0236.3650403 (128)

Đánh giá bức tranh kinh tế cuối năm 2022


Bức tranh kinh tế duy trì ổn định với một số điểm sáng từ tăng trưởng ở các nhóm bán lẻ tiêu dùng và dịch vụ hồi phục, vốn FDI thực hiện tăng cao, cán cân thương mại thặng dư. Tuy nhiên tốc độ tăng đang chậm lại và dự kiến tăng trưởng Quý IV giảm tốc khi các chỉ báo dự báo sớm như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tiếp tục suy yếu. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên áp lực từ suy thoái kinh tế của các quốc gia lớn, diễn biến địa chính trị toàn cầu phức tạp có thể gây ra nhiều thách thức trong thời gian tới.

Lạm phát được kiểm soát tốt nhờ các biện pháp kiềm chế lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng cung tiền đang thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng, cho thấy dòng tiền dư thừa đang bị thắt lại, giúp kiềm chế lạm phát; mặc dù vậy đã xuất hiện tình trạng khó khăn thanh khoản ở một số lĩnh vực, đặc biệt là nhóm bất động sản, xây dựng. Các chuyên gia dự báo lạm phát năm 2022 đạt khoảng 3% - 3,5%, nằm trong ngưỡng mục tiêu của Chính phủ.

Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng yếu tố đầu tư công sẽ là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác đang có dấu hiệu suy yếu. Xuất khẩu khó duy trì đà tăng trưởng khi các đối tác lớn đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và thực tế đã thể hiện trong kết quả các tháng gần đây. Tiêu dùng tiếp tục hồi phục nhưng khó duy trì tăng trưởng như năm 2022, trong khi vốn đầu tư tư nhân có thể chững lại khi gặp khó khăn trong việc huy động vốn cũng như triển khai các dự án tiềm năng. Áp lực lạm phát cũng có thể tăng cao trong năm 2023 khi sức cầu trong nước hồi phục hoàn toàn, trong khi nguồn cung có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí đẩy khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khôi phục và tỷ giá đang gặp áp lực. Ngoài ra, việc đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế và đầu tư công cũng có thể gây áp lực tới lạm phát trong năm tới.

ThS. Mai Xuân Bình - Khoa QTKD