0236.3650403 (128)

Hướng đi mới cho Bảo hiểm Nông nghiệp


Một trong những giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay trong việc tăng cường sức sống cho BHNN ở Việt Nam là hướng phát triển BHNN theo chỉ số (đang được triển khai ở nhiều nước đang phát triển). Dự án phát triển BHNN theo chỉ số được sự quan tâm phối hợp thực hiện giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Thuật ngữ “chỉ số” ở đây được hiểu là một đại lượng nào đó gắn chặt với sự thiệt hại nhưng không bị người được bảo hiểm gây ảnh hưởng lên nó, ví dụ như chỉ số về lượng mưa, nhiệt độ, sản lượng của vùng, mực nước… Hợp đồng bảo hiểm theo chỉ số chỉ bồi thường thiệt hại dựa trên giá trị của một chỉ số nào đó chứ không phải dựa trên những thiệt hại được xác định trên đồng ruộng.

Bảo hiểm theo chỉ số có nhiều ưu điểm:

-         Như quan sát được và có thể dễ dàng đo lường

-         Có tính khách quan, rõ ràng, không gây nhầm lẫn

-         Có thể thẩm định một cách độc lập; có khả năng ghi nhận và dự báo theo thời gian

-         Chi phí quản lý thấp, sử dụng số liệu thống kê của Nhà nước nên thường xác thực…

Nói cách khác, hợp đồng bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được hầu hết các vấn đề mà hình thức bảo hiểm truyền thống đang mắc phải.

Tuy vậy, vẫn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn đối với loại hình bảo hiểm này, như:

-         Mức độ rủi ro cao đối với nhà bảo hiểm

-         Việc định phí bảo hiểm có khả năng không đúng và không đủ do thay đổi xác suất các yếu tố xác định phí bảo hiểm

-         Cơ chế trả tiền bồi thường khác với bảo hiểm truyền thống nên cần có sự đồng thuận của Bộ Tài chính.

-         Người tham gia bảo hiểm có thể được bồi thường cả khi không có thiệt hại xảy ra hoặc có thiệt hại mà không được bồi thường, điều này trái với nguyên tắc trong bảo hiểm: Chỉ bồi thường khi có rủi ro và theo giá trị hợp đồng.

Mặt khác, bảo hiểm theo chỉ số cũng không phải là phương thuốc vạn năng giải quyết được mọi vấn đề của BHNN, vì phạm vi bảo hiểm bị hạn chế, chỉ bảo hiểm rủi ro thời tiết còn những thiệt hại do những rủi ro khác không được tính đến.

Tại Việt Nam, bảo hiểm chỉ số đã được áp dụng thí điểm tại ĐBSCL, cụ thể là Đồng Tháp, 3 năm qua. Chỉ số bảo hiểm ở đây dựa trên mực nước  lũ sớm, chẳng hạn như nếu vượt quá 270cm ở đập Tân Châu, bà con ở huyện Hồng Ngự và Tam Nông lúa bị ngập do không kịp thu hoạch thì cứ việc đến công ty bảo hiểm đòi tiền.

Một chương trình tương tự cũng đã được triển khai ở Tây Nguyên, chỉ số thời tiết là độ khô hạn ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Nếu các chương trình này thành công, dự án sẽ nghiên cứu triển khai ở Đồng bằng sông Hồng.

Th.S Mai Xuân Bình – Khoa QTKD