cho người dưới quyền tự nhận ra rằng đây không chỉ là đòi hỏi của người lãnh đạo mà là đòi hỏi của tình thế. Nếu làm được như vậy, bạn sẽ không phải kiểm soát đối tượng một cách chặt chẽ, vì thế nó tạo ra sự khởi xướng công việc và sáng tạo. Chiến lược này dường như tạo ra một khả năng to lớn cho sự thành công vì nó không có sự đe dọa hay ngầm ý đe dọa.

Tuy nhiên, khi chúng ta cố gắng chứng minh mình đúng thì có nghĩa là chứng tỏ đối tượng là sai, vô lý hoặc là người gây cản trở. Điều này gây ra sự phản kháng của đối tượng. Hơn nữa, khi bạn chứng minh được điều mình đúng thì cũng chưa đảm bảo đối tượng sẽ thực hiện điều đó bởi vì không phải lúc nào con người cũng hành động một cách hợp lý.

Sự thành công của chiến lược này không chỉ dựa trên sự hiểu biết về vấn đề của người lãnh đạo mà còn dựa trên những đặc tính cá nhân của người lãnh đạo và người lãnh đạo có phải là người hấp dẫn, cuốn hút đối với đối tượng hay không.

Thực hiện chiến lược này cần phải:

- Đưa ra những phán quyết một cách chi tiết

- Đưa ra những thông tin ủng hộ

- Giải thích những lý do.

- Các vấn đề phải được trình bày một cách logic.

 

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN