0236.3650403 (128)

LĨNH VỰC BÁN LẺ CỦA VIỆT NAM GẮN VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ


Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD

 

Thương mại điện tử (E-Business)được hiểulà quy trình mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông, đặc biệt là trực tuyến qua máy tính và mạng Internet.Thương mại điện tử được biết đến với khá nhiều tên gọi, phổ biến nhất là thương mại điện tử(TMĐT), bên cạnh đó là các tên gọi như kinh doanh điện tử, marketing điện tử, thương mại trực tuyến, thương mại phi giấy tờ. Thương mại điện tử diễn ra khi tất cả các hoạt động trao đổi, thảo luận, đàm phán, ký kết hợp đồng và mua bán hàng hoá giữa người bán và người mua được thực hiện bằng phương pháp điện tử trên mạng truy cập toàn cầu Internet hoặc các mạng thông tin khác.

Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam ra đời khá muộn so với nhiều nước trên thế giới. Cuối năm 2005, Việt Nam mới có "Luật Giao dịch điện tử" và năm 2006 mới ra đời Nghị định hướng dẫn thi hành luật này. Tới đầu năm 2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007"Về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính", số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 "Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số", số 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 "Về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng".

Trong thời gian gần đây đã có một số dự án khá lớn về TMĐT nhưng tác động của chúng tới phát triển TMĐT còn thấp. Doanh nghiệp ứng dụng TMĐT để tự mua, bán hàng hoá và dịch vụ, cụ thể các doanh nghiệp sử dụng Internet để thực hiện việc xây dựng trang Web giới thiệu sản phẩm và giới thiệu công ty, đưa e-catalogue lên mạng, chấp nhận đơn đặt hàng trên mạng. Trong các giao dịch TMĐT này doanh nghiệp chưa thể thực hiện thanh toán qua mạng, còn các hoạt động mua - bán hàng qua mạng với các khách hàng nước ngoài có thể thực hiện được nếu các doanh nghiệp chấp nhận sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng như Visacard hay Mastercard. Mặt khác, rất ít các doanh nghiệp sử dụng các phần mềm chuyên nghiệp cho TMĐT như phần mềm quản trị quan hệ khách hàng (CRM), phần mềm quản lý hàng tồn kho (SCM), phần mềm quản lý nguồn nhân lực (HRM)... Các công ty tin học đánh giá TMĐT tất yếu sẽ phát triển mạnh trong những năm tới nên đã mạnh dạn đầu tư sâu vào nghiên cứu và triển khai, giáo dục và đào tạo về TMĐT với mục tiêu khi thị trường lớn sẽ thu được doanh thu và lợi nhuận.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành động lực để thương mại điện tử phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, do đó việc có một website để kinh doanh, quảng bá thương hiệu đang trở nên cấp thiết đối với các công ty. Tuy nhiên không phải công ty hay cá nhân nào đều có thể dễ dàng có được website riêng cho mình vì gặp phải rất nhiều khó khăn như các hạn chế về hiểu biết công nghệ, chi phí đầu tư và thời gian để khởi động một website bán hàng trực tuyến. Tínhđến nay, có khoảng 500 doanh nghiệp Việt nam có trang web trên Internet (chiếm 1%). Những doanh nghiệp có trang web thường là những doanh nghiệp lớn. Tuy chưa trực tiếp bán hàng nhưng với việc xây dựng trang web, các doanh nghiệp đã tạo cho mình một văn phòng giao dịch trên mạng, chuẩn bị sẵn sàng cho các giao dịch thương mại điện tử trong thời gian tới. Ngoài ra rất nhiều các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng đưa thông tin quảng cáo trên các website của các nhà cung cấp thông tin trên Internet. Khi vào bất kì trang web nào, chúng ta đều thấy khá nhiều logo, banner quảng cáo của các tổ chức doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực của nền kinh tế.

Riêng đối với lĩnh vực bán lẻ, lợi ích của thương mại điện tử mang lại thể hiện rất rõ trên các mặt như tăng được năng suất do việc quản lý mua sắm và kho dự trữ đạt hiệu quả cao hơn (kiểm kê hàng hoá không cần giấy tờ) hoặc do cải thiện được hệ thống kênh phân phối trong và ngoài nước, tiết kiệm được chi phí giao dịch, đem lại cảm giác thoải mái, tiện lợi khi mua hàng, tăng cường hiệu quả quảng cáo, marketing bán hàng và thanh toán tiền hàng, tăng nhanh khả năng phổ biến và tiếp thu công nghệ mới... Do có tính ưu việt như vậy nên trong những năm gần đây, doanh số thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng rất nhanh và bình quân tăng trưởng khoảng 70% mỗi năm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bán lẻ truyền thốngbởi các doanh nghiệp Việt Namgiờ đây không chỉ dừng ở các máy bán lẻ POS (điểm bán hàng) đơn giản, mà đã tiến đến việc trang bị những phần mềm chạy trên máy tính có gắn kèm các thiết bị liên quan như máy đọc mã vạch – máy in hóa đơn chuyên dụng, thiết bị kiểm kho, các thiết bị thanh toán thông qua ngân hàng… Cao hơn nữa, nhiều chuỗi cửa hàng lớn giờ đây trang bị các bộ giải pháp toàn diện hơn như cơ sở dữ liệu trung tâm cũng như tiếp nhận các dữ liệu mang tính chính sách được phân phối từ trung tâm đến các POS. RMS là hệ thống quản lý bán lẻ vừa phục vụ mục đích bán lẻ thông thường vừa cho khả năng kết nối mạng, tích hợp nhiều chương trình quản lý thông minh, dự báo bán hàng, quản lý quan hệ khách hàng, quản lý nhân viên… RMS hỗ trợ khả năng phân tích giúp các doanh nghiệp đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

Thương mại điện tử bán lẻ với tính cách mạng tiên tiến và những ưu thế ngày càng vượt trội ắt sẽ là loại hình kinh doanh phổ biến. Trong tương lai, tuy các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra doanh số, nhưng tỷ trọng của hình thức bán lẻ ảo sẽ tăng lên nhanh chóng và đạt được tỷ phần thị trường cao. Bởi lẻ theo số liệu thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam cho thấy, hiện tại có 15 triệu người dân Việt Nam sử dụng Internet và trong 3 năm tới, con số này có thể lên tới 30 triệu. Thị trường rộng lớn này, kết hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Tuy nhiên, theo điều tra của Bộ Công Thương với 1000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có website mới chỉ chiếm 20-25%, tính năng thương mại điện tử trong các website này cũng còn khá mờ nhạt. Website được lập chủ yếu để giới thiệu về công ty (93,8%) hoặc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ (62,5%), tính năng cho phép đặt hàng qua mạng chỉ chiếm 27,4% và khả năng cho phép thanh toán trực tuyến còn ít hơn nữa, chỉ 3,2%. Thêm vào đó, khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trên “chợ ảo” còn chưa đầy đủ cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của hình thức bán lẻ này.

Ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ hiện được các doanh nghiệp triển khai theo hướngthiết lập các cửa hàng “ảo” trên mạng hoặc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh tại cửa hàng truyền thống.Cụ thể là, các doanh nghiệp thường ứng dụng các giải pháp bán lẻ như hệ thống PM Lares (Táo Quân) có thể ứng dụng cho quy mô từ cửa hàng nhỏ, bán lẻ đến chuỗi cửa hàng, nhà hàng, café có quy mô lớn với bốn phiên bản chuẩn, cao cấp, tổng thể và tùy biến theo yêu cầu. ePOS là giải pháp kết nối quản lý bếp, kho và các điểm bán được áp dụng thành công cho các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Shop Enterprise là phần mềm quản lý hàng hóa theo mã vạch sản phẩm, hữu dụng cho các cửa hàng lớn hoặc chuỗi cửa hàng có lượng sản phẩm bày bán đa dạng. Phần mềm RetailPro có các phân hệ chính như quản lý điểm bán hàng, kho hàng, mua hàng, quan hệ khách hàng… Phần mềm này phân quyền sử dụng, có thể thiết kế giao diện cho từng người dùng khác nhau. Đây là hệ thống linh hoạt cho phép cấu hình tự do và tùy ý để chuyển đổi từ hệ thống chuẩn của công ty thành hệ thống đáp ứng cụ thể nhu cầu của chi nhánh con hay nhu cầu của từng cá nhân. IDS là một hệ thống quản lý tài sản toàn diện có khả năng nâng cấp dành cho ngành công nghiệp dịch vụ khách sạn và giải trí. Giải pháp này có thể đáp ứng nhu cầu quản lý thực phẩm và đồ uống trong ngành công nghiệp dịch vụ khách sạn, khu nghỉ mát, câu lạc bộ thể thao, cổng internet phục vụ ngành du lịch…

Để phát triển ứng dụng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài các giải pháp truyền thống như đã nêu, các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải:

- Thương mại điện tử cần hướng đên việc khai thác khách hàng sử dụng tiền mặt, tỷ trọng khách hàng sử dụng tiền mặt trong các nền kinh tế đã phát triển vẫn còn cao. nhưng nhu cầu mua sắm trên Internet của các khách hàng này không hề nhỏ hơn của khách hàng có tài khoản ngân hàng. Do đó, nếu các nhà kinh doanh thương mại điện tử chỉ phục vụ cho khách hàng có tài khoản ngân hàng thì rõ ràng họ đang bỏ sót một thị trường tiềm năng rất lớn. Tại Việt Nam thì tỷ trọng khách hàng sử dụng tiền mặt trong giao dịch lại càng lớn hơn nhiều. Ở thị trường gần 86 triệu dân này, dù hệ thống ngân hàng đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng đa phần khách hàng vẫn sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt nhiều hơn thanh toán. Đồng thời với sự phát triển của hệ thống ngân hàng để phục vụ cho thị trường kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam, cần phải mở rộng các kênh thanh toán khác để có thể đem thương mại điện tử đến cho các khách hàng sử dụng tiền mặt.

- Cần nắm bắt tốt nhu cầu thực sự của khách hàng - đối với khách hàng, điều quan trọng nhất là mua được hàng hóa đa dạng, giá rẻ và cách thức thanh toán đơn giản. Ở Việt Nam, việc thanh toán bằng tiền mặt lại vẫn chiếm đa số. Như vậy, để thương mại điện tử phát triển nhanh chóng thì phải hướng đến việc phục vụ cả khách hàng sử dụng tiền mặt. Sau đó, song song với sự phát triển của hệ thống ngân hàng thì tỷ lệ thanh toán bằng thẻ sẽ tăng dần, lượng tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế sẽ giảm dần. Một nhu cầu thiết thực khác của khách hàng thương mại điện tử là họ có thể chủ động về thời gian và địa điểm. Khách hàng mong muốn có thể chọn món hàng trên trang web, thanh toán bằng một phương tiện an toàn, tiện lợi, vào thời điểm tiện nhất cho họ. Sau đó, món hàng sẽ được chuyển đến địa chỉ của khách và họ cũng không phải chờ ở nhà để thanh toán tiền nữa. Ngược lại, doanh nghiệp cũng sẽ yên tâm vì khách đã thanh toán trước, giảm thiểu rủi ro về đơn đặt hàng giả.

- Ứng dụng lợi thế cạnh tranh của TMĐT để hỗ trợ mua sắm. Trong lúc việc tìm kiếm giá cả sản phẩm trên mạng internet có thể không khó, thì việc mua sắm từ điện thoại di động lại khó hơn. Nhìn chung, hoạt động mua sắm trên mạng truy cập vào trang web của nhà bán lẻ rồi nhập vào thông tin về hình thức chuyển hàng và thanh toán thì vấn đề là màn hình và bàn phím điện thoại di động có kích thước nhỏ, gây không ít trở ngại cho người mua sắm. Để giải quyết vấn đề này, các nhà bán lẻ cần thiết kế trang web và ứng dụng dành riêng cho điện thoại di động như ứng dụng từ chiếc iPhone của eBay. Bằng cách này, cộng với chính sách giá cả cạnh tranh, các nhà bán lẻ trực tuyến đang dần lôi kéo người tiêu dùng ra khỏi những cửa hàng bán lẻ truyền thống.

- Về phía nhà bán lẻ ngoại tuyến cũng cần phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ để thu hút khách hàng, như gửi phiếu giảm giá đến điện thoại người mua sắm tiềm năng.

Tuy nhiên phát triển ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ cần lưu ýmột số nội dung sau:

-Cần thiết hướng người tiêu dùng đến việc cảm nhận được giá trị và lợi ích của công nghệ, làm thay đổi nhận thức và tư duy khách hàng, tránh tư tưởng cho rằng nếu hàng hoá sẽ không còn các mác giá đính kèm khi qua máy quét thì người bán hàng có thể tính giá cao lên khi thanh toán.

- Công nghệ phải dễ sử dụng vì hầu hết các công nghệ máy tính đều hơi phức tạp.Bởi lẻ thực tế hiện nay mỗi khách hàng sẽ mất trung bình khoảng 20 tới 30 phút chỉ để tìm hiểu làm thế nào để mua sắm trên hầu hết các hệ thống mua bán hàng hoá trên mạng Internet…

- Các vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng thương mại điện tử như thời gian giao dịch, phản ứng khác nhau của các khách hàng đối với công nghệ, ...

- Xây dựng các hệ thống phù hợp với cách thức các khách hàng đưa ra quyết định.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] http://www.business.vnn.vn/

[2] http://www.tintuc.vnn.vn/

[3] http://www.fpt.vn/

[4] http://www.vitranet.vnn.vn/ ...