0236.3650403 (128)

Một số biện pháp để nâng cao hiệu quả chi ngân sách xã hội cho sự nghiệp xã hội


Ngân sách nhà nước đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều phải có chính sách sử dụng ngân sách nhà nước hợp lý và hiệu quả.  Nhà nước huy động nguồn tài chính, tạo lập quỹ Ngân sách nhà nước để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ kinh tế xã hội của mình. Một trong những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình là thông qua hoạt động chi Ngân sách nhà nước để quản lý tốt các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, vấn đề an sinh xã hội

Chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp xã hội đã đạt được nhiều thành quả đáng kể. Ví dụ như: đời sống nhân dân (đặc biệt các đối tượng nghèo) được cải thiện và nâng cao; chế độ chính sách được đảm bảo… Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực đã làm được thì vấn đề chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp xã hội vẫn còn một số hạn chế.

Những điểm còn hạn chế

          Mặc dù, do việc thực hiện các chính sách của từng lĩnh vực trong xã hội ngày càng gia tăng sức ép chi ngân sách so với dự toán, nhưng một số khoản chi vượt dự toán quá lớn đã làm mất ý nghĩa của việc chấp hành dự toán chi. Quản lý chi tiêu ngân sách đã được tăng cường nhưng vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả, một số nơi chưa thực sự quán triệt thực hiện triệt để để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Ví dụ như hằng năm, Quốc hội phân bổ 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng thành tựu khoa học để phát triển kinh tế - xã hội liệu có quá ít. Trong khi đối với lĩnh vực giáo dục, hằng năm được giành 20% tổng ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả sử dụng ngân sách vẫn không cao.

          Việc lập dự toán cho từng lĩnh vực trong xã hội chưa gắn với tình hình kinh tế - xã hội thực tế. Trong khi nguồn thu không ổn định, các tình huống bất ngờ xảy ra dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện. Phân bổ vốn cho các chương trình, mục tiêu quốc gia đối với từng lĩnh vực còn nhiều tồn tại: phân bổ sai nội dung, mục tiêu, đối tượng hưởng thụ. Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý chi chưa chặt chẽ, thanh quyết toán chưa nghiêm, còn để xảy ra vi phạm, lãng phí và tiêu cực.

Các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi cho từng lĩnh vực còn chưa đầy đủ, rõ rang, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau. Nhiều tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu so với thực tế (điển hình là lĩnh vực khoa học công nghệ trong thời đại hiện nay chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách nhà nước).

          Các thủ tục, hướng dẫn còn phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý nên gây khó khăn cho một số đơn vị hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

          Dự toán chi cho từng lĩnh vực chưa có căn cứ vững chắc, còn nhiều tồn tại. Hầu hết các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách theo lĩnh vực không có đầy đủ số liệu thực hiện năm trước và nhu cầu chi năm kế hoạch do các địa phương báo cáo.

          Một số biện pháp để nâng cao hiệu quả chi ngân sách xã hội cho sự nghiệp xã hội

          + Hoàn thiện pháp luật về quy trình lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước đối với từng lĩnh vực.

          + Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp lập dự toán để tránh tình trạng thiếu hoặc thừa các nội dung chi. Đối với từng lĩnh vực, chi ngân sách cần phải gắn liền với việc xác định đúng đắn cơ cấu chi tối ưu, có tỷ trọng hợp lý.

          + Mỗi năm cần cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước cho từng lĩnh vực sao cho phù hợp, theo kịp với tình hình kinh tế - xã hội đang ngày càng phát triển. 

          + Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi chặt chẽ, có chế tài tương xứng đối với những đơn vị sử dụng ngân sách không chấp hành tốt các điều kiện theo luật định để các chủ thể sử dụng ngân sách chấp hành nghiêm túc các điều kiện chi ngân sách để đem lại tính hiệu quả cao cho các khoản chi này.

          + Những người lập dự toán chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp xã hội phải am hiểu từng lĩnh vực được chi, có trách nhiệm với công việc. 

ThS. Hoàng Thị Xinh