0236.3650403 (128)

GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY NHƯ THẾ NÀO?


    Hiện nay mức lãi suất cho vay của các NHTM đang trên đà giảm sút để giúp các DN tháo gỡ khó khăn về vốn, tuy nhiên mỗi một ngân hàng lại giảm một kiểu để cạnh tranh giành lấy khách hàng, điều này sẽ gây khó khăn trong vấn đề quản lý đối với cơ quan Nhà nước,vì vậy cần phải có một barem tương đối để tính chi phí lãi suất đi vay ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN, từ đó mới có một mặt bằng lãi suất tương đối sát với hoạt động của DN.

    Từ đầu tháng 4/2013 các tổ chức tín dụng liên tục giảm lãi suất cho vay và tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để kéo DN và cá nhân trở lại ngân hàng cũng như góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

    Là một trong những ngân hàng rất chú trọng đáp ứng nhu cầu vốn giá rẻ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đầu tháng 4/2013 ACB triển khai chương trình 30 ngày ưu đãi đặc biệt cho khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay chỉ là 10,99%/năm cố định trong ba tháng đầu giải ngân và lãi suất cố định trong 12 tháng đầu tiên là 12,99%/năm.

    Riêng các khách hàng đã có quan hệ tín dụng với ACB nhiều năm được điều chỉnh giảm lãi suất đối với các khoản vay đang còn dư nợ lãi suất cao về mức 14,99%/năm. Bên cạnh đó ngân hàng còn tung ra gói “hỗ trợ kinh doanh trọn gói” cũng là giải pháp ưu đãi lãi suất trong suốt thời gian vay, giảm thiểu mọi thủ tục vay vốn và nhiều dịch vụ thanh toán được miễn phí để lôi kéo khách hàng vay vốn.

    Do các ngân hàng chưa có một barem chung trong việc giảm lãi suất cho vay nên khoảng cách chênh lệch lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đang rất rộng.

    Trong tháng 4/2013, hai ngân hàng Eximbank và Sacombank cũng bắt đầu triển khai gói tín dụng ưu đãi cho việc kinh doanh 4 mặt hàng đồ dùng học sinh, lương thực thực phẩm, sữa, dược phẩm với lãi suất vay vốn lưu động 6%/năm và lãi suất vay vốn đầu tư 10%/năm. Hiện lãi suất cho vay vốn thấp nhất của OCB ở mức 11,5%/năm, một số khách hàng thân thiết có thể tiếp cận với lãi suất 8%/năm.

    Nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, VietinBank, Agribank… ngay trong tháng 4 này đã kéo lãi suất các khoản vay mới xuống xoay quanh mức 10-11%/năm đối với hoạt động sản xuất chế biến hàng xuất khẩu nông sản.

    Đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, xuất khẩu, công nghệ cao, hàng nguyên phụ liệu… lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên địa bàn hiện không quá 12%/năm. Đặc biệt, những khách hàng truyền thống của một số ngân hàng còn được vay vốn lưu động với lãi suất 8%/năm đối với các dự án tốt.

    Như vây lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh trong tháng 4/2013 và mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện đã quay về mức lãi suất đã từng áp dụng trước khi nền kinh tế rơi vào khó khăn .

    Thời gian qua hệ thống ngân hàng đã tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất cho vay, vấn đề hiện nay là giảm nữa thì giảm tới đâu cho phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Đối với OCB, mặc dù mức lãi suất cho vay của ngân hàng này hiện nay chưa phải thấp nhất trên thị trường, nhưng điều đó cho thấy ngân hàng đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn với DN. Không chỉ OCB, hiện tại các ngân hàng cũng đang nỗ lực hết sức, chia lửa với DN, thậm chí chấp nhận lợi nhuận giảm sút để hướng tới mục tiêu lâu dài, chung sức thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Bởi các ngân hàng cũng thấu hiểu, DN làm ăn có lãi thì hoạt động ngân hàng mới có thể sôi động trở lại.

    Trong giai đoạn này việc hạ lãi suất cho vay cũng nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như để thu hút, lôi kéo khách hàng về với ngân hàng mình. Song bản chất cũng chính vì lợi ích, mục tiêu kinh doanh hướng đến lợi ích lâu dài của các ngân hàng. Tuy nhiên đối với các ngân hàng lớn có lợi thế nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế như kho bạc, dịch vụ mở rộng, khách hàng lớn nên có thể giảm mạnh lãi suất cho vay, khiến các ngân hàng nhỏ không theo kịp. Và trong cuộc chạy đua giảm lãi suất cho vay trong tháng 4/2013 không loại trừ có ngân hàng “bán phá giá”, gây bất lợi cho ngân hàng bạn và thị trường tín dụng. Đặc biệt, liệu bên vay có hiểu đó là các cố gắng tiết giảm chi phí của hệ thống ngân hàng hay vẫn nghĩ lãi suất cho vay giảm là hiển nhiên.

    Như vậy, phải cần có một barem tương đối để tính chi phí lãi suất đi vay ngân hàng chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của DN. Từ đó mới có một mặt bằng lãi suất tương đối sát với hoạt động của DN. Không thể nay DN này kêu khó vay mai ngành kia kêu lãi suất cao để rồi mỗi ngân hàng giảm lãi suất cho vay mỗi kiểu theo hình thức cạnh tranh giành khách lẫn nhau.

    Lãi suất cho vay hiện nay trên thị trường ngân hàng khá chênh lệch, ngân hàng mạnh thì giảm xuống đến 6%/năm, nhưng lại có lợi thế dịch vụ khép kín nên nguồn thu vốn nhàn rỗi từ mảng dịch vụ như thanh toán tiền lương công nhân, doanh số hàng hóa dịch vụ thanh toán trong ngày, nộp thuế hộ… rất lớn. Trong khi một số ngân hàng quy mô nhỏ mạng lưới chưa rộng khắp, nhất là chưa có uy tín trên thị trường lại đang phải “gồng gánh” chi phí rất lớn đối với những khoản cho vay với lãi suất trên dưới 11-12%/năm./.

ThS. Nguyễn Thị Minh Hà