0236.3650403 (128)

ĐO LƯỜNG HOẠT ĐỘNG ĐỔI MỚI


 Hoạt động đổi mới được đo lường theo nhiều cách khác nhau và đo lường hoạt động đổi mới luôn là nhiệm vụ khó khăn đối với nhà nghiên cứu (Becheikh và cộng sự, 2006). Hoạt động đổi mới là phức tạp, đa dạng với nhiều thành tố tương tác với nhau. Hoạt động đổi mới thông thường được đo lường bởi hai chỉ số gián tiếp là hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và số lượng bằng sáng chế. Tuy nhiên, hai chỉ số đo lường này cũng có những khuyết điểm nhất định. R&D thường được sử dụng phổ biến nhất trong việc đo lường đầu vào của quá trình hoạt động đổi mới tuy nhiên việc đầu tư vào hoạt động R&D thì không nhất thiết là dẫn đến sự cải thiện sản phẩm và quy trình (Flor và Oltra, 2004; Van de Panne và cộng sự, 2003). Do đó, dữ liệu về hoạt động R&D dường như là đo lường quá mức hoạt động đổi mới khi mà dữ liệu về R&D bao gồm luôn cả những nỗ lực thực hiện R&D nhưng không thành công. Hơn thế nữa, không phải tất cả những hoạt động đổi mới đều cần thiết phải có nghiên cứu phát triển (Heller và cộng sự, 1998). Trong những trường hợp như vậy thì đo lường hoạt động đổi mới bằng chỉ tiêu R&D sẽ đánh giá dưới mức hoạt động đổi mới của doanh nghiệp. Cuối cùng, việc đo lường hoạt động đổi mới bằng chỉ tiêu R&D dường như là thích hợp đối với các doanh nghiệp lớn hơn là các doanh nghiệp nhỏ do nỗ lực tiến hành R&D của các doanh nghiệp nhỏ thường là không chính thức (Acs và Audretsch, 1991; Van de Panne và cộng sự, 2003) và không thường xuyên (Heller và cộng sự, 1998). Đối với việc sử dụng dữ liệu liên quan đến bằng phát minh để đo lường hoạt động đổi mới thì có khuyết điểm đó là bằng phát minh thông thường đo lường phát minh hơn là dùng để đo lường hoạt động đổi mới của doanh nghiệp (Coombs và cộng sự, 1996; Flor và Oltra, 2004; OECD, 1997). Hơn nữa hoạt động đổi mới được hiểu là quá trình biến đổi những phát minh vào trong các sản phẩm hàng hóa mới hoặc cải tiến sản phẩm hoặc là cải tiến quy trình do đó việc dùng bằng phát minh sáng chế để đo lường hoạt động đổi mới sẽ dẫn đến việc ước tính quá mức đầu ra của hoạt động đổi mới do việc phát minh sáng chế có thể không bao gồm việc tạo ra sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hoặc cải tiến quy trình. Mặt khác,  khuynh hướng phát minh sáng chế là khác nhau giữa các ngành công nghiệp (Heller và cộng sự, 1998; Becheikh và cộng sự, 2006).  Để khắc phục nhược điểm của chi số đo lường gián tiếp hoạt động đổi mới thì chỉ tiêu đo lường trực tiếp hoạt động đổi mới được giới thiệu  là chỉ số đo lường(1) số lượng hoạt động đổi mới được tiến hành và (2) đo lường hoạt động đổi mới dựa trên bảng câu hỏi điều tra về hoạt động đổi mới đối với người đứng đầu doanh nghiệp. Đối với chỉ số liên quan đến số lượng hoạt động đổi mới được tiến hành được xác định dựa vào việc thu thập thông tin về hoạt động đổi mới từ nhiều nguồn khác nhau như thông tin về sản phẩm hoặc quy trình mới được công bố. Tuy nhiên chỉ số này có hạn chế đó là dường như là thích hợp để đo lường các hoạt động đổi mới mang tính đột phá hơn là đo lường các hoạt động đổi mới gia tăng (OECD,1997) và đo lường đổi mới sản phẩm hơn là đổi mới quy trình (Flor và Oltra, 2004; Kleinknecht và cộng sự, 2002). Thêm vào đó, các chỉ tiêu đo lường số lượng hoạt động đổi mới sẽ loại trừ những hoạt động đổi mới không thành công. Còn đối với chỉ số dựa vào bảng câu hỏi điều tra của doanh nghiệp trở thành phương pháp chuẩn mực trong việc thu thập số liệu trực tiếp của hoạt động đổi mới (M, 1998). Tuy nhiên, hạn chế của chỉ số dựa trên bảng câu hỏi điều tra doanh nghiệp là  kết quả nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ trả lời của bảng câu hỏi (Becheikh và cộng sự, 2006).  Các chỉ số đo lường hoạt động đổi mới được đề cập bên đều có những hạn chế nhất định và chính các hạn chế này thúc đẩy các nhà nghiên cứu thực nghiệm về hoạt động đổi mới phát triển các chỉ số đo lường hoạt động đổi mới phù hợp với dữ liệu và các nghiên cứu của họ như các chỉ số liên quan đến doanh thu bán hàng tạo ra do tiến hành hoạt động đổi mới; số lượng tài sản trí tuệ được sử dụng trong doanh nghiệp, đầu tư vào máy móc thiết bị có công nghệ, công nghệ thông tin, thời gian nhà quản lý phân bố cho các hoạt động đổi mới; chi phí marketing cho sản phẩm mới; chi phí đào tạo liên quan đến sản phẩm mới hoặc quy trình mới.

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN