0236.3650403 (128)

LÃNH ĐẠO TRONG TỔ CHỨC


“Lãnh đạo”là một thuật ngữ được hiểu khác nhau ở những người khác nhau với những ý nghĩa rất khác nhau. Nếu bạn hỏi ai đó về lãnh đạo là gì thì câu trả lời sẽ là một ví dụ về một người lãnh đạo hoặc một hoạt động lãnh đạo nào đó hơn là một định nghĩa về lãnh đạo. Vấn đề này trở nên phức tạp hơn khi trong nhiều tài liệu về quản trị thuật ngữ “Lãnh đạo” và “Quản trị” được sử dụng thay thế cho nhau, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng thực hiện sự phân biệt hai khái niệm này. Trong thực tiễn quản lý các nhà quản trị thường cho rằng hai khái niệm này là rất giống nhau. Tại các cường quốc có sự phát triển mạnh về lý luận quản trị thì cách hiểu cũng rất khác nhau. Ở Hoa Kỳ,  thuật ngữ “Lãnh đạo” được ưa thích hơn “Quản trị”, trong khi đó ở Anh thì ngược lại. Một tác giả có sự phân biệt thành công được nhiều người chấp nhận là Kotter, ông cho rằng “ Quản trị là thích ứng với sự phức tạp, quản trị tốt đáp ứng những đòi hỏi và tạo ra mức độ cao của sự nhất quán với những khía cạnh cốt lõi như chất lượng và năng lực lợi nhuận của sản phẩm. Trong khi đó lãnh đạo là thích ứng với sự thay đổi. Ông tiếp tục làm rõ nhu cầu lãnh đạo khi nhà quản trị phải thích ứng với những thay đổi ngày càng tăng. Những hoạt động của quản trị là Hoạch định, Tổ chức, Kiểm soát và Giải quyết vấn đề. Ngược lại, hoạt động lãnh đạo Đưa ra các chỉ dẫn, Bố trí lực lượng lao động  và Động viên nhân viên.

Phần lớn các nhà quản trị sẽ thấy rằng trong thực tiễn rất khó mà phân biệt một cách rõ ràng các yếu tố một chức vụ quản lý cụ thể. Rõ ràng , sự thay đổi nhanh của môi trường hiện nay đã làm tăng nhu cầu về những kỹ năng lãnh đạo có hiệu quả. Để làm rõ hơn chúng ta xem xét những khái niệm nhận được sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu trên thế giới:

“Lãnh đạo là cư xử của một cá nhân khi anh ta chỉ đạo các hoạt động của nhóm để đạt đến những mục tiêu chung” . (Hemphill & Coons, 1957)

“Lãnh đạo là dạng đặt biệt của quan hệ quyền lực được đặc trưng bởi nhận thức của các thành viên nhóm rằng một thành viên khác của nhóm có quyền đòi hỏi những dạng hành vi đối với các thành viên khác trong hoạt động của họ như là một thành viên nhóm”. (Janda,1960)

“Lãnh đạo là sự ảnh hưởng ( tác động) mang tính tương tác, được thực hiện trong một tình huống, được chỉ đạo thông qua quá trình thông tin để đạt đến những mục tiêu cụ thể”. (Tannenbaum, Weschler & Masarik, 1961)

“Lãnh đạo là sự tương tác giữa những con người trong đó một người trình bày những thông tin để những người khác trở nên bị thuyết phục với những kết cục của anh ta...và kết cục này sẽ hoàn thiện khi đối tượng cư xử theo những điều được đề nghị hoặc được đòi hỏi”. (Jacobs, 1970)

“Lãnh đạo là sự khởi xướng và duy trì cấu trúc trong sự mong đợi và sự tương tác”. (Katz & Kahn, 1978)

“Lãnh đạo là quá trình ảnh hưởng đến những hoạt động của nhóm có tổ chức để đạt đến mục tiêu”. ( Rauch &Behling, 1984)

Phần lớn những nhận thức về lãnh đạo bao hàm quan điểm là một hoặc nhiều thành viên nhóm có thể được nhận dạng như là người lãnh đạo theo một số những điểm khác biệt có thể thấy được giữa họ và những người khác , những người được gọi là dưới quyền. Những định nghĩa về lãnh đạo luôn có những điểm chung với giả định là nó bao hàm sự tương tác giữa hai hay nhiều người. Hơn nữa phần lớn những định nghĩa về lãnh đạo phản ánh giả định là nó bao gồm quá trình ảnh hưởng khi sự ảnh hưởng có mục đích được thực hiện bởi người lãnh đạo với người dưới quyền của họ. Nói chung, các định nghĩa về lãnh đạo là khác biệt nhau trên nhiều phương tiện, nó có thể bao gồm sự khác biệt quan trọng về người thực hiện nỗ lực ảnh hưởng, mục đích của những nỗ lực ảnh hưởng và bối cảnh trong đó sự ảnh hưởng được thực hiện.

     Lê Hoàng Thiên Tân